Xuân về Bồng Lai văn hóa

10:01, 30/01/2017

Cái tên Bồng Lai mới nghe như một vùng "non nước hữu tình" đậm chất thủy mạc ở nơi xa xôi nào đấy, nằm tách biệt với thị tứ ồn ào, náo nhiệt. Nhưng thật tình cờ khi một lần tôi dừng chân bên dòng suối Ða Tam, ven quốc lộ 20 ngược xuôi xe cộ và đập vào mắt mình tấm biển "Thôn Bồng Lai văn hóa" gợi trí tò mò, tôi tìm về chốn đây cũng vừa lúc mùa xuân "gõ cửa" thôn xóm.

Cái tên Bồng Lai mới nghe như một vùng “non nước hữu tình” đậm chất thủy mạc ở nơi xa xôi nào đấy, nằm tách biệt với thị tứ ồn ào, náo nhiệt. Nhưng thật tình cờ khi một lần tôi dừng chân bên dòng suối Ða Tam, ven quốc lộ 20 ngược xuôi xe cộ và đập vào mắt mình tấm biển “Thôn Bồng Lai văn hóa” gợi trí tò mò, tôi tìm về chốn đây cũng vừa lúc mùa xuân “gõ cửa” thôn xóm.
 
Ít ai biết rằng, cách đây hơn 15 năm, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) được “chọn mặt gửi vàng” tiên phong làm điểm xây dựng và trở thành thôn văn hóa đầu tiên của Lâm Đồng. Từ đó được nhân rộng ra toàn tỉnh trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do mặt trận phát động. Tôi như người đi xa lâu ngày, trở về để cảm nhận cuộc sống, nét văn hóa của cư dân Bồng Lai sau ngần ấy năm xây dựng đời sống văn hóa và nhận ra nhiều điều không kém phần thú vị.
 
Đình làng, một trong những địa điểm tâm linh của người dân thôn Bồng Lai. Ảnh: Hoàng Yên
Đình làng, một trong những địa điểm tâm linh của người dân thôn Bồng Lai. Ảnh: Hoàng Yên
Nơi “sơn bao, thủy bọc” 
 
Cái tên Bồng Lai có từ thuở nào, chỉ biết rằng cách đây hơn nửa thế kỷ, vào khoảng năm 1958, ông Nguyễn Quang Cầm, người có công khai mở vùng đất nguyên sơ lập lên ấp Bồng Lai. Vị trí vùng đất mới cũng đặc biệt như tên gọi của nó, bởi được tách bạch với quốc lộ 20 bằng con suối Đa Tam quanh năm nước chảy. Qua con suối này, cả một vùng đất bằng phẳng chạy dài về phía núi non nên được mệnh danh là nơi “sơn bao, thủy bọc” thuận lợi cho nghề canh nông phát triển. 
 
Cụ Đỗ Trưng, 80 tuổi - một trong những bậc cao niên của thôn Bồng Lai chia sẻ: “Để ổn định làng xã, xưa kia, các chư tộc, dân làng đã đứng ra soạn thảo, góp ý bản hương ước dưới sự giám sát, công nhận của chính quyền. Hương ước, tức quy ước hay nôm na là lệ làng đã trở thành công cụ điều khiển, quản lý làng xã rất có giá trị và được nhân dân chấp hành rất tốt”. Cũng theo cụ Trưng, khi soạn thảo hương ước, phải mất nhiều ngày mới xong, rồi công bố trước dân và được đông đảo dân làng đồng tình, ủng hộ, rồi trình lên chính quyền phê duyệt thì mới có giá trị. 
 
Ông Trần Văn Phận - Trưởng thôn Bồng Lai cho biết thêm, hương ước đã đóng góp tích cực vào công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh - trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, được nhân dân đồng tình và sửa đổi bổ sung qua nhiều thế hệ. Cứ 3 năm một lần, thông qua hội nghị toàn dân, dân thôn Bồng Lai lại chung tay xây dựng, sửa đổi lại hương ước cho sát thực với tình hình mới theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, trở thành “bộ luật” của làng. Người dân trong thôn bầu những người có uy tín vào ban tự quản để quản lý, giữ gìn các văn bản hương ước. “Nếu hộ gia đình nào vi phạm các cam kết trong bản hương ước thì sẽ bị đưa ra kiểm điểm, phê bình trước mọi người, nếu tái phạm nhiều lần sẽ bị dân làng chê cười, cách ly quan hệ; và ngược lại, hộ nào thực hiện tốt các quy định sẽ được đề nghị khen thưởng” - ông Phận nói. 
 
Theo lệ, Trưởng thôn và Ban điều hành hương ước có nhiệm vụ nhắc nhở từng nhà, từng người trong tộc họ thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, chấp hành tốt lệ làng đặt ra. Hương ước quy định, mỗi gia đình phải tự vận động, giáo dục những người thân trong gia đình không được vi phạm pháp luật, không nghe, không tin lời sai trái, kích động, xúi giục để làm việc xấu. Trẻ em trong thôn không những được gia đình mà còn có các chi hội phụ nữ, nông dân giám sát rất chặt để tránh sa vào trường hợp nghiện game, học hành sa sút, vi phạm pháp luật… Đối với trường hợp người dân vi phạm như say rượu, cờ bạc, đánh nhau, vi phạm an toàn giao thông nhiều lần… Ban điều hành hương ước sẽ đưa ra kiểm điểm trước dân và chính quyền. Những gia đình có người vi phạm phải đứng ra nhận sai sót, trách nhiệm trước chính quyền, bảo lãnh người vi phạm về quản lý, giáo dục. Những vụ việc vi phạm pháp luật có tính chất nghiêm trọng, tổ điều hành hương ước động viên người vi phạm chấp hành đúng quy định pháp luật, cử người theo dõi, giúp đỡ để cùng với chính quyền giáo dục họ trở thành người tốt. 
 
Thôn văn hóa đầu tiên 
 
Đi trên con đường nhựa dẫn vào thôn Bồng Lai hôm nay, các ngõ xóm được bê tông hóa với nhà cửa khang trang, vườn tược xanh tươi, cây trái hai bên cho tôi cảm nhận được nhịp sống rộn ràng, sôi động, trù mật của một làng quê nơi đây. Mà có lẽ, cái “chất làng xã” tưởng chừng đã phai nhạt bởi sự giàu có của Bồng Lai không khác gì chốn thị tứ. 
 
Bồng Lai có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, người dân cần cù, nhân hậu với tổng cộng 908 hộ, 3.785 khẩu được chọn lựa xây dựng thôn văn hóa điểm của tỉnh vào năm 2000 và sau đúng một năm thì được công nhận “Thôn văn hóa” vào năm 2001. Thế nhưng, mọi chuyện không phải đều dễ dàng nếu không có sự đoàn kết chung sức của toàn dân, bởi những ngày đầu sau khi được công nhận thôn văn hóa, Bồng Lai còn gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp manh mún, cây trồng chủ yếu là lúa, bắp kém hiệu quả. Nhưng với tinh thần cộng đồng, đoàn kết thống nhất một lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Bồng Lai không ngừng nỗ lực vun đắp, xây dựng cho làng quê ngày càng ấm no, yên bình trong suốt 15 năm qua, trở thành “địa chỉ” luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền huyện Đức Trọng và của tỉnh Lâm Đồng.
 
Ông Mai Hữu Hòa, Bí thư chi bộ thôn Bồng Lai cho biết: “Thôn Bồng Lai nhờ đời sống kinh tế của người dân tương đối ổn định nên có điều kiện tập trung phát triển văn hoá. Ngay trong năm đầu tiên, với tư cách là địa phương đi đầu trong xây dựng thôn văn hóa, thôn Bồng Lai không chỉ được công nhận mà còn vinh dự được các địa phương khác trong huyện, rồi tỉnh đến học tập kinh nghiệm”.
 
Có lẽ chính đời sống kinh tế ổn định, người dân Bồng Lai chú trọng gìn giữ những luật lệ được bồi đắp qua thời gian và các hoạt động văn hóa tập trung toàn dân trong thôn luôn được duy trì đều đặn. Cứ mỗi năm 2 lần vào dịp tế Thu và hạ Nêu người dân thôn Bồng Lai lại tề tựu tại đình làng trong thôn để hành lễ, vui hội, cô kết cộng đồng. Nhờ duy trì, giữ gìn nếp sống văn hóa mới trong mỗi gia đình thường xuyên, nên hàng năm qua bình xét, có trên 90% hộ đạt gia đình văn hóa và 100% hộ gia đình thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong tiệc cưới, tang, không có hành vi truyền bá và hành nghề mê tín dị đoan.
 
Một góc Bồng Lai. Ảnh: Hoàng Yên
Một góc Bồng Lai. Ảnh: Hoàng Yên
Làng quê phát triển 
 
Với những tiềm năng sẵn có về thổ nhưỡng, khí hậu cùng với sự năng động của người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ đó diện tích nhà kính, các mô hình tưới tự động ngày càng mở rộng. Toàn bộ đất trồng lúa trước đây đã chuyển sang trồng hoa màu, nâng tổng diện tích gieo trồng đạt trên 565 ha, trong đó có hơn 40% diện tích được áp dụng công nghệ cao. Ngoài việc tái canh cây cà phê già cỗi, Bồng Lai còn đẩy mạnh trồng các loại cây trồng có năng suất cao như mác mác, chuối laba, nấm… nâng thu nhập bình quân trên một ha gieo trồng đạt 220 triệu đồng/ha, tăng 300% so với năm 1999. Cùng với nông nghiệp, hoạt động thương mại dịch vụ cũng ngày càng phát triển với gần 200 hộ dân kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế cho thôn và tăng thu ngân sách nhà nước. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân Bồng Lai đạt 50 triệu đồng/người/năm - gần bằng bình quân thu nhập của người dân thị thành Đà Lạt và tăng 30 triệu đồng so với năm 2001. 
 
Để có được kết quả như hiện tại, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng thôn luôn luôn được đề cao. Các đoàn thể cũng chia thành nhiều chi hội, phân hội cùng giúp nhau trong phát triển kinh tế, động viên nhau những khi hoạn nạn, rủi ro. Thôn xây dựng các quỹ khuyến học, hũ gạo tình thương, hỗ trợ người già neo đơn, gia đình chính sách…
 
Thực hiện chương trình toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn đã tích cực tham gia thể hiện qua những biểu hiện cụ thể như hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền của, ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn với số tiền lên đến hơn 1,1 tỷ đồng. Đường làng, ngõ xóm về cơ bản được bê tông hóa, đảm bảo cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa. Bên cạnh cảnh quan môi trường của thôn cũng được chú trọng, ngõ xóm, nơi sinh hoạt cộng đồng luôn sạch sẽ, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và có nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại. Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được xây dựng cách xa khu dân cư, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và có trên 70% hộ dân hợp đồng với đơn vị thu gom rác thải hằng ngày. Cơ sở vật chất của thôn cũng được nhân dân ủng hộ đóng góp hằng năm và mua sắm trang thiết bị, phục vụ các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Bồng Lai thực sự đã phát huy tốt sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế gia đình, từng bước xây dựng đời sống văn minh, hiện đại. 
 
Trong tâm trí của nhiều người trong thôn, Bồng Lai hôm nay đã hoàn toàn thay da đổi thịt, nhà cửa khang trang, đời sống no ấm và quan trọng hơn là bản sắc văn hóa được chăm chút, bồi đắp từ phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới. Mùa xuân đã ngập tràn trên từng nẻo đường, ngõ xóm, với thôn Bồng Lai như thắp thêm niềm tin mới đang rộng mở về một Bồng Lai văn hóa, văn minh, giàu đẹp hứa hẹn ở phía trước.  
 
HOÀNG YÊN