Thành phố thông minh - xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại

09:11, 24/11/2016

LTS: Ngày 7/10/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về Đề án "Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành Thành phố thông minh (Smart City)". Tuy nhiên, do cách tiếp cận khác nhau nên có nhiều quan điểm khác nhau về xây dựng thành phố thông minh (TPTM) đối với cả thế giới và Việt Nam. Báo Lâm Đồng xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết về "Thành phố thông minh - xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại" của Thạc sỹ Hồ Quang Huệ - Giám đốc Trung tâm Thông tin (VNPT Lâm Đồng).

LTS: Ngày 7/10/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành Thành phố thông minh (Smart City)”. Tuy nhiên, do cách tiếp cận khác nhau nên có nhiều quan điểm khác nhau về xây dựng thành phố thông minh (TPTM) đối với cả thế giới và Việt Nam. Báo Lâm Đồng xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết về “Thành phố thông minh - xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại” của Thạc sỹ Hồ Quang Huệ - Giám đốc Trung tâm Thông tin (VNPT Lâm Đồng).
 
Xây dựng TPTM được xem là giải pháp chiến lược để giải quyết các vấn đề phát sinh do sự gia tăng dân số và đô thị hóa nhanh chóng. Tiến trình đô thị hóa nhanh thường gây xáo trộn xã hội, khiến chính quyền phải đối mặt với nhiều vấn đề, như khan hiếm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, xử lý chất thải, chăm sóc sức khỏe, đói nghèo, cơ sở hạ tầng... và kéo theo các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ… 
 
Do đó, để vượt qua các thách thức này, chính quyền phải tìm ra các giải pháp thông minh hơn để quản lý, điều hành xã hội. Những thành phố được xây dựng theo xu thế này được định nghĩa là một “Thành phố Thông minh” hay Smart city.
 
Cầu Seri Wawasan - cầu cáp treo hình con thuyền bắc qua hồ nước nhân tạo chảy quanh TPTM Putrajaya. Putrajaya là trung tâm chính trị mới của Chính phủ Malaysia được xây dựng năm 1995 từ một vùng hoang vu không sông ngòi và cây xanh, được quản lý bằng công nghệ tiên tiến nhất và là điểm đến du lịch. Ảnh Nhật Quân
Cầu Seri Wawasan - cầu cáp treo hình con thuyền bắc qua hồ nước nhân tạo chảy quanh TPTM Putrajaya. Putrajaya là trung tâm chính trị mới của Chính phủ Malaysia được xây dựng năm 1995 từ một vùng hoang vu không sông ngòi và cây xanh, được quản lý bằng công nghệ tiên tiến nhất và là điểm đến du lịch. Ảnh Nhật Quân
Thành phố thông minh nhìn từ khía cạnh kỹ thuật - công nghệ và xã hội
 
Mặc dù, cụm từ TPTM được sử dụng rộng rãi trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa có khái niệm nhất quán do quan điểm từ các góc nhìn khác nhau, như đứng ở khía cạnh xã hội hay kỹ thuật, công nghệ. Tuy nhiên, tất cả các định nghĩa đều hướng đến một mục tiêu chung: TPTM là một thành phố “bền vững và đáng sống”. Đó là một thành phố được quản lý, điều hành hiệu quả và thống nhất ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giao thông, môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng… bằng các giải pháp thông minh với sự tham gia của người dân; được giám sát và điều phối tối ưu để tiết kiệm nguồn tài nguyên và mang lại dịch vụ tốt nhất cho người dân; có sự liên kết cơ sở hạ tầng kỹ thuật, CNTT, cơ sở hạ tầng xã hội và thương mại để tận dụng tối đa mọi nguồn lực… 
 
Đó cũng là một thành phố “kết hợp công nghệ thông tin và truyền thông” (Information and Communication Technologies - ICT) để tổ chức, thiết kế, qui hoạch, triển khai các giải pháp mới, tiên tiến cho việc quản lý thành phố một cách mềm dẻo, bền vững, gắn với mục tiêu nâng cao đời sống của nhân dân; sử dụng công nghệ điện toán thông minh để tạo ra các thành phần và dịch vụ hạ tầng cơ bản liên kết với nhau một cách hiệu quả và tối ưu hóa hoạt động (bao gồm quản lý chính quyền, giáo dục, y tế, trật tự công cộng, bất động sản, kinh doanh, giao thông và các dịch vụ - tiện ích khác…)… 
 
Nói chung, TPTM là thành phố luôn cố gắng để “thông minh hơn”, được biểu thị là một thành phố của phương tiện, kết nối và tri thức; dựa vào công nghệ hiện đại, cho phép sao chụp và tích hợp dữ liệu bằng cách sử dụng các thiết bị cảm biến như thiết bị đo, thiết bị cá nhân, khí cụ, máy ảnh, điện thoại, thiết bị y tế, web, mạng xã hội… được kết nối, trao đổi và lưu trữ vào một nền tảng điện toán gắn với nhiều dịch vụ khác nhau của thành phố.
 
Có thể hình dung TPTM như là một hệ thống hữu cơ lớn kết nối nhiều thành phần là các hệ thống con với trí tuệ nhân tạo có thể hành xử thông minh như con người, gồm mạng viễn thông số (các dây thần kinh), hệ thống nhúng thông minh (bộ não), các cảm biến (các giác quan) và phần mềm (tinh thần và nhận thức) kết nối với nhau theo hướng ngày càng hiệu quả hơn. 
 
Khung đô thị tích hợp của thành phố thông minh
Khung đô thị tích hợp của thành phố thông minh
Các yếu tố chính của TPTM 
 
Có tám yếu tố chính cần thiết tạo thành Khung đô thị tích hợp của TPTM, là tiền đề cho việc hoạch định, xây dựng và đánh giá mức độ hình thành và phát triển của TPTM, bao gồm quản lý - tổ chức, công nghệ, chính quyền, chính sách, cộng đồng dân cư, cơ sở hạ tầng và môi trường tự nhiên. Khung đô thị tích hợp của TPTM giải thích các mối quan hệ, ảnh hưởng giữa các yếu tố khi xây dựng TPTM và còn dùng để xem xét đánh giá mức độ thông minh các thành phố, cũng như sự thành công của việc xây dựng TPTM. Các yếu tố ảnh hưởng 2 chiều với nhau: các yếu tố bên ngoài (chính quyền, cộng đồng dân cư, môi trường tự nhiên, cơ sở hạ tầng, kinh tế) sẽ ảnh hưởng nhiều hơn các yếu tố bên trong (công nghệ, quản lý - tổ chức và chính sách) và cùng ảnh hưởng đến; các yếu tố bên trong bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ các yếu tố bên ngoài. Đặc biệt, thực tế đã chứng minh, công nghệ là một siêu yếu tố trong TPTM ảnh hưởng đến tất cả 7 yếu tố còn lại. 
 
Việc quản lý - tổ chức trong các TPTM cần phải được xem xét mở rộng theo hướng xây dựng thành công chính quyền điện tử và các dự án ICT. Các thành phố có thể triển khai Chính quyền điện tử theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần phải lưu ý đến thách thức về quy mô của TPTM, quan điểm ứng xử của nhà quản lý, sự đa dạng người dùng, xu hướng ngại thay đổi, mục tiêu ứng dụng và những xung đột giữa các mục tiêu… Các thách thức này đòi hỏi những người quản lý cần phải có kỹ năng lập kế hoạch, ra quyết định, quyết đoán, xác định đúng mục tiêu để có chiến lược phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể.
 
Các dịch vụ và hạ tầng trọng yếu của TPTM được quản lý bởi công nghệ điện toán thông minh. ICT có thể tích hợp với các dự án đang phát triển làm thay đổi cảnh quan đô thị và nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành hoạt động của thành phố. ICT có lợi ích và lợi thế, có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, nhưng, nó cũng làm tăng sự bất bình đẳng và phụ thuộc nhiều vào các thiết bị số. Vì vậy, khi ứng dụng ICT cần phải xem xét các yếu tố về nguồn lực, tính sẵn sàng, tình trạng số hóa, thay đổi thói quen, văn hóa… 
 
Chính quyền điện tử trong TPTM là chính quyền điều hành và quản lý xã hội dựa vào ICT, trong đó công nghệ, con người, chính sách, tập tục, nguồn lực, chuẩn mực, thông tin... luôn tương hỗ với nhau trong mọi hoạt động của thành phố. Khi triển khai chính quyền điện tử cần quan tâm đến các yếu tố như ý chí lãnh đạo, sự tham gia và hợp tác của người dân, truyền thông, trao đổi dữ liệu, tích hợp ứng dụng và dịch vụ, trách nhiệm, minh bạch… Chính quyền điều hành hoạt động dựa vào ICT có sự tham gia hợp tác của người dân thì được gọi là “Chính quyền thông minh”. Chính quyền thông minh là cốt lõi của TPTM và cũng là thách thức quan trọng nhất của tiến trình xây dựng TPTM, nó cho phép liên kết, trao đổi, tích hợp dịch vụ và thông tin, chia sẻ trách nhiệm và minh bạch hơn.  
 
Cộng đồng dân cư là chủ thể chính của TPTM. Dự án TPTM ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và cũng là mục tiêu chính mà TPTM hướng đến. Người dân của TPTM có cơ hội nắm được nhiều thông tin và được quyền tham gia nhiều hoạt động của chính quyền, kể cả việc tham gia quản lý thành phố. Họ trở thành những “người dân năng động”, chủ thể quan trọng đóng góp vào sự thành công của các dự án TPTM. Họ sẽ là những người dân hiện đại, có khả năng sử dụng và ứng dụng các thiết bị số, tham gia hoạt động thông tin - truyền thông - hợp tác - giáo dục và đánh giá chất lượng cuộc sống…
 
Kinh tế là động lực chính để xây dựng TPTM với mức độ cạnh tranh cao. Kinh tế thông minh là nền kinh tế có tính cạnh tranh về sáng tạo, tinh thần kinh doanh, nhãn hiệu hàng hóa, năng suất và tính linh hoạt cũng như hội nhập của thị trường lao động. Bổ sung cho nền kinh tế thông minh là các hệ thống ICT được sử dụng bởi doanh nghiệp, với quy trình kinh doanh thông minh mới, tạo ra các cơ hội làm việc và giao thương, phát triển lực lượng và nâng cao năng suất lao động…
 
Hạ tầng ICT là nền tảng cho TPTM phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả vận hành của chính quyền thông minh với các thách thức liên quan đến việc triển khai ICT và hạ tầng viễn thông - CNTT như an ninh - quyền riêng tư và chi phí hoạt động. 
 
Ngoài ra, môi trường tự nhiên cũng là yếu tố cấu thành TPTM. Cốt lõi của TPTM là sử dụng công nghệ để tăng tính bền vững và quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn, cũng như chống chọi tốt với các tác nhân gây nên sự biến đổi môi trường tự nhiên. Khi triển khai xây dựng TPTM cần phải quan tâm đặc biệt đến bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ảnh hưởng của cơ sở hạ tầng đến điều kiện tự nhiên của thành phố.
 
HỒ QUANG HUỆ