Đa số các vụ cháy rừng không phát hiện được đối tượng vi phạm (!?)

08:02, 10/02/2017

Đó là thực tế mà các đơn vị chủ rừng báo cáo sau khi các vụ cháy rừng xảy ra trên lâm phần của mình quản lý, bảo vệ trong thời gian qua. Vì sao, và liệu có khắc phục nhanh chóng được tình trạng này không để giảm thiểu các vụ cháy rừng trong mùa khô 2016-2017 này? 

Đó là thực tế mà các đơn vị chủ rừng báo cáo sau khi các vụ cháy rừng xảy ra trên lâm phần của mình quản lý, bảo vệ trong thời gian qua. Vì sao, và liệu có khắc phục nhanh chóng được tình trạng này không để giảm thiểu các vụ cháy rừng trong mùa khô 2016-2017 này? 
 
Mới đây, theo đề nghị của các đơn vị chủ rừng Nhà nước, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn đồng ý gia hạn làm giảm vật liệu cháy đến ngày 28/1. Theo đó, chủ rừng chấp hành nghiêm về mặt thời điểm, xử lý đúng quy trình kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ và căn cứ diễn biến thời tiết sau Tết Nguyên đán cùng tình hình thực tế của các đơn vị, Sở này sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để tiếp tục gia hạn. Giám đốc Sở NN&PTNT cũng giao các Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và lập biên bản các trường hợp làm giảm vật liệu cháy sai thời điểm đốt, sai quy trình. Yêu cầu các chủ rừng là doanh nghiệp thuê rừng thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) và cam kết chấp hành tốt công tác bảo vệ rừng (BVR). 
 
Nhìn lại năm 2016, mặc dù công tác PCCCR mùa khô 2015-2016 được ngành kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng chuẩn bị sớm, nhưng toàn tỉnh vẫn xảy ra 34 vụ cháy với 118,16 ha. Trong đó, 11 vụ cháy rừng trồng với gần 71 ha; 16 vụ cháy rừng tự nhiên với 39,3 ha và cháy thảm cỏ cây bụi dưới tán rừng 7 vụ (gần 8 ha). Đặc biệt, so với mùa khô 2014-2015, đã tăng 1 vụ và diện tích cháy cũng tăng tới 37,56 ha. Càng đáng tiếc là: cháy rừng tự nhiên tăng lên 16 vụ, diện tích cháy tăng 29,78 ha và cháy rừng trồng tuy số vụ không tăng nhưng cũng tăng diện tích cháy đến 43,78 ha! 
 
Một thực tế cần được chấn chỉnh và khắc phục nhanh chóng là đa số các vụ cháy rừng chưa phát hiện được đối tượng vi phạm. Nguyên nhân chính là do một số chủ rừng, nhất là các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án đầu tư còn buông lỏng trong công tác BVR và PCCCR, chưa tổ chức lực lượng trong công tác tuần tra BVR và PCCCR. Dù lí do gì, khách quan hay chủ quan, nếu chủ rừng và các ngành, địa phương liên quan không phát hiện được đối tượng vi phạm thì sẽ vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng tiếp tục tăng.  
 
Mùa khô 2016 - 2017 năm nay, tình hình thời tiết vẫn đang diễn biến thất thường, khó lường, vì vậy càng tăng cường công tác BVR, PCCCR tại các đơn vị chủ rừng nói riêng, ngành kiểm lâm, các địa phương và nhân dân nói chung là hết sức cấp thiết. Và vai trò của Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ & phát triển rừng của tỉnh cùng 12 huyện, thành phố càng trở nên vô cùng quan trọng.  
 
MINH ĐẠO