Nhiều khó khăn đang "chờ" giải quyết

10:11, 07/11/2016

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2010 đến 2014, toàn tỉnh xảy ra 735 trường hợp tảo hôn và 25 trường hợp kết hôn cận huyết thống, dẫn đến 29 đứa trẻ sinh ra bị bệnh tật. 

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là thực trạng vẫn xảy ra lâu nay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu của tỉnh Lâm Đồng, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 498/QĐ/TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020”. Sau 1 năm Đề án được ban hành, đến nay, Lâm Đồng vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.
 
Trẻ em vùng sâu, vùng xa vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống. Ảnh: N.Ngà
Trẻ em vùng sâu, vùng xa vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống. Ảnh: N.Ngà

Thời gian qua, công tác tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn đã được các địa phương thực hiện, duy trì một cách thường xuyên, tích cực, tuy nhiên không phải nơi nào cũng tạo được hiệu quả như mong muốn.
 
Ăn sâu vào nếp nghĩ
 
Ka Phong mới về nhà bà Ka Dếp (thôn 2, xã Rô Men, huyện Đam Rông) làm dâu hơn 2 tháng nay. Nếu như theo truyền thống của dân tộc K’Ho, con trai sẽ bị nhà vợ “bắt” thì Ka Phong ở hoàn cảnh ngược lại, đến ở nhà chồng. Bà Ka Dếp đã vất vả đi “xin con dâu” bởi: “Nhà mình chỉ có một mẹ một con thôi. Nếu như lấy con nhà khác thì con mình phải đến ở nhà người ta. Mình xin được Ka Phong về đây vì nhà nó có nhiều con gái”. Thay vì cắp sách đến trường như bạn bè cùng trang lứa, Ka Phong hằng ngày bầu bạn với gian bếp nhỏ trong căn nhà gỗ. Và điều đáng nói ở đây, cô bé Ka Phong sinh năm 2003, năm nay, em làm vợ khi vừa tròn 13 tuổi.
 
Tương tự, chúng tôi gặp Ma Yuông (thôn Hawai, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) khi cô bé đang mang thai tháng thứ 8. Sau thời gian qua lại tìm hiểu, Ma Yuông và “chồng” là Kơ Tê Thịnh chính thức dọn về ở với nhau từ tháng 2/2016. Thời điểm đó, Ma Yuông gần tròn 15 tuổi. 
 
Ka Phong, Ma Yuông không phải là trường hợp hiếm hoi về tảo hôn.
 
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2010 đến 2014, toàn tỉnh xảy ra 735 trường hợp tảo hôn và 25 trường hợp kết hôn cận huyết thống, dẫn đến 29 đứa trẻ sinh ra bị bệnh tật. 
Tại huyện Di Linh, tình trạng tảo hôn đang có chiều hướng gia tăng trong vài năm trở lại đây.Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện: Trong 4 năm (từ năm 2010 - 2014), trên địa bàn huyện Di Linh có 7.784 cặp vợ chồng có đăng ký kết hôn, trong đó có 261 cặp vợ chồng tảo hôn (chiếm 16,1%) và 8 cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống (chiếm 0,49%). Nếu như các năm 2010, 2011 huyện Di Linh không có trường hợp cặp vợ chồng tảo hôn thì những năm sau đó tình trạng này có chiều hướng tăng (năm 2012 có 113 cặp, 2013 có 99 cặp, 2014 có 49 cặp). 
 
Còn tại huyện nghèo Đam Rông, số liệu từ Phòng Dân tộc cho biết, trong giai đoạn 2010 - 2014, toàn huyện xảy ra 74 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp kết hôn cận huyết thống.
 
Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do nhận thức của bà con, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Một số người dân còn đặt nặng hủ tục (con cô, con cậu lấy nhau để giữ tài sản dòng tộc); do điều kiện kinh tế, môi trường sống, cách quản lý, giáo dục…, nên sự chuyển biến nhận thức, lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân còn thấp. Ngoài ra, một số già làng, trưởng bản và người uy tín chưa thật sự phát huy tốt vai trò đầu tàu gương mẫu trong công tác tuyên truyền, vận động.
 
Tuyên truyền để đẩy lùi hủ tục
 
Để hạn chế và giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian gần đây, chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân. Thông qua các buổi sinh hoạt thôn, xóm, các nội dung về Luật Hôn nhân & Gia đình, sức khỏe sinh sản được lồng ghép khéo léo để bà con tiếp thu dễ dàng.
 
Bên cạnh đó, việc tập huấn nâng cao kỹ năng, tuyên truyền, vận động, tư vấn, truyền thông cho cán bộ từ xã đến thôn về những vấn đề liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS cũng được chú trọng. Các CLB “Nói không với tảo hôn” được thành lập để nâng cao nhận thức của người dân về đời sống hôn nhân, gia đình. 
 
Từ đó, theo số liệu thống kê của phòng dân tộc các huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống, riêng 2 năm trở lại đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có xu hướng giảm. Ông Trần Văn Nguyên, Phó Phòng Dân tộc huyện Đam Rông cho biết: Hiện nay, phần lớn những cặp “vợ chồng” tảo hôn ở Đam Rông là người dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào xã Rô Men. Theo ông Đào Bá Trực, Phó Chủ tịch UBND xã Rô Men: Năm 2015, toàn xã có 6 trường hợp tảo hôn. Trong  10 tháng đầu năm 2016, có 4 trường hợp. Đối với các trường hợp này, xã chỉ còn cách vận động, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tránh trường hợp các bé gái phải làm mẹ khi còn quá nhỏ tuổi. Khi phát hiện trường hợp nào có nguy cơ tảo hôn, chính quyền xã sẽ chủ động tiếp cận, trực tiếp tuyên truyền nhằm ngăn chặn xảy ra tảo hôn.
 
Xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương có hơn 90% người dân là dân tộc Cil, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2016, toàn xã chỉ xảy ra 1 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Ông Bùi Quốc Huân, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, kết quả này đạt được nhờ vào hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động trong bà con nhân dân. Đồng thời, nền kinh tế phát triển cùng với trình độ dân trí cao khiến người dân ở đây nhận thức khá tốt về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Năm 2015, xã xây dựng thôn 4 là thôn kiểu mẫu trong việc cưới, việc tang, thực hiện nếp sống văn minh trong xây dựng nông thôn mới.
 
Nhiều khó khăn trong triển khai đề án
 
Từ tháng 10/2015, Ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” theo từng lộ trình với phạm vi là các thôn, buôn, địa bàn có đông đồng bào DTTS đang sinh sống, nhất là những nơi có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao.
 
Đề án có tổng kinh phí gần 12 tỉ đồng với các nội dung cụ thể cho từng giai đoạn. Tuy nhiên, sau 1 năm, đề án vẫn chưa thể triển khai vì chưa có vốn thực hiện. Ông Ngô Khắc Hào, Phó Phòng Chính sách Tuyên truyền Địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Ban Dân tộc đã lập kế hoạch đưa xuống các địa phương từ cuối năm 2015. Nhưng đến nay, nguồn kinh phí thực hiện dự án vẫn chưa được cấp, gây khó khăn trong việc thực hiện. Trong thời gian gần đây, các địa phương đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho những người có uy tín, lồng ghép trong các dịp sinh hoạt của tổ chức hội. Nội dung kế hoạch đã có, nếu dự án được triển khai thì chắc chắn sẽ giảm đáng kể tình trạng này.
 
Bên cạnh đó, việc rà soát, thu thập số liệu chính xác cũng là một khó khăn của các huyện. Huyện Lâm Hà có 24% dân cư là người đồng bào DTTS, tập trung chủ yếu ở các xã Đinh Văn, Đạ Đờn, Phi Tô,... với 57/193 thôn là thôn đồng bào dân tộc. Từ năm 2009, huyện đã đẩy mạnh rà soát tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các địa phương. Tuy nhiên, theo ông Trương Quang Trung, Phó Phòng Dân tộc huyện, đây là việc không hề dễ thực hiện do hôn nhân cận huyết thống thông thường sẽ không được khai báo với chính quyền địa phương. Phần lớn những cặp tảo hôn thường tự kết hôn hoặc về ở với nhau trước.
 
“Để đưa ra ánh sáng các vụ việc nhạy cảm (như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống) quả thật không dễ. Điều trăn trở của chúng tôi là làm sao để người dân nói ra sự thật, nói đúng về độ tuổi khi kết hôn và các mối quan hệ họ hàng. Đề cương khảo sát sắp tới sẽ tính đến các cách để họ… chịu nói. Thời gian tới, chúng tôi hạ quyết tâm tổng rà soát cho bằng được, tìm hiểu rõ mọi vấn đề liên quan để tìm ra giải pháp phù hợp”, ông Trương Quang Trung giãi bày.
 
Già làng Kră Jăn Ha Đơi (Thôn 2, xã Đạ Sar, Lạc Dương):
 
Cách đây hơn chục năm, tình trạng hôn nhân cận huyết và ép buộc cưới vẫn còn diễn ra khá phổ biến do ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ và nếp nghĩ giữ của. Là thôn có 100% người dân theo đạo Tin Lành, chúng tôi kết hợp với các mục sư để tuyên truyền cho bà con. Bây giờ, chỉ khi nào 2 người đủ tuổi, có giấy đăng ký kết hôn thì mới được mục sư làm lễ cưới tại nhà thờ. 
 
Chị Ka Bo Thủy (Chủ nhiệm Mô hình Nói không với tảo hôn thôn Bảo Tuân, xã Bảo Thuận, Di Linh):
 
Trong số những cặp tảo hôn, thường là các em gái chưa đủ tuổi. Hầu hết bà con chưa hiểu biết Luật Hôn nhân & Gia đình nên vẫn còn xảy ra tình trạng tảo hôn. Những người làm cha, làm mẹ phải gần gũi, chia sẻ những tâm tư tình cảm và quan tâm, động viên, giúp con cái tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống. 
 
Ông Ngô Khắc Hào (Phó Phòng Chính sách Tuyên truyền Địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh):
 
Dự kiến năm 2017, nguồn vốn đầu tư thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020” sẽ có. Chúng tôi mong muốn được sớm cấp vốn để thuận lợi khi triển khai, từng bước giải quyết tận gốc tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên toàn tỉnh. 
 
N.BRỪM - H.THẮM- V.QUỲNH