Cần có quy định và chế tài xử lý chủ rừng, chủ đầu tư để xảy ra sai phạm Luật QL&BVR

04:09, 15/09/2016

Lâm Đồng có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, độ che phủ rừng cao (năm 2015 giữ được 53,1%), rừng có nhiều kiểu loại phong phú, trữ lượng, chất lượng rừng khá tốt và tính đa dạng sinh học cao...

Lâm Đồng có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, độ che phủ rừng cao (năm 2015 giữ được 53,1%), rừng có nhiều kiểu loại phong phú, trữ lượng, chất lượng rừng khá tốt và tính đa dạng sinh học cao. Triển khai thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) năm 2004, căn cứ vào đặc điểm tình hình, mục tiêu và yêu cầu thực tiễn công tác BV, PTR, tạo việc làm, ổn định và không ngừng nâng cao đời sống của người làm nghề rừng, nhân dân…, trong những năm qua, Lâm Đồng chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong QL, BV&PTR, quản lý lâm sản.
 
Lực lượng chức năng triệt phá một vụ phá rừng. Ảnh: MINH ĐẠO
Lực lượng chức năng triệt phá một vụ phá rừng. Ảnh: Hữu Sang
Từ đầu năm 2016 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã trồng 159,3 ngàn cây phân tán các loại, đạt 17,5% so với KH năm; tiếp tục trồng rừng tập trung và giao khoán BVR 391.117 ha cho các tổ chức, cá nhân. Hiện ngành chức năng đã tiến hành phúc tra, nghiệm thu công trình phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR) của 32/32 đơn vị và triển khai chuẩn bị công tác PCCCR mùa khô 2016-2017.
 
Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 30/9/2008 và Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 26/3/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập, kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo về Kế hoạch BV&PTR tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 – 2020. Hàng năm, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kiểm tra thực tế về công tác QL, BVR, PCCCR, trồng rừng, giao khoán BVR. Các địa phương thành lập Ban chỉ đạo Kế hoạch BV&PTR cấp huyện. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hướng dẫn của các sở, ngành; các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về QL, BVR. Hoạt động QL, BVR có những chuyển biến tích cực; các vụ vi phạm có chiều hướng giảm. Tỉnh đã nghiên cứu, áp dụng linh hoạt, phù hợp Luật BV&PTR với quy định của các Luật khác có liên quan trong việc thu hút các dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chương trình giảm phát thải nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ và nâng cao trữ lượng các bon rừng; qua đó, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả QL của Nhà nước; ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người dân tham gia BV, PTR ngày càng được nâng cao; thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh, trật tự nông thôn, bảo tồn và phát triển vốn rừng.
 
Tuy có nhiều nỗ lực nhưng nhìn chung công tác QL &BVRtrong tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần sớm có biện pháp khắc phục. Trong đó, đáng nói là công tác tuyên truyền về Luật BV&PTR chưa sâu rộng, hiệu quả. Nhiều sở, ngành, địa phương, cơ quan và đơn vị chủ rừng áp dụng Luật và các quy định, hướng dẫn liên quan đến công tác QL, BVR còn lúng túng, nhất là trong xử lý, chế tài các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm Luật BV&PTR vẫn xảy ra ngày càng tinh vi hơn, một số nơi còn diễn biến phức tạp chưa được ngăn chặn kịp thời, triệt để, có một số vụ vi phạm rất nghiêm trọng đã xảy ra. Trong tháng 8/2016, các lực lượng chức năng phát hiện lập biên bản 150 vụ vi phạm Luật, tăng 4 vụ (2,7% ) so với cùng kỳ năm 2015, diện tich bị vi phạm tăng 12,9 ha. Tổng số vụ vi phạm đã xử lý 134 vụ, trong đó, xử lý hành chính 132 vụ, chuyển xử lý hình sự 2 vụ; tịch thu 26 phương tiện, dụng cụ các loại và 270,8 m3 gỗ các loại; thu nộp ngân sách 1.334,6 triệu đồng. Các đơn vị chủ rừng phối hợp với lực lượng chức năng giải tỏa 64,8 ha đất rừng bị phá, lấn chiếm trái phép…
 
Cùng với một số quy định của Luật BV&PTR đã bộc lộ những hạn chế, không phù hợp với thực tiễn, còn một vấn đề bất cập nữa đang đặt ra là tỉnh chưa có quy định cụ thể và chế tài xử lý đối với chủ rừng, nhất là đối với chủ dự án đầu tư được giao, thuê rừng và đất lâm nghiệp khi để xảy ra sai phạm. Công tác hậu kiểm về đánh giá tác động môi trường vẫn nhiều hạn chế, tính khả thi không cao; chưa đánh giá  được giá trị đa dạng sinh học, thiếu tính khoa học, tính thực tiễn; chưa có quy định về chế biến và thương mại lâm sản...
 
LAN HỒ