Quản lý và bảo vệ rừng: "Chủ quan sẽ không đạt kết quả như mong muốn"

08:08, 30/08/2016

Đó là nhận định của ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tại Hội nghị trực tuyến về tổng kết 12 năm thi hành Luật BV&PTR trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan như những bất cập của các văn bản pháp quy trong quá trình thực thi và những nguyên nhân chủ quan từ các cấp, ngành và đơn vị liên quan.  

Đó là nhận định của ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tại Hội nghị trực tuyến về tổng kết 12 năm thi hành Luật BV&PTR trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan như những bất cập của các văn bản pháp quy trong quá trình thực thi và những nguyên nhân chủ quan từ các cấp, ngành và đơn vị liên quan.  
 
Rừng khu vực Tam Hiệp huyện Di Linh giáp ranh tỉnh Bình Thuận vẫn đang là điểm nóng bị tàn phá nặng nề nhiều năm nay
Rừng khu vực Tam Hiệp huyện Di Linh giáp ranh tỉnh Bình Thuận vẫn đang là điểm nóng bị tàn phá nặng nề nhiều năm nay
Qua 12 năm thực hiện Luật BV&PTR, thực tiễn cho thấy việc ban hành văn bản của các cơ quan Trung ương triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật còn chưa kịp thời, một số văn bản còn chồng chéo, dẫn đến lúng túng trong thực hiện. Công tác vận động, tuyên truyền còn hạn chế; công tác kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm luật của các lực lượng chức năng vẫn còn thiếu triệt để. Theo đó, tình hình vi phạm Luật BV&PTR trên địa bàn tỉnh trong 12 năm vẫn xảy ra nhiều, trong đó nổi cộm lên thành những khu vực và điểm nóng kéo dài nhiều năm. Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng cũng thừa nhận: “Công tác QL&BVR của một số đơn vị chủ rừng chưa tốt; vai trò, trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm trong việc tham mưu cho Ban chỉ đạo về Kế hoạch BVR&PTR các cấp, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ chưa thật sự kiên quyết, triệt để”. 
 
Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã phân loại rừng được 532.095 ha đất có rừng/977.354 ha diện tích tự nhiên; trong đó, quy hoạch 3 loại rừng là 507.274 ha và ngoài quy hoạch 24.821 ha. Bộ NN&PTNT đã công nhận độ che phủ rừng của tỉnh Lâm Đồng đạt 53,1%. Tuy nhiên, việc phân chia 3 loại rừng chưa chính xác do hạn chế về kỹ thuật đo đạc, vẫn còn diện tích chồng lấn, dẫn đến quy hoạch và xây dựng kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp còn những thụ động. Trên địa bàn Lâm Đồng đã giao rừng cho các Ban QLR 349.277 ha; doanh nghiệp nhà nước 174.425,7 ha; các tổ chức kinh tế khác 65.168 ha; lực lượng vũ trang 1.340,6 ha; hộ gia đình 5.531,8 ha; cộng đồng 2.505,22 ha; UBND xã 22.075,3 ha và các tổ chức khác 1.339,2 ha. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp cho thuê đối với các đối tượng tính đến năm 2015 là 56.213,42 ha, tăng 53.413 ha so với năm 2004. Đáng quan tâm là tỉnh đã thu hồi 177 dự án với 25.855 ha (gồm 141 dự án thu hồi toàn bộ với 23.071 ha và 36 dự án thu hồi một phần) do không triển khai thực hiện dự án hoặc triển khai chậm tiến độ, không tổ chức, bố trí lực lượng QL&BVR dẫn đến bị lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn…
 
Lâm Đồng đã chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trong 12 năm 23.256,793 ha; trong lúc trồng rừng thay thế chỉ đạt 4.445,4 ha, bằng 19% so với diện tích chuyển đổi. Việc giao rừng, cho thuê rừng còn chưa thực hiện đúng dự án được phê duyệt. Các đơn vị chủ rừng chưa thực hiện tốt công tác BV&PTR, còn hạn chế năng lực quản lý, điều hành và sản xuất. Bên cạnh đó, chưa đồng bộ trong việc giao, cho thuê, thu hồi và chuyển mục đích sử dụng giữa 2 Sở NN&PTNT, TN&MT. Trước khi giao (cho thuê) rừng chưa định giá, xác định trữ lượng, chất lượng và sau khi thu hồi rừng bị suy giảm hay mất chưa thực hiện triệt để công tác đền bù…Việc trồng rừng thay thế còn chậm tiến độ, trong lúc đó, việc rà soát chuyển đổi mục đích sử dụng rừng còn tồn tại nhiều bất cập, thậm chí dễ bị lợi dụng… 
 
Một trong những tồn tại, hạn chế nữa là công tác bảo vệ rừng. Theo Chi cục Kiểm lâm, số diện tích rừng bị cháy của Lâm Đồng từ năm 2005-2015 là 152 vụ, diện tích rừng bị cháy 308,69 ha; cũng trong thời gian này, số vụ vi phạm toàn tỉnh lên tới 28.859 vụ, trong đó, chủ yếu hành vi phá rừng (29%) với 2.826 ha; khai thác rừng trái phép 5.641 vụ (20%); mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 11.563 vụ (40%)… Theo đó, đã xử lý hình sự 402 vụ; tịch thu 32.544 m 3 gỗ; nộp ngân sách hơn 140 tỷ đồng… Những số liệu này cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật BV&PTR, cháy rừng vẫn còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn triệt để…
 
Vụ phá rừng tại Thủy điện Đồng Nai 5 phát hiện vào tháng 7
Vụ phá rừng tại Thủy điện Đồng Nai 5 phát hiện vào tháng 7
Trong 12 năm thực thi Luật BV&PTR tại Lâm Đồng, UBND tỉnh đã ban hành 86 văn bản, cùng đó có nhiều văn bản của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cho thấy công tác bảo vệ rừng luôn được đặc biệt quan tâm và xác định là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt. Một trong những tín hiệu đáng ghi nhận đó là 6 tháng đầu năm 2016 là năm đầu tiên có số vụ vi phạm Luật BV&PTR ở mức thấp nhất, giảm được 28,4% số vụ vi phạm, tương đương với 278 vụ, diện tích rừng bị phá giảm 33.000 m 3 (lấy tròn số). Tuy nhiên, đầu tháng 7 trên địa bàn tỉnh lại để xảy ra vụ vi phạm nghiêm trọng tại rừng phòng hộ khu vực Thủy điện Đồng Nai 5 địa bàn huyện Bảo Lâm. Theo Đại tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vũ Nhân Khánh, vụ án này đã khởi tố và tạm giam 11 nghi can, tuy nhiên có biểu hiện câu móc, cơ quan chức năng đang điều tra về chức vụ và trách nhiệm. Ông Khánh cũng khẳng định tình hình khai thác rừng, nhất là vùng giáp ranh còn diễn biến phức tạp, vì vậy, để công tác QL&BVR có hiệu quả, cần quy hoạch đất dài hơi nhằm chủ động trong việc cấp đất cho các hộ thiếu đất theo quy định; phải đánh giá mặt được và mặt chưa được của các mô hình giao rừng để nhân rộng việc làm tốt và làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân vi phạm; cần chấn chỉnh việc cấp phép các dự án liên quan đến rừng. Nếu để lợi ích nhóm can thiệp vào thì không thể làm tốt công tác QL&BVR được.     
 
Phó Chủ tịch Phạm S nhấn mạnh: Công tác QL&BVR luôn luôn tiềm ẩn những phát sinh, nếu lơ là chủ quan thì công tác này sẽ không thể đạt được những kết quả như mong muốn. Ông Phạm S nêu lên 10 vấn đề cần khắc phục trong việc thực thi các văn bản pháp quy thời gian tới như: đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả về trồng lại rừng thay thế; xử phạt hành chính kinh tế cần chủ động hơn; công tác hậu kiểm về tính pháp lý trong đánh giá của dự án; xác định thời gian kiểm kê, phân loại rừng còn bất cập; làm rõ trách nhiệm và quyền sở hữu rừng của trồng rừng; quyết liệt và cụ thể hơn trong xác định trách nhiệm của các bên trong các khu vực rừng giáp ranh giữa các tỉnh; quy định rõ hơn về trồng rừng thay thế; tăng cường hợp tác quốc tế về quản trị rừng; vấn đề quản lý lâm sản ngoài gỗ… Cùng đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đề nghị các ngành, các địa phương thực hiện rà soát các văn bản thực thi Luật BV&PTR để tham mưu cho tỉnh ban hành những hành lang pháp lý sát thực và hiệu quả hơn trong triển khai các dự án liên quan đến tài nguyên rừng. Giao cho Sở NN&PTNT rà soát đánh giá những mô hình làm kinh tế từ rừng có hiệu quả để đúc kết kinh nghiệm và phát huy nhân rộng;…
 
MINH ĐẠO