Quảng Lập vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ

08:02, 21/02/2017

Trong quá trình xây dựng và ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2016, Đảng ủy xã Quảng Lập (Đơn Dương) đã đề cập đến nội dung bảo vệ môi trường.

Trong quá trình xây dựng và ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2016, Đảng ủy xã Quảng Lập (Đơn Dương) đã đề cập đến nội dung bảo vệ môi trường. Trong đó, nhấn mạnh vào nội dung vận động nhân dân không rải giấy tiền, vàng mã trong đưa tang, góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí 17 về môi trường, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương.
 
Nhờ có những việc làm cụ thể góp phần bảo vệ môi trường nên Quảng Lập đã xây dựng được cảnh quan đường quê sạch đẹp. Ảnh: N.Ngà
Nhờ có những việc làm cụ thể góp phần bảo vệ môi trường nên Quảng Lập đã xây dựng
được cảnh quan đường quê sạch đẹp. Ảnh: N.Ngà

Hiện nay, trong các nghi lễ của đám tang, người dân thường coi việc đốt và rải vàng mã là việc làm nhằm an ủi vong linh và chuẩn bị cho đời sống dưới cõi âm của người chết. 
 
“Tục lệ này không phải là xấu nhưng không phù hợp, cần phải hạn chế dần trong quá trình thực hiện nếp sống văn minh. Việc rải vàng mã trên đường khi đưa tang làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, gây nhiều lãng phí nên cần từng bước xóa bỏ”. Đồng chí Nguyễn Bình Trị - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Lập cho biết.
 
Trong quá trình triển khai thực hiện, toàn bộ hệ thống chính trị của xã đã vào cuộc, nỗ lực làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không rải giấy tiền, vàng mã trong đưa tang. “Xác định đây là vấn đề liên quan tới tâm linh đã thấm sâu vào suy nghĩ người dân, nên việc thay đổi không phải chuyện ngày một ngày hai. Với phương pháp mưa dầm thấm lâu, sau khi xây dựng văn bản với nội dung cụ thể việc triển khai công tác tuyên truyền, lãnh đạo xã đã họp bàn nhân dân và đưa nội dung này vào quy ước hương ước xây dựng thôn, xã văn hóa. Đảng ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền bắt đầu từ người cao tuổi, người uy tín, các trụ trì, đại diện các tôn giáo, tiếp tới là gia đình cán bộ, đảng viên, gia đình chính sách. Sau khi được thống nhất từ các thành phần trên, lực lượng này đã cùng vào cuộc vận động mỗi gia đình trong xã” - đồng chí Nguyễn Bình Trị cho biết thêm.
 
Ông Nguyễn Hữu Xuân (74 tuổi) - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, Chánh tế tại đình Quảng Lập cho biết: “Thời gian qua, Hội Người cao tuổi xã đã vào cuộc mạnh mẽ cùng với chính quyền địa phương vận động bà con từng bước xóa bỏ việc rải giấy tiền, vàng mã trong đưa tang. Trước hết, Hội đã làm tốt công tác tư tưởng cho tất cả hội viên để các cụ nhận thức được những bất cập trong việc rải vàng mã. Bởi các cụ là “cây cao bóng cả” trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Và, khi các cụ thống nhất sẽ vận động gia đình, con cháu trong dòng họ làm theo”.
 
Quan điểm vận động của các cụ rất rõ ràng: Thứ nhất, mua vàng mã là “lấy tiền thật mua đồ giả”, nên việc đốt vàng mã chẳng khác nào đang tự tay đốt tiền mồ hôi công sức lao động của mình. Thứ hai, đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường vì khói, bụi tro tàn bay đầy nhà, đầy ngõ. Dù vô tình hay hữu ý việc làm này đang gây phiền toái đến nhiều người. Những gia đình ở mặt tiền nhiều lần chịu cảnh rất nhiều vàng mã bị gió cuốn bay vào nhà…
 
Ông Xuân nhấn mạnh thêm: “Nếu tỉnh táo sẽ nhận thấy trong việc rải vàng mã, người hưởng lợi chính là những cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng mã và những cơ sở mai táng. Số lượng vàng mã được rải nhiều bao nhiêu, thì số tiền thật chui vào túi những người sản xuất, kinh doanh mặt hàng này nhiều bấy nhiêu. Mỗi lần mua vàng mã có khi hết cả 5 đến 10 triệu đồng, để tiền đó cho con cháu ăn học còn có ích hơn”. 
 
Xác định bỏ hẳn là điều không thể, nên chính quyền địa phương cũng vận động người dân thực hiện phương án có thể đốt một ít vàng mã tại nhà trước lúc làm thủ tục di quan, còn lại được gia đình mang đến nghĩa trang rải xung quanh mộ khi hạ huyệt, không rải vàng mã trên đường.
 
Đảm nhiệm nhiệm vụ Chánh tế tại đình Quảng Lập, nên bất cứ khi nào trong xã có đám tang, bốc mộ… bà con đều phải báo với ông Nguyễn Hữu Xuân để thỉnh cờ, trống, xe tang tại đình làng và ông phải đến trực tiếp từng gia đình. Bởi thế ông Nguyễn Hữu Xuân khẳng định: “Sau một năm thực hiện Nghị quyết của xã về vận động nhân dân không rải giấy tiền vàng mã trong đưa tang, hiện nay ở Quảng Lập chúng tôi 100% các đám tang không rải vàng mã trên đường nữa. Cả huyện Đơn Dương này chỉ mới có mỗi xã tôi làm được chuyện này thôi đấy”. 
 
Tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí mềm dễ biến động trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Bởi vậy, đạt được tiêu chí này đã khó, giữ vững nó còn khó hơn. Với việc đưa nội dung này vào Nghị quyết, triển khai thực hiện từng nội dung nhỏ như tại xã Quảng Lập đã góp phần xây dựng vững chắc dần tiêu chí môi trường ở xã NTM. Được biết, lãnh đạo huyện Đơn Dương đánh giá rất cao hiệu quả việc làm này tại xã Quảng Lập và đã có phương án nhân rộng mô hình này trong toàn huyện.
 
NGỌC NGÀ