Đạ R'lau "lô cốt" giữ rừng

10:09, 15/09/2016

Lọt thỏm giữa đại ngàn Đam Rông (Lâm Đồng) là nơi đóng chân của trạm quản lý và bảo vệ rừng Đạ R'lau. Ở đó, những con người đang ngày đêm miệt mài với hành trình làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ những cánh rừng.

Lọt thỏm giữa đại ngàn Đam Rông (Lâm Đồng) là nơi đóng chân của trạm quản lý và bảo vệ rừng Đạ R’lau. Ở đó, những con người đang ngày đêm miệt mài với hành trình làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ những cánh rừng.
 
Đường vào Trạm QLBVR Đạ R’lau
Đường vào Trạm QLBVR Đạ R’lau
Đi mãi… thành ruộng
 
Trạm Đạ R’lau nằm ở tiểu khu 181 - một trong những điểm nóng về di cư tự do tại Đam Rông từ những năm 2000 cho đến nay. Theo lời của các thành viên ở trạm thì Đạ R’lau được lấy theo tên một nhánh sông thuộc dòng Sêrêpốk chảy qua khu vực này. 
 
Trong chuyến công tác về Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk (huyện Đam Rông), chúng tôi có dịp vào ghé thăm Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đạ R’lau, tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt của các cán bộ, nhân viên nơi rừng xanh núi thẳm. 
 
Chỉ cách trung tâm huyện chừng 20 km nhưng để vào tới Đạ R’lau phải mất hai giờ đồng hồ di chuyển bằng những chiếc xe “đặc chủng” để vào rừng. Gọi là “đặc chủng” bởi chúng là  những chiếc xe máy bình thường nhưng được các cán bộ Ban quản lý rừng đã “chỉnh sửa” để di chuyển được trong địa hình đồi dốc, đường nhỏ, gập ghềnh khó đi và tránh trơn trượt.  
 
Con đường độc đạo dẫn vào Đạ R’lau bị mưa xé tan hoang, trở nên nguy hiểm hơn bởi một bên vực sâu và bên kia là núi thẳm. Chốc chốc gặp bà con đi từ rừng ra, xe chúng tôi lại dừng lại và nép sát vào vách núi để xe kia đi qua an toàn. Đất đỏ là đặc trưng của cao nguyên lầy lội, đặc quánh bám chặt vào bánh xe, bắn lên tận đầu nếu lên ga và xe đi phía sau. Nhưng điều đó chẳng thấm tháp gì so với những con dốc dựng đứng, đá mồ côi sắc cạnh, có đoạn nhầy nhụa như trải mỡ. Chúng tôi lên xe, cán bộ Trạm đã dặn: “tuyệt đối không được đặt chân xuống, cứ việc ngồi yên bám chắc trên xe. Hễ người lái nhích lên thì người ngồi sau phải nhích theo ngay kẻo xe nhẹ đầu mà bị lật ngược”. Trong suốt hành trình, tấm lưng của người cầm lái luôn phải uốn mình theo những con đường. Có lẽ với tôi họ là “tay lái thiện nghệ” trong cuộc đua xe địa hình. 
 
Từ xa, tấm biển lớn dựng bằng bê tông với dòng chữ “Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” viết bằng tiếng Việt lẫn tiếng của người Mông di cư, chúng tôi hiểu rằng mình đã đặt chân đến Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đạ R’lau. Tất cả đều ngẫn nghĩ con đường lầy lội mình vừa đi qua, một triết lý văn chương của nhà văn Lỗ Tấn được anh bạn trẻ trong trạm nhanh nhảu: Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi. 
 
Trạm - thực chất chỉ là căn nhà gỗ đơn sơ được dựng lên giữa đại ngàn. Do địa bàn trải rộng, địa hình hiểm trở, mỗi phiên vào trạm các anh phải ở lại cả tuần lễ, mưa gió phải ở lại cả tháng trời giữa rừng sâu. Anh Nguyễn Đăng Biện, Trạm trưởng Trạm Đạ R’lau nói rằng, những người đàn ông tay chân rắn chắc, nổi những đường gân bởi bao năm tháng sống với rừng nhưng vẫn khéo léo nhóm lửa, cơm ngon canh ngọt. Năng lượng có được từ tấm pin năng lượng mặt trời các anh dành đụm dể thắp sáng, ti vi có lẽ là thứ “xa xỉ” nhất ở đây. Ban ngày kiểm tra những cánh rừng, ban đêm là lúc những người đàn ông quây quần bên chiếc ti vi nhỏ nghe tin tức và những động tĩnh của rừng.
 
5 người bảo vệ… 7.000 ha
 
 Trạm Đạ R’lau gồm có 5 thành viên đảm nhận nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 5 tiểu khu gồm 180, 181, 196, 197, 198 với diện tích lên tới khoảng 7.000 ha (bình quân mỗi người quản lý, bảo vệ hơn 1.400 ha). Năm thành viên của trạm, có người đã ngoài 40 tuổi và gần 15 năm gắn bó với rừng như anh Nguyễn Đăng Biện, anh Phan Đình Thế… nhưng cũng có những chàng trai tuổi mới ngoài đôi mươi như Đặng Văn Giang, Vũ Văn Đạt. Mỗi người một vùng quê, nhưng họ có điểm chung là tốt nghiệp ngành lâm nghiệp và hiện đang cùng nhau gắn bó tại những cánh rừng ở nơi này.
 
Để nếm trải cái cảm giác “lọt thỏm” giữa đại ngàn, chúng tôi cùng các anh tham gia một chuyến đi kiểm tra rừng. Chiếc xe máy của anh Biện “nhảy” trên con đường đầy những ổ voi, ổ trâu và cây bụi quất vào mặt người. Anh đùa rằng “15 năm trước anh em (đồng nghiệp - PV) và mình đều bóng bẩy lắm. Đi rừng nhiều quá nên giờ xây xước, kém sắc đôi chút rồi. Nhưng chúng mình còn mạnh mẽ và nhanh nhẹn lắm”. Những đoạn không thể di chuyển bằng xe máy, đành để nép con ngựa sắt vào bụi cây và cả đoàn tiếp tục hành trình. Anh Thế nói thêm: “Có khi chúng tôi đi bộ sang đất Đắk Nông vì diện tích rừng do trạm quản lý giáp ranh tới khu vực đó”. 
 
Ít đối mặt với lâm tặc nhưng dai dẳng với vấn nạn di cư tự do của bà con người Mông ở các tỉnh phía Bắc vào phá rừng làm nương rẫy. Họ sống chủ yếu dựa vào những sản phẩm từ rừng. Chị Hà Thị Mỵ - người dân tộc Mông di cư tự do tại đây nói: “cán bộ ngăn chỗ này, mình phát rẫy trồng chỗ khác, miễn sao có chỗ trồng bo bo để kiếm tiền là được rồi”. Vụ bo bo vừa qua, gia đình chị Hà thu được 10 tấn bo bo đem về hơn 130 triệu đồng. Vụ ấy gia đình chị gieo hết 30 kg hạt giống, “trồng hết gần cả một quả đồi” - chị Mỵ nói. 
 
Nhiều gia đình người Mông như chị Mỵ tiếp tục tìm những mảnh đất màu mỡ từ rừng mà Trạm Đạ R’lau đang bảo vệ để tra vào đó hạt giống. Tuần tra ngăn chặn tình trạng này vào ban ngày, khi mặt trời xuống núi, bà con từ rẫy về nhà, cũng là khi cán bộ của trạm đến nhà vận động bà con không tiếp tục phá rừng. Công cuộc thay đổi nhận thức ấy quả thật không dễ. Anh Đặng Văn Giang nói thêm, “Trạm có 5 người, trong khi bà con người Mông riêng tiểu khu 181 có tới hơn 100 hộ với hơn 500 khẩu. Cán bộ đi tuần tra hướng này thì không kiểm soát được hướng kia. Thậm chí bà con còn cử người theo dõi cán bộ từng ngày để lẩn tránh”. Cũng bởi lẽ đó mà vào mùa mưa, dù khó khăn vất vả hơn nhưng các anh vẫn phải kiểm tra chặt chẽ từng khu vực để tránh tình trạng bà con lợi dụng thời tiết xấu, chặt phá và lấn chiếm đất rừng.
 
Cán bộ tại Trạm Đạ R’lau đã khoe với chúng tôi “con cưng” của mình, đó là 5.000 cây thông đã được ươm mầm và đang phát triển tốt, mùa mưa này chúng sẽ được tồng lên trên 3 ha đất đã bị bà con chặt phá. Được biết sau 5.000 cây này, sẽ có những lớp cây khác tiếp tục được ươm và trồng trên những vùng đất trắng. Những cây con hôm nay rồi sẽ lớn và phủ một màu bình yên cho những cánh rừng.
 
Đó là ước nguyện lớn nhất của những con người chung một ước mơ: có một ngày đàn chim trở về làm tổ trên những cái cây non nớt này.
 
N NGÀ - Đ TÚ