Phát triển dược liệu bền vững

09:09, 16/09/2016

UBND tỉnh vừa chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác phát triển dược liệu bền vững trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế...

UBND tỉnh vừa chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác phát triển dược liệu bền vững trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Đặc biệt, chú trọng gắn phát triển dược liệu với phát triển y dược cổ truyền, tạo ra các sản phẩm y dược cổ truyền có hiệu quả chữa bệnh cao; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng dược liệu; phòng chống buôn lậu dược liệu, hàng giả, kém chất lượng. Đồng thời, đề xuất giải pháp xã hội hóa, thành lập các trung tâm thu mua, buôn bán dược liệu được khai thác và nuôi trồng trong nước.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm Nhà máy Đông dược nghe giới thiệu các sản phẩm của LADOPHAR
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm Nhà máy Đông dược nghe giới thiệu các sản phẩm của LADOPHAR
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay nhu cầu sử dụng thuốc từ nguồn dược liệu tự nhiên ở 87 bệnh viện YHCT và 50 khoa YHCT thuộc các bệnh viện đa khoa của nhà nước đang đứng trước thực trạng không mấy sáng sủa. Về lượng: Việt Nam tự túc khoảng 20,15% và nhập khẩu 79,85%; về tiền: Việt Nam tự túc 4%, nhập khẩu 96%. Tài nguyên cây thuốc Việt Nam có gần 5.000 loài (theo Giáo sư Võ Văn Chi), nguồn dược liệu chính cung cấp cho thị trường vẫn từ rừng (chiếm trên 70%) mà rừng ngày càng thu hẹp dần. Song song là việc khai thác dược liệu bừa bãi thiếu ý thức của người dân và Nhà nước chưa có đầy đủ, cụ thể về chính sách, biện pháp quản lý, khai thác bền vững có hiệu quả từ dược liệu tự nhiên dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên dược liệu. Từ đó, rất nhiều loài dược liệu trở nên khan hiếm và xu hướng nguy cơ tuyệt chủng hay tuyệt chủng ngoài tự nhiên ngày càng nhiều. Nguồn nhập khẩu của các doanh nghiệp sản xuất thuốc YHCT chính vẫn là từ Trung Quốc nên chất lượng thuốc không cao, nguy cơ về sức khỏe cho người sử dụng lại rất cao. 
 
Cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu về dược liệu, thuốc đông y 
 
Theo Hội Đông y Lâm Đồng, tỉ lệ khám, chữa bệnh bằng YHCT và bằng YHCT kết hợp Y học hiện đại so với tổng số khám, chữa bệnh chung trong toàn tỉnh là 29,7%. Trong đó, tuyến tỉnh chiếm 19,7%, tuyến huyện 29,1% và tuyến xã là 36,3%. Hàng năm, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch LĐ và BV YHCT Bảo Lộc khám ngoại trú cho khoảng 100.000 lượt bệnh nhân và điều trị nội trú cho khoảng 5.000 lượt bệnh nhân. Tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Trung tâm y tế tuyến huyện, các Trạm y tế điều trị chủ yếu kết hợp YHCT và Y học hiện đại. Về cơ bản, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu về dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu cho hoạt động khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh. Tỉ lệ thuốc đông y, thuốc từ dược liệu hiện có trong danh mục thuốc thiết yếu mà bệnh viện xây dựng: Tuyến tỉnh đạt 83,9%, tuyến huyện đạt 34,9%, tuyến xã đạt 47,4%.                                 DH

Tiềm năng dược liệu Lâm Đồng rất lớn và đã có nhiều công trình nghiên cứu về dược liệu Lâm Đồng. Theo Danh lục tài nguyên dược liệu tỉnh Lâm Đồng (DSCKII Nguyễn Thọ Biên) tổng hợp kết quả các đợt điều tra dược liệu từ năm 1977 - 2012 ghi nhận, số cây thuốc mọc hoang dại hay được người dân gây trồng lên đến 1.664 loài. Nhóm nghiên cứu Soo Yong Kim, Tou Prong Nụi và Lương Văn Dũng (2011) đã xác định 78 loài thực vật được người Chu Ru bản địa dùng làm thuốc. Nhóm nghiên cứu DS Phan Văn Đệ và TS Trần Công Luận (2011) đã ghi nhận trên tuyến khảo sát 12 huyện, thành phố của Lâm Đồng được 1.247 loài thực vật dùng làm thuốc thuộc 216 họ thực vật, trong đó có 40 loài thuộc Sách đỏ VN.

Theo Danh lục tài nguyên dược liệu tỉnh Lâm Đồng, những cây thuốc đặc trưng tại địa phương có 16 loài: Actisô, Bồ công anh Trung Quốc, Canh ki na đỏ, Canh ki na thon, Đảng sâm, Lười ươi, Lan gấm, Linh chi, Thạch tùng răng, Thông đỏ, Thông hai lá, Thông ba lá, Thiên môn ráng, Thiên niên kiện, Nữ lang, Viễn chí lá nhỏ. Những cây thuốc có trữ lượng lớn gồm 20 loài; những cây thuốc di thực đã được trồng tại Lâm Đồng gồm 23 loài; những cây thuốc có tinh dầu gồm 23 loài; những cây thuốc có tên trong Sách đỏ VN gồm 51 loài; những cây thuốc cần bảo tồn, tái sinh gồm 80 loài. Phân loại cây thuốc theo công dụng chữa bệnh thì có 52 loài cây thuốc chữa bệnh nhiễm khuẩn đã được ứng dụng lâm sàng; những cây thuốc chống ung thư đang nghiên cứu có 46 loài; những cây thuốc ngăn chặn HIV/AIDS đang nghiên cứu có 13 loài.
 
Ở góc độ bảo tồn cây thuốc, Lâm Đồng đã thành công nhờ có Trung tâm giống cây thuốc Đà Lạt được thành lập từ năm 1978, sau này có tên là Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt (thuộc Công ty TNHH MTV Dược Liệu Vimedimex) nhận nhiệm vụ bảo tồn cây thuốc thuộc mạng lưới Bảo tồn cây thuốc quốc gia - Bộ Y tế. Nếu như bảo tồn cây thuốc tại chỗ tập trung nhiều ở các Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, Bidoup - Núi Bà và trên nhiều rừng đặc dụng khác ở Lâm Đồng thì bảo tồn chuyển chỗ và bảo tồn đồng ruộng được tiến hành từ nhiều năm tại Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt. Tại đây đã bảo tồn trên 200 loài, hàng năm thu hoạch hàng chục tấn cành xén thông đỏ lá dài, ích mẫu, dương cam cúc, bình vôi, ngũ gia bì, sâm Osaka. Hiện tại Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt đang lưu giữ 260 loài cây thuốc của khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và một số cây thuốc di thực phía Bắc, du nhập nước ngoài. Chăm sóc và bảo tồn an toàn 80 nguồn gen cây thuốc theo quy chế bảo tồn, bảo tồn trọng tâm 20 loài; thu thập bổ sung 10 loài cây thuốc và thu thập mới 3 loài cây thuốc; thu thập và bảo tồn 48 loài cây thuốc trong Sách đỏ VN.
 
Ở góc độ kinh tế, đã có những nghiên cứu và khuyến khích trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế ở Lâm Đồng. Mới đây nhất, TS Nguyễn Thành Mến - Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên nhận định: Lâm Đồng có hệ thực vật rừng rất phong phú, đây cũng là khu vực có nguồn lâm sản gỗ có giá trị dược liệu rất đa dạng, trong đó, có một số loài có giá trị kinh tế cao. Đến nay, đã có nhiều nghiên cứu liên quan về các loài cây dược liệu có khả năng gây trồng và phát triển ở Lâm Đồng, chúng tôi tập trung giới thiệu 10 cây dược liệu có giá trị và tiềm năng phát triển nhất, bao gồm: Bá bệnh, Đảng sâm, Hoàng liên ô rô, Huyết đằng lông, Lan gấm, Sa nhân tím, Sâm bố chính, Sâm Ngọc Linh, Tơm trơng, Xáo tam phân. Tuy nhiên, thực tế những tiềm năng, thế mạnh của dược liệu địa phương chưa được phát huy tốt, khuyến nghị này còn có giá trị trong nhiều năm tới. 
 
Với lợi thế về tiềm năng dược liệu phong phú, Hội Dược liệu Lâm Đồng là Hội Dược liệu được thành lập đầu tiên trong cả nước, đến nay đã hoạt động vào năm thứ 11, tỉnh Lâm Đồng cũng là tỉnh duy nhất của cả nước có 2 Bệnh viện YHCT hoạt động, các hoạt động nghiên cứu khoa học về dược liệu luôn được quan tâm và không ngừng phát triển, đặc biệt nghiên cứu về thông đỏ, sâm Ngọc Linh, Lan gấm…
 
DS Nguyễn Thọ Biên - Chủ tịch Hội Dược liệu Lâm Đồng cho biết: Các hội viên Hội Dược liệu Lâm Đồng đã sản xuất ra 300 mặt hàng thuốc và thực phẩm chức năng để cung cấp trên thị trường trong nước và có mặt hàng xuất khẩu. Công ty CP Dược Lâm Đồng hiện có một nhà máy dược phẩm đạt chuẩn quốc tế và một nhà máy sản xuất đông dược tiên tiến tại Khu công nghiệp Phú Hội. Cây thuốc do các hội viên là tổ chức (Ladophar, Cty TNHH Vĩnh Tiến...) và hội viên cá nhân trồng chủ yếu để tự túc sản xuất như: actisô, bồ công anh, thông đỏ, thổ cao ly sâm, cỏ ngọt, nấm dược liệu, phật thủ, ngải cứu... Có hội viên tổ chức còn trồng hàng trăm cây thuốc làm mẫu tại cơ sở để giới thiệu cho khách tham quan như DNTN Vườn Thương, Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt. Các hội viên tại Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng và các hội viên tại các phòng chẩn trị YHCT tư nhân đã thu mua hàng tấn dược liệu, khám bệnh bốc thuốc cho hàng nghìn bệnh nhân, trong đó có các nguồn dược liệu trong tỉnh.
 
AN NHIÊN