Để biển đảo như gần hơn

08:04, 06/04/2017

Xây dựng bia chủ quyền quần đảo Trường Sa trong sân trường, đổi tên các lớp học thành tên các hòn đảo… là những gì mà các thầy cô giáo ở Trường THCS Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã làm...

Xây dựng bia chủ quyền quần đảo Trường Sa trong sân trường, đổi tên các lớp học thành tên các hòn đảo… là những gì mà các thầy cô giáo ở Trường THCS Kim Liên, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã làm. Điều này vừa góp phần giáo dục các em học sinh hiểu và ý thức rõ hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời thổi một làn gió mới để góp thêm hào hứng cho việc dạy và học của thầy và trò.
 
Học sinh Trường THCS Kim Liên hào hứng với cột mốc chủ quyền được dựng ở sân trường. Ảnh: N.Ngà
Học sinh Trường THCS Kim Liên hào hứng với cột mốc chủ quyền được dựng ở sân trường. Ảnh: N.Ngà
“Để học sinh hứng thú hơn với môn Lịch sử nói chung, đồng thời có thể đưa nội dung biển đảo lồng ghép vào chương trình ngoài giờ lên lớp”, thầy Nguyễn Vương Linh - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên đã tâm sự với chúng tôi như thế khi nói về những khởi nguồn cho ý tưởng xây dựng cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa ở trong sân trường. 
 
Cũng theo thầy Linh, năm 2016 sau khi đề xuất ý tưởng và được sự đồng ý của các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương, ban giám hiệu trường này đã vận động được 40 triệu đồng kinh phí xây dựng cột mốc chủ quyền từ các doanh nghiệp trên địa bàn. Sau 1 tháng thi công, cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa - trái tim của quần đảo Trường Sa được khánh thành đúng dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, năm 2016.  
 
Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa cao 4,9 m; có hình trụ bốn cạnh (mỗi cạnh 70 cm được đắp sao vàng nổi, hình trống đồng nổi và có kinh độ, vĩ độ) ngay trong khuôn viên trường học. Cột mốc được hoàn thành trong sự hứng khởi của thầy và trò, cũng từ đó Ban Giám hiệu nhà trường đã quyết định làm thêm một bước nữa “để biển đảo như gần hơn” chính là đổi tên toàn bộ 20 lớp học của nhà trường theo tên của các hòn đảo nằm trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những lớp 6A, 7A, 8B được thay bằng lớp Sơn Ca, Song Tử Tây, Vành Khăn, Đá Lớn, Nam Yết... 
 
Em Lê Quốc Việt, Chi đội đảo Vành Khăn kể: “Lúc đổi tên lớp thành tên hòn đảo này, các thành viên trong lớp không ai hiểu gì cả. Nhưng bây giờ các thành viên trong lớp đã có thể kể về lịch sử, về vị trí địa lý và những câu chuyện của các chiến sỹ Hải quân đang bảo vệ đảo Vành Khăn. Không chỉ tìm hiểu về tên lớp mình mà các bạn còn tự tìm hiểu hoặc nghe các bạn lớp khác nói lại nên đã hiểu hơn nhiều về những tên hòn đảo được đặt tên cho các lớp khác”.
 
Cô Nguyễn Thị Kim Thương, giáo viên bộ môn Lịch sử (Trường THCS Kim Liên) cho biết: Ngoài việc giao cho các lớp phải tìm hiểu kỹ về hòn đảo được đặt theo tên lớp của mình, các em học sinh còn có thể tìm hiểu về các hòn đảo khác bằng việc trao đổi với nhau thông qua các buổi ngoại khóa được tổ chức cho học sinh toàn trường. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức các buổi thi và những bài tự thu hoạch về kiến thức biển đảo của học sinh. Từ đó kiến thức của các em về biển đảo quê hương càng được nâng lên.
 
Không chỉ biết đến Hoàng Sa - Trường Sa qua những tư liệu lịch sử, nhà trường còn liên hệ và mời các chiến sỹ từng công tác trên quần đảo Trường Sa hiện đang công tác trên địa bàn tỉnh đến để giao lưu và nói chuyện biển đảo. Nhờ vậy, các em học sinh của trường còn hiểu hơn về đời sống của những người lính giữ biển. Tất cả những điều đó đã góp phần làm cho Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi sóng như gần hơn với học trò trên quê hương Bác. 
 
Cũng theo cô giáo Thương, để các em yêu thích biển đảo nói riêng và bộ môn lịch sử nói chung không phải là chuyện làm được trong ngày một ngày hai, nhưng những kiến thức trực quan sinh động và nỗ lực tạo cho các em hào hứng tìm hiểu những kiến thức liên quan đến bộ môn này đã là một thành công lớn của nhà trường. Bên cạnh đó, trường còn tổ chức CLB “Em yêu biển đảo” để cho các em sinh hoạt và tìm hiểu kiến thức về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ những kiến thức cơ bản về biển đảo đã tìm được, các em học sinh Trường THCS Kim Liên đã có thể tự liên hệ đến bản thân bằng những biện pháp cụ thể trong vấn để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc như viết thư gửi cho các chiến sỹ Hải quân đang làm nhiệm vụ trên các đảo, thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình có người làm nhiệm vụ trên các hòn đảo ở địa phương…
 
N.NGÀ