Người giữ lửa Điện Biên giữa Sài Gòn

08:05, 04/05/2016

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm có một "góc" Điện Biên trong căn nhà nhỏ giữa TP. Hồ Chí Minh. Đó là nơi ông lưu giữ những kỉ vật Điện Biên ngày nào. Những bức tranh được vẽ bằng bút sắt, bút chì, vẽ trên giấy, trên báo... 

62 năm trước, một chàng trai trẻ ở tuổi 22 xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên. Ông đến với Điện Biên bằng tâm trạng hăm hở cống hiến. Hơn 60 năm sau, tình yêu với vùng đất gần địa đầu Tổ quốc vẫn cháy trong ông dù sống ở TP. Hồ Chí Minh gần 30 năm nay.
 
Viết và vẽ dưới lửa đạn
 
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm có một “góc” Điện Biên trong căn nhà nhỏ giữa TP. Hồ Chí Minh. Đó là nơi ông lưu giữ những kỉ vật Điện Biên ngày nào. Những bức tranh được vẽ bằng bút sắt, bút chì, vẽ trên giấy, trên báo... trong những năm tháng Điện Biên khắc nghiệt, khốn khó. Trong đó có cuốn nhật kí chiến trường, vừa viết, vừa vẽ với chi chít chữ và hình ảnh. “Chữ và hình đều rất nhỏ vì tiết kiệm giấy. Thời chiến mà” - họa sĩ Tâm giải thích.
 
Trong nhật kí, họa sĩ Phạm Thanh Tâm kể lại những ký ức về cuộc hành quân dài 300km ra chiến trường và 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt trên những đỉnh đồi trơ trọi, những khoảng hầm tối. Cuốn nhật kí còn kể về lần đầu tiên sử dụng bom Napan trong những trận đánh mà quân đội Mỹ tiếp ứng cho thực dân Pháp. Trong sự đối lập về vũ khí chiến đấu, những tâm sự, câu chuyện của anh lính Phạm Thanh Tâm vẫn dí dỏm, nhẹ nhàng và hồn nhiên. Không có trang nào mang tâm trạng u uất nghĩ tới ranh giới mong manh sống - chết. Dường như đó là tâm trạng chung của những người lính Điện Biên.
 
Cuốn nhật kí về những ngày ở Điện Biên Phủ của họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã được nhà xuất bản ở Anh in năm 2004. Cũng là lần đầu tiên cuốn sách của một nhân chứng từng là chiến sĩ Điện Biên viết tại cuộc chiến xuất bản ở nước ngoài. Khi ra mắt độc giả, không ít người bất ngờ. Học giả Sherry Buchanan (chủ bút nhật báo Wall Street) đã nhận xét: “Nhật kí và những kí họa cho ta thấy một cái nhìn hoàn toàn mới lạ về Thiên anh hùng ca của dân tộc Việt Nam thế kỷ 20. Câu chuyện đầy say mê này đã làm thay đổi toàn bộ những định nghĩa, những hiểu biết của chúng ta về cuộc chiến tranh của dân tộc Việt Nam”.
 
Xem cuốn nhật kí ấy, đôi mắt hiền hậu của họa sĩ không giấu nổi niềm hãnh diện, tươi vui về những tháng ngày hào hùng. Ngày mà không có giấy để vẽ, phải vẽ cả lên giấy báo, lên vách tường vì niềm đam mê của mình. Ngày mà qua những trang viết và vẽ giữa những trận khói bom lửa đạn vừa ngưng, những câu chuyện Điện Biên trở nên rất gần, dù đã đi qua 60 năm.
 
Yêu tranh như yêu con
 
Phạm Thanh Tâm (bút danh Huỳnh Biếc) là họa sĩ sáng tác nhưng thiên về ghi chép các sự kiện lịch sử, nhất là nói về nhân vật trong sự kiện. Ông vẽ nhiều, ghi chép nhiều từ các chiến trường sôi động nhất, các mặt trận ác liệt nhất. Ông là một chiến sĩ và là một người kể chuyện đời lính bằng ngôn ngữ tạo hình giản dị. Tranh ông phản ánh chân thực đời người chiến sĩ trong chiến đấu, sinh hoạt, trong mối quan hệ với dân. Ông có tác phẩm được lưu giữ tại nhiều nơi như: Bảo tàng Quân đội Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng thành phố HCM, Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, Bảo tàng Quân khu 9, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, là một phần trong bộ sưu tập về tranh thời chiến của Bảo tàng Lịch sử Anh quốc.
Yêu tranh như con, họa sĩ Phạm Thanh Tâm lại là người tặng khá nhiều bức họa nổi tiếng của mình cho các nhà bảo tàng trưng bày. Có lẽ với ông đó là niềm vui không vụ lợi khi “gả” con vào nơi có nhiều người thương yêu trân trọng. Mới đây nhất, bức tranh Xuân trong hầm pháo Điện Biên (đoạt giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc) đã được ông trao tặng bảo tàng chiến công Điện Biên Phủ trong cuộc  vận động kỷ vật 2013 - 2015.
 
Nói về tình yêu đối với hội họa, người họa sĩ đã đi gần hết cuộc đời cầm bút chia sẻ bài học thời trai trẻ của mình trong một lần gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc Đại tướng xem tranh của ông xong, Đại tướng trìu mến hỏi: “Cậu có yêu những bức tranh này không?” - “Thưa Đại tướng, cháu rất yêu ạ”. Đại tướng gật gù. Trong khi đó, chàng họa sĩ trẻ vừa ghim trong mình bài học: Đã sáng tạo thì trước hết, trên hết phải yêu những tác phẩm của mình. Tác phẩm tạo ra từ tình yêu sẽ có hồn, sẽ đến với người xem gần gũi hơn, sẻ chia hơn.
 
Từng tổ chức nhiều triển lãm lớn, họa sĩ Tâm có hai lần được gặp Bác Hồ. Lần thứ nhất vào cuối năm 1954 về cuộc kháng chiến chống Pháp, lần thứ hai vào cuối năm 1968 nhân ngày thành lập Quân đội. Lúc này ông là trợ lý mỹ thuật toàn quân. Sáng triển lãm, Bác Hồ đi ô tô đến thăm. Cùng đi với Bác có Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Song Hào và Cục trưởng Cục Tuyên huấn Phạm Hồng Cư. Bác đi xem nửa chừng thì ngồi nghỉ. Thấy họa sĩ Phạm Thanh Tâm đứng gần, Bác hỏi: 
 
- Cháu làm gì ở đây?
 
- Thưa Bác, cháu phụ trách triển lãm này ạ. 
 
- Thế phong trào vẽ tranh của bộ đội lúc này thế nào?
 
- Dạ thưa Bác, phong trào vẽ tranh bộ đội đang lên cao lắm ạ!
 
Bác cười, dí dỏm nói:
 
- Cao vừa thôi!
 
Mọi người cùng cười vui vẻ. Riêng họa sĩ Tâm hiểu rõ Bác đang khéo léo nhắc mình hơi quá tự tin. Cuộc trò chuyện ngắn với Bác Hồ không chỉ khiến ông có niềm động viên, vinh dự lớn, mà còn giúp ông nhìn ra một bài học sâu sắc về sự tự tin và khiêm tốn.
 
Khoảnh khắc xuân trong hầm pháo
 
Khi hỏi ông yêu bức tranh nào của mình nhất thì họa sĩ Tâm bối rối. Mỗi “đứa” một hoàn cảnh, một câu chuyện, khó có thể so sánh khi đều là con của mình. Tuy vậy, bức tranh “Xuân trong hầm pháo Điện Biên” từng được giải Mỹ thuật toàn quốc, đã được ông trao tặng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, vẫn khiến ông có một sự tự hào riêng, cảm xúc riêng.
 
Có lẽ do bức tranh có hoàn cảnh ra đời khá đặc biệt. Sau chiến thắng cụm cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, đội văn công đến biểu diễn phục vụ chiến sĩ mừng chiến thắng. Ông là phóng viên Báo Quyết Thắng của đại đoàn nên có mặt ghi nhận. Buổi biểu diễn diễn ra ngay tại vị trí hầm pháo của Đại đội Pháo Binh 806, đơn vị bắn loạt đạn đầu tiên vào Him Lam.  Anh em pháo thủ hân hoan mở càng pháo, trang trí sân khấu dã chiến để các văn công biểu diễn. Khi xem 4 cô gái mặc áo tứ thân múa hát bên khẩu pháo trong căn hầm chật chội còn vương mùi thuốc súng và rộn ràng tiếng hò reo của các chiến sĩ, họa sĩ Tâm đã muốn vẽ ngay cảnh đầy lãng mạn ấy nhưng không tiện vì phải trở về đại đoàn nhận nhiệm vụ.
 
Mấy ngày sau, tin pháo địch bắn trúng vào vị trí khẩu đội pháo 105 ly - nơi diễn ra buổi văn nghệ đáng nhớ, khi anh em đang làm nhiệm vụ. Nhiều đồng chí đã hy sinh. Ông lập tức trở lại căn hầm vừa rộn ràng mấy đêm trước. Trước mắt ông, khẩu pháo mà các chiến sĩ ngồi xem văn công múa hát đã bị hư hỏng nặng. Còn cả những vệt máu khô sẫm loang lổ trên lá chắn khẩu pháo màu thẫm xanh. Ông đã vẽ bức tranh xuân trong hầm pháo Điện Biên ngay sau đó, trong tâm trạng  day dứt xâm chiếm. “Tôi muốn ghi lại những gì đẹp nhất về đồng đội, về tình cảm của các chiến sĩ Pháo Binh với đội văn công dã chiến trong mùa xuân của đất trời”.
 
Từ ngày vẽ bức tranh ông đã thay đổi chất liệu 3 lần: vẽ giấy, vẽ trên lụa, tranh sơn dầu. Bức tranh đã tròn 60 tuổi, bằng tuổi chiến thắng Điện Biên, sau hàng chục năm được ông gìn giữ như bảo vật giữa Sài Gòn, hiện đã về lại Điện Biên. “Về nơi bức tranh sinh ra và được mọi người trân trọng, đó là niềm vinh dự của người hoạ sĩ” - ông nói.
 
Tác phẩm “Xuân trong hầm pháo Điện Biên”
Tác phẩm “Xuân trong hầm pháo Điện Biên”

Truyền lửa Điện Biên giữa Sài Gòn 
 
Những lần đến thăm ông, chúng tôi vẫn thường gặp hình ảnh lão họa sĩ ở tuổi xưa nay hiếm say mê sáng tạo. Nhưng rồi từ năm 2013, sau một lần tai biến, đôi tay tài hoa của ông không còn cầm cọ để lướt từng nét vẽ điêu luyện nữa.
 
Tuy vậy, những câu chuyện Điện Biên của ông vẫn hào sảng, gần gũi như nằm trong một ngăn trái tim. Ông kể về những đám cưới trước và ngay sau chiến dịch Điện Biên, một đám cưới ngay gần hầm Đại tướng, một diễn ra ngay trong hầm tướng Đờ Cát. Ngay trong chiến tranh bạo tàn thì hạnh phúc vẫn đơm hoa.
 
Ông kể về những quán tự giác ven đường lên Điện Biên, nơi bà con người dân tộc vẫn bày những trái cây, ấm nước chè,... bộ đội dân công có thể nghỉ chân đỡ cơn khát, cơn đói. Những em thiếu nhi dân tộc nhiệt tình băng rừng vượt suối giúp bộ đội đưa thư. 
 
Những ngày này, trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con hẻm đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh, TP.HCM, vẫn có một họa sĩ già tranh  thủ những lúc rỗi rãi tập luyện nắm mở các ngón tay, duỗi các khớp chân cho thật linh hoạt. Ông nói, phải tập chứ, để khi về lại với Điện Biên ông có thể đi lại tự nhiên trên những con đường năm xưa...
 
Võ Thu Hương