Nhớ những ngày "gom gió thành bão"

08:12, 14/12/2016

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 53, Trung đoàn 120, Khu 5, đóng tại Phù Mỹ, Bình Định...

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 53, Trung đoàn 120, Khu 5, đóng tại Phù Mỹ, Bình Định. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân, dân Bình Định đã nổi dậy phá hủy các cơ sở kinh tế, quân sự, giao thông quan trọng, như: thành Bình Định, xưởng dệt Phú Phong, đề-pô xe lửa ga Diêu Trì..; gấp rút thành lập các đơn vị vũ trang, tự vệ; đẩy mạnh công tác huấn luyện; xây dựng hệ thống trận địa, phòng tuyến, công sự chiến đấu… Những ngày cuối năm, trời Bình Định nắng chang chang, nóng như thiêu đốt nhưng vẫn không làm nhụt nhuệ khí của những người vừa thoát khỏi vòng nô lệ và đang bước vào cuộc chiến đấu nhằm bảo vệ thành quả tự do, độc lập vừa mới giành được.
 
Thiếu tướng Phạm Văn Kha
Thiếu tướng Phạm Văn Kha
Lúc này, một số địa phương thuộc Khu 5 vẫn là vùng tự do nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được cuộc chiến tranh đang đến rất gần. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có cả người Bắc và người địa phương, những tin tức về cuộc chiến đấu của quân và dân ta từ Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn liên tục gửi về khiến anh em rất phấn chấn, nóng lòng muốn ra trận địa một phen sống mái với kẻ thù. Tuy nhiên, do chưa có lệnh của cấp trên nên anh em động viên nhau cố gắng giữ bí mật, tham gia huấn luyện thật tốt để chuẩn bị cho những trận đánh lớn. Điều hết sức đặc biệt của Trung đoàn 120 lúc ấy là Trung đoàn trưởng của chúng tôi là người Đức, tên Việt là Hồ Chí Long, trước đây tham chiến trong quân đội Pháp nhưng khi cách mạng nổ ra, ông đã bỏ sang hàng ngũ của ta. Đồng chí không nói được tiếng Việt nên chúng tôi phải sử dụng tiếng Pháp. Còn Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Nguyễn Mạnh Thường từng là sĩ quan phục vụ cho quân đội Pháp (lính khố đỏ) nhưng cũng đã bỏ hàng ngũ của địch về với Việt Minh. Dù khác biệt về xuất thân, ngôn ngữ nhưng tình cảm giữa chỉ huy và chiến sĩ đều rất nồng ấm, tin tưởng.
 
Sau một thời gian khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị, tháng 3/1947, đơn vị chúng tôi tham gia đánh trận đầu tiên ở Chuông Dầu, xã Cửu An (nay thuộc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). Nhờ nắm chắc quy luật hoạt động của địch, bảo đảm yếu tố bất ngờ và tinh thần chiến đấu dũng cảm, Tiểu đoàn 45, Trung đoàn 120 do tôi phụ trách với hơn 150 cán bộ, chiến sĩ đã tiêu diệt gọn 1 đại đội của địch khi chúng thực hiện đợt càn dọc tuyến đường 19. Trong trận đánh ấy, chúng tôi đã tiêu diệt 85 tên địch, trong đó có 1 tên quan ba Pháp; làm bị thương 25 tên, thu nhiều vũ khí, chiến lợi phẩm. Đây là một trong những chiến thắng đầu tiên của LLVT Khu 5. Sau trận đánh này, tôi được tặng Huân chương Chiến công Hạng 2.
 
VŨ ÐÌNH ÐÔNG ghi