Lắng nghe tiếng nói để gần dân

09:03, 28/03/2017

Dưới chân núi Lang Biang - nơi có hơn 73% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số - những người cán bộ cơ sở hiểu được rằng, điều quan trọng nhất là tạo được mối liên hệ thân tình, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Để làm được điều đó, không cách gì hơn là lắng nghe, hiểu và nói chính tiếng nói của bà con. 

Dưới chân núi Lang Biang - nơi có hơn 73% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số - những người cán bộ cơ sở hiểu được rằng, điều quan trọng nhất là tạo được mối liên hệ thân tình, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Để làm được điều đó, không cách gì hơn là lắng nghe, hiểu và nói chính tiếng nói của bà con. 
 
Từ sáu tháng nay, cứ đều đặn mỗi tuần 3 buổi, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Phương lại vượt quãng đường hơn 20 km từ điểm trường Tiểu học Păng Tiêng (xã Lát) ra Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện để tham gia lớp học tiếng Cơ ho. Đã có 4 năm gắn bó với học sinh vùng sâu, cô Phương cũng đã “học lỏm” được một số từ của các em. Nhưng chừng đó là chưa đủ để cô có thể trực tiếp nói chuyện với phụ huynh học sinh mỗi lần vận động họ đưa con đến trường. 
 
Hiện tại, khi đã tham gia hơn 2/3 thời gian của lớp học, cô Phương đã tự tin hơn khi có thể giao tiếp bằng chính tiếng Cơ ho với học sinh và cả phụ huynh. Cô tâm sự: “Trường học của tôi có trên 80% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài tiếng Kinh bắt buộc phải sử dụng trong quá trình học và giảng dạy, có nhiều em vẫn nói tiếng Cơ ho ngoài giờ lên lớp. Trước đây, có nhiều từ học sinh nói giáo viên không hiểu được, nên các cô giáo đều mong muốn tham gia lớp học này để tạo mối liên hệ gần gũi hơn với học sinh, có thể giao tiếp cơ bản với học sinh về cuộc sống hàng ngày, giúp hiểu tâm lý học sinh và rút kinh nghiệm cho bản thân”. Cũng chính vì lý do này mà phần lớn học viên của các lớp học tiếng Cơ ho là giáo viên người Kinh. Hiện, cùng với cô Phương, Trường TH Păng Tiêng cũng đang có 4/13 giáo viên tham gia lớp học này. 
 
Lớp học mà cô Phương tham gia là lớp học tiếng Cơ ho thứ 9 do UBND huyện Lạc Dương phối hợp với Trường Chính trị và Sở Nội vụ tỉnh tổ chức, và là lớp thứ 2 được tổ chức khai giảng trong năm 2016 với tổng số 90 học viên/2 lớp. Thông qua các lớp đào tạo tiếng dân tộc, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ, công chức cấp cơ sở và đội ngũ giáo viên được trang bị lượng kiến thức cần thiết để nâng cao kỹ năng giao tiếp, dễ dàng nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, cũng như phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Ông Nguyễn Văn Đồng - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Lạc Dương cho biết: “Việc đào tạo tiếng Cơ ho cho cán bộ người Kinh đang công tác trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mang lại nhiều lợi ích. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 930 cán bộ, công chức, viên chức công tác ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, cán bộ công chức xã, thị trấn, trong đó người Kinh chiếm hơn 70%. Từ năm 2005 đến nay, huyện đã mở được 9 lớp tiếng Cơ ho với hơn 330 học viên người Kinh. Riêng từ năm 2015 đến nay đã mở được 3 lớp cho 125 học viên, trong đó đã thi và cấp chứng chỉ cho 34 học viên. Hiện đang có 2 lớp được khai giảng từ cuối năm 2016, dự kiến sẽ hoàn thành khóa học vào cuối tháng 5/2017”.
 
Mỗi lớp học kéo dài từ 6 - 8 tháng, mỗi tuần 3 buổi từ 17 giờ đến 20 giờ. Vì diễn ra vào ngoài giờ hành chính nên tại huyện Lạc Dương, các lớp học được mở theo khu vực, theo cụm để học viên thuận tiện trong việc tham gia học.
 
Theo thầy giáo Păng Ting Uok - giáo viên trực tiếp đứng lớp, tiếng Cơ ho không khó, học viên chỉ cần chịu khó học từ mới, phải nói nhiều, thực hành nhiều, trao đổi trực tiếp với nhau để nhanh tiến bộ. Việc học tiếng được gắn liền với các nội dung gần gũi với công tác của học viên như tuyên truyền bảo vệ rừng, chăm sóc, kế hoạch hóa gia đình… 
 
“Đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, khi cán bộ đến nói chuyện với họ bằng chính tiếng nói của họ thì người đồng bào rất quý, rất có cảm tình, nên nói gì bà con cũng tin, cũng nghe theo. Khi tình cảm, sự gần gũi được bà con cảm nhận thì sự tiếp thu của bà con cũng có hiệu quả hơn” - Thầy giáo Păng Ting Uok.
 
Trước mắt, việc học tiếng Cơ ho đã thể hiện được hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình cơ sở và trong quá trình giải quyết công việc của các học viên. Anh Trịnh Văn Tiến - hiện công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương - cũng đã tham gia lớp học tiếng Cơ ho được hơn 6 tháng cho biết: “Đặc thù công việc của cán bộ kiểm lâm là phải tiếp xúc hàng ngày với bà con địa phương để tuyên truyền, vận động bảo vệ rừng, nên việc sử dụng tiếng địa phương để trò chuyện thân mật giúp bà con dễ hiểu và dễ nắm bắt hơn.Việc biết tiếng giúp công việc của chúng tôi thuận lợi hơn”.
 
Ông Nguyễn Văn Đồng cho biết, việc học tiếng dân tộc tạo điều kiện để cán bộ phát huy tốt hiệu quả của công tác gần dân, hiểu dân. Trong thời gian tới, các lớp học tiếng Cơ ho sẽ tiếp tục được mở thêm nhằm đáp ứng nhu cầu của các cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương.
 
VIỆT QUỲNH