Phía sau những trang báo

09:06, 20/06/2016

Nghề báo cho chúng ta những trải nghiệm thú vị. Phía sau những bài báo là những câu chuyện mà không phải ai cũng thấu hiểu. Nó là một chuỗi những ngày gian nan, vất vả mà đôi khi được đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. Chỉ có niềm đam mê mới có thể giúp người làm báo tiếp tục dấn thân và trụ được với nghề.

Nghề báo cho chúng ta những trải nghiệm thú vị. Phía sau những bài báo là những câu chuyện mà không phải ai cũng thấu hiểu. Nó là một chuỗi những ngày gian nan, vất vả mà đôi khi được đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. Chỉ có niềm đam mê mới có thể giúp người làm báo tiếp tục dấn thân và trụ được với nghề.
 
Nhóm phóng viên tác nghiệp vụ sạt lở núi gây tắc đường 723. Ảnh: THỤY TRANG
Nhóm phóng viên tác nghiệp vụ sạt lở núi gây tắc đường 723. Ảnh: THỤY TRANG

“Giấy xin rút lại lời nói”
 
Đó là câu chuyện của nhà báo Thụy Trang (Báo Lâm Đồng) và Mai Văn Bảo (Báo Nhân Dân), khi cùng đi tìm hiểu về tấm gương cô giáo người Mông “gieo chữ” tại một điểm trường dưới chân núi Chúa, thuộc huyện Bảo Lâm. Để thu thập thêm thông tin, tăng thêm tính khách quan cho bài viết, hai nhà báo tìm gặp thầy hiệu trưởng T.V.L, cấp trên của cô giáo Mỵ và được thầy “rút ruột” tâm sự tất cả những suy nghĩ, cảm nhận về cô giáo Mỵ. Quả thật, câu chuyện về cô giáo Mỵ “gieo chữ” dưới chân núi Chúa thật đẹp. Đêm đó, hai nhà báo ở lại làng Mông.
 
Sáng hôm sau, khi những bước chân học sinh tung tăng đến trường, hai nhà báo cũng khăn gói chuẩn bị trở về Đà Lạt thì đã thấy thầy hiệu trưởng T.V.L đứng đợi từ sớm, từ tốn đưa tờ giấy A4, đánh máy rõ ràng: “Giấy xin rút lại lời nói”. Đó là những câu chuyện thầy L. kể với hai nhà báo về thân phận cô giáo Mỵ thời còn ở quê ngoài vùng núi phía Bắc, những câu chuyện thầy chỉ được nghe kể lại mà chưa kiểm chứng. Đại ý nội dung là: Tôi đã lỡ lời cung cấp cho nhà báo những thông tin quá sâu về đời tư của cô giáo Mỵ, điều đó là không nên. Qua một đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi không tài nào ngủ được. Nay tôi làm đơn này xin quý nhà báo cho tôi rút lại lời nói mà tôi đã cung cấp về đời tư cô giáo Mỵ. Trân trọng cảm ơn!.
 
“Bức thư đã gây cho chúng tôi sự xúc động mạnh, không chỉ về nhân cách của nhân vật chúng tôi được tiếp xúc trong quá trình tác nghiệp, mà còn tác động mạnh mẽ đến ý thức và trách nhiệm nghề nghiệp, đặc biệt đối với nghề báo” - tác giả của những bài báo về tấm gương cô giáo Mỵ tâm sự.
 
Cứ phải mắt thấy, tai nghe
 
Nghề báo được coi là nghề vất vả và hiểm nguy, nhưng đôi khi, trên hành trình tác nghiệp, đó lại là những kỷ niệm vui, những kinh nghiệm làm nghề quí báu mà nhiều phóng viên, nhà báo luôn trân quí, tự hào, dù đôi khi tác phẩm xuất hiện trên mặt báo sau hành trình đi tìm kiếm thông tin đầy vất vả ấy chỉ vỏn vẹn là vài trăm từ, hay thậm chí chỉ là một tấm ảnh đính kèm cho bài viết của đồng nghiệp nhưng không vì thế mà những nhà báo yêu nghề lại ngại xa, ngại vất vả. Bởi với họ, muốn có thông tin chính xác thì phải đến tận nơi để mắt thấy, tai nghe, quyện hòa với nhịp điệu, hơi thở cuộc sống.
 
Chuyến đi tác nghiệp đưa tin về vụ sạt lở núi gây ách tắc trên tuyến tỉnh lộ 723, nối Lâm Đồng với Khánh Hòa vào cuối năm 2010, là câu chuyện mà tới giờ nhóm phóng viên báo địa phương và phóng viên cơ quan thường trú tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường lúc ấy vẫn thỉnh thoảng kể lại, để nhắc nhau về sự cẩn trọng trong thông tin.
 
Phóng viên Đặng Tuấn, cơ quan TTXVN tại Lâm Đồng kể: Đó là chuyến đi khi tôi mới vào nghề. Vụ sạt lở nghiêm trọng khiến xe cộ và người lưu thông trên đường bị mắc kẹt ở hai đoạn đèo vắng vẻ, không nhà dân và quán xá. Trời mưa gió, anh em vẫn quyết định tiến sâu vào trong vùng sạt lở để tìm hiểu thông tin về những người dân đang bị mắc kẹt. Đoạn đường bị núi lấp với diện tích khá rộng, đất đá bít hết mặt đường với khối lượng lớn, khiến các loại phương tiện không thể qua lại. Anh em sau một hồi đánh liều băng qua được một đoạn thì xe mắc lầy, đất cát lún đến đầu gối rất khó di chuyển. Để xe lại dọc đường, anh em bàn nhau tháo giầy dép, lội bộ qua đất đá, băng vào tận nơi để tìm hiểu, chụp hình và phỏng vấn xe và hành khách đang mắc kẹt. Xong việc, lại vội vàng liều lĩnh băng trở ngược ra để tìm sóng điện thoại và internet viết tin gửi về tòa soạn. Khi tin vừa chuyển xong, anh em ngỡ ngàng khi đọc được tin đã thông đường 723 trên một trang báo điện tử. Không chỉ vậy, tờ báo còn mô tả khá chi tiết rằng những người cứu hộ và những người bị kẹt đã gặp nhau và vỡ òa niềm vui trong nước mắt, ôm chầm nhau mừng vui khôn tả. Sao giải phóng đường được nhanh thế nhỉ! Anh em vừa cực khổ khiêng xe lội bùn, chân tay bị đá cắt chảy máu chưa kịp khô, tin bài gửi chưa “ráo mực”, đường xá vừa nãy vẫn toàn đất đá... Vội vàng gọi điện thoại kiểm tra thì hỡi ôi, hóa ra đó là thông tin do một nhà báo ngồi sa lông làm việc qua điện thoại rồi tự tưởng tượng ra và viết, mô tả cảnh tượng lâm ly cho hấp dẫn. 
 
“Sau sự cố đó của đồng nghiệp, chúng tôi càng ý thức rằng, muốn có được một bài báo tốt, một thông tin chính xác, không chỉ quan trọng ở ý tưởng, kỹ năng, mà quan trọng hơn cả đó là dám dấn thân, không ngại khó, ngại khổ đi thực tế để thu thập thông tin và tìm hiểu sự việc. Đó là thái độ trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với dòng thông tin đưa ra công chúng để có được tác phẩm trung thực, chính xác trong khoảng thời gian thường là gấp gáp của nghề báo, nhất là trong thời đại số hóa, cạnh tranh thông tin như hiện nay” - Nhà báo Nam Viên (Báo Sài Gòn giải phóng) chia sẻ. 
 
Đến chuyện “bếp núc” nghề báo
 
Trong tòa soạn báo có một thứ lao động khá đặc trưng, hy sinh hết mình cho những bài viết của đồng nghiệp, nhưng thậm chí đến cuối đời làm báo họ vẫn chưa được bạn đọc biết tên đúng nghĩa của nghề. Họ là những biên tập viên, họa sỹ, người làm mo rát, kỹ thuật viên. Họ vừa giống người gác khung thành trên sân bóng, lại giống đầu bếp với khả năng chế biến món ăn.
 
Còn nhớ ngày đầu tiên về làm biên tập viên, tôi được một đàn anh trong nghề tặng cho tám từ nghe có vẻ hài hước, nhưng lại tóm lược được khá chính xác công việc của một người biên tập “tào tháo, chai đít, công ít, tội nhiều”. Đó là bởi vì biên tập viên đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tin, bài bởi họ không chỉ điều chỉnh, sửa chữa văn phong, ngôn từ; sắp xếp lại hệ thống, ý tứ trong bài mà còn phải liên tục đóng vai người phản biện, luôn đặt nghi vấn, rồi có khi lại phải thêm, bớt để tác phẩm hay hơn, hấp dẫn hơn. Việc của họ là làm tốt vai trò “cầu nối” giữa tác giả và độc giả, nghĩa là vừa phải giữ được dấu ấn riêng của phóng viên, vừa giúp bạn đọc hiểu rõ nội dung bài báo. Và điều quan trọng hơn, họ chính là “cánh tay nối dài” giúp Ban Biên tập giữ vững tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Làm tốt thì không nói, chỉ cần sai 1 từ, 1 dấu chấm, dấu phẩy của tác giả thì tội ấy rất lớn, bởi sẽ gây hiểu sai cho người đọc
 
Trong suy nghĩ của nhiều người, làm công việc biên tập ở tòa soạn có đặc quyền lắm, có quyền cắt câu chữ, gọt tin, bài, thậm chí “cho bài vào thùng rác”. Thực tế thì những người làm việc ở tòa soạn không có được nhiều quyền như thế nhưng áp lực công việc thì rất lớn. Tôi vẫn thường đùa với bạn bè đồng nghiệp rằng, ở tòa soạn có rất nhiều “đá ngầm”. Nguy hiểm nhất không chỉ là các lỗi tình cờ ở bài này bài nọ, mà đôi khi là những ý viết “nhạy cảm” về chính trị. Vì vậy, vai trò hàng đầu của người biên tập là trở thành “hàng phòng thủ” cuối cùng, là hàng rào ngăn chặn việc đưa những thông tin không chính xác, khó hiểu và những rắc rối câu từ đến với độc giả. 
 
Dấn thân với nghề báo, dù ở vị trí nào cũng vinh quang đấy, nhưng thấm đẫm nhọc nhằn, cả rủi ro. Nhưng có sao đâu khi đã chọn nghề, và nghề đã chọn mình. Hãy cứ “cháy” hết mình với nghề đi, để cho những đứa con tinh thần ra đời thật hấp dẫn và ý nghĩa.
 
Nguyễn Nghĩa