Sống mãi với kỷ niệm Trường Sa

08:04, 28/04/2017

Sinh năm 1964, ở Hải Dương, trải qua quãng đời 3 năm tuổi trẻ canh giữ biển trời Tổ quốc ở Trường Sa, Thầy thuốc ưu tú - BSCKII Nguyễn Văn Trịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch, Lâm Đồng giờ đây mỗi lần nhắc đến 2 chữ Trường Sa thiêng liêng là trong anh dạt dào cảm xúc, anh nói: "Ước nguyện của tôi là được một lần ra thăm lại Trường Sa".

Sinh năm 1964, ở Hải Dương, trải qua quãng đời 3 năm tuổi trẻ canh giữ biển trời Tổ quốc ở Trường Sa, Thầy thuốc ưu tú - BSCKII Nguyễn Văn Trịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch, Lâm Đồng giờ đây mỗi lần nhắc đến 2 chữ Trường Sa thiêng liêng là trong anh dạt dào cảm xúc, anh nói: “Ước nguyện của tôi là được một lần ra thăm lại Trường Sa”.
 
Thầy thuốc ưu tú - BSCKII Nguyễn Văn Trịnh kiểm tra dược liệu bệnh viện. Ảnh: D.Hiền
Thầy thuốc ưu tú - BSCKII Nguyễn Văn Trịnh kiểm tra dược liệu bệnh viện. Ảnh: D.Hiền
PV: Thưa anh! Nhớ lại hành trình của một bác sĩ trẻ mới ra trường đến với Trường Sa của anh như thế nào ạ?
 
Năm 1982, tôi nhập ngũ và vào học tại Học viện Quân y, thời điểm này đất nước chúng ta đã được thống nhất nhưng cả hai đầu đất nước còn phải căng mình ra để bảo vệ biên giới Tây nam và biên giới phía Bắc. Ngày14 tháng 3  năm 1988 xảy ra sự kiện Trung Quốc đem quân chiếm đóng các đảo chìm và các bãi đá nổi thuộc quần đảo Trường Sa của đất nước ta. Tháng 8 năm 1988, tôi tốt nghiệp bác sĩ Quân y, được phân công về Quân chủng Hải quân, tôi và 3 bác sĩ Khóa 17 - Học viện Quân y  xung phong đi phục vụ tại quần đảo Trường Sa. Trước khi  nhận công tác ra Trường Sa để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội, chúng tôi được cử đến Quân y viện 87 - Nha Trang học thực hành ngoại khoa 6 tháng để xử lý các trường hợp cấp cứu ngoại khoa như mổ ruột thừa, xử trí các vết thương… Tháng 5 năm 1989 tôi được phân công đến đảo Tốc Tan - Quần đảo Trường Sa - Khánh Hòa, đến tháng 9 năm 1991 tôi được nghỉ phép 1 tháng. Tháng 10 năm 1991, tôi lại nhận nhiệm vụ ra đảo Đá Đông - Quần đảo Trường Sa - Khánh Hòa phục vụ đến tháng 5 năm 1992. Thời điểm này, tôi được Quân chủng Hải quân cho vào đất liền để đi thi bác sĩ chuyên khoa cấp I.
 
PV: Vậy là 3 năm sống, chiến đấu ở Trường Sa trong thời kỳ khó khăn, gian khổ, căng thẳng nhất, nghĩ về thời gian ấy, điều gì làm anh không thể nào quên?
 
Ở thời điểm đó, đất nước ta mới trải qua hai cuộc kháng chiến cực kỳ gian khổ chống Pháp và chống Mỹ, lại phải đương đầu với chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, cả nước đều gặp khó khăn, người chiến sĩ chúng tôi cũng gặp khó khăn chung với nhân dân cả nước. Nhưng cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa khi đó có khó khăn hơn ở đất liền về điều kiện sinh hoạt. Tôi ở đảo chìm, nghĩa là đảo luôn bị ngập bởi thủy triều, bộ đội công binh xây dựng trên đảo chìm các nhà sàn bằng các khung thép chữ I, sàn nhà bằng các tấm thép, nhôm tổ ong, vách nhà bằng các tấm gỗ hoặc tấm liếp quét sơn chống thấm. Nhà sàn như vậy được thiết kế 3 sàn: sàn thấp nhất (dưới cùng) là để các két nước ngọt; sàn thứ hai để ở và các kho đựng lương thực, thực phẩm, vũ khí; sàn trên cùng là chòi canh gác. Khó khăn, thiếu thốn khi ấy chủ yếu là: thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, thiếu hình dáng của người phụ nữ (bà, mẹ, cô, dì, chị, em…). Điều mong mỏi của cán bộ, chiến sĩ ở đảo nói chung là các cánh thư từ đất liền gửi ra đảo, bởi vì khi ấy về điều kiện thông tin liên lạc giữa đất liền và đảo còn gặp rất nhiều khó khăn. Ở đảo liên lạc với đất liền bằng tín hiệu morse (moóc xơ), mỗi đảo được trang bị một vài chiếc radio 12 băng tần của Liên Xô mà bắt sóng Đài Tiếng nói Việt Nam rất khó khăn. 
 
Trong ba lô hành trang của cán bộ, chiến sĩ đi đảo khi ấy thường có các vật dụng không thể nào thiếu đó là: củ, quả (bí đỏ, bí xanh), me khô, men nấu rượu, thuốc lá Mai, thuốc lá Đà Lạt và tem thư. Khó khăn là vậy nhưng cán bộ và chiến sĩ ở đảo cũng có niềm vui riêng. Ngoài thời gian trực chiến, tham gia huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ đi bắt cá biển và các loại hải sản khác như cua, ốc, ngao biển để cải thiện bữa ăn; vì thiếu rau xanh nên cán bộ, chiến sĩ ở đảo biết cách tiết kiệm nước ngọt để trồng rau, như rau muống, rau mồng tơi.
 
Tết đến xuân về, ở đảo không có hoa đào, hoa mai tươi thì bộ đội ở đảo làm hoa đào, hoa mai bằng giấy. Những khó khăn, gian khổ ấy về vật chất (điều kiện sinh hoạt, thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh), về tinh thần (thông tin liên lạc, thư từ..) của cán bộ và chiến sĩ đảo Trường Sa thời ấy đều vượt qua, gợi cho tôi ký ức một thời kỳ đáng tự hào đối với bản thân tôi đã được phục vụ trong quân ngũ ở nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc với sức trẻ trai của người bác sĩ quân y, với cấp bậc từ Trung úy lên Thượng úy. Đây là điều tôi không bao giờ quên.
 
PV: Thời kỳ ấy, cách đây đã gần 30 năm, anh có thể kể hoạt động khám chữa bệnh trên các đảo như thế nào? Có một bước ngoặt trong đời để một bác sĩ quân y nơi đầu sóng ngọn gió rời đảo lên vùng Tây Nguyên, cụ thể là Lâm Đồng công tác?
 
Ấy vậy, mà đã gần 30 năm rồi nhỉ, nhanh thật! Khi ấy hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ở đảo chìm chúng tôi rất đơn sơ. Về con người: có một bác sĩ là tôi, chịu trách nhiệm chung chăm lo sức khỏe cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ ở đảo nơi tôi đóng quân, và có thêm một dược sĩ trung học quân đội lo việc cung cấp và bảo quản thuốc men.
 
Về trang thiết bị y tế thì có bộ tiểu phẫu và trung phẫu tối thiểu để mổ được ruột thừa viêm; ống nghe, huyết áp kế, nhiệt kế để khám bệnh; về thuốc thì có cơ số thuốc kháng sinh như penixilin, streptomycin; thuốc tiêu chảy; thuốc hạ sốt; các vitamin C, B1, B6, B12... Sức khỏe của bộ đội ở đảo thì tương đối tốt, các bệnh chủ yếu hay gặp là cảm sốt thông thường, tiêu chảy do ăn uống và các vết thương chày xước da do đi bắt cá và hải sản.
 
Tháng 5 năm 1992, sau khi tôi phục vụ tăng (lần) thứ hai ở đảo Đá Đông - Trường Sa - Khánh Hòa thì được Bộ Tư lệnh Hải quân điều động tôi về tham gia dự thi bác sĩ chuyên khoa cấp I. Trên đường theo tàu Hải quân ra đảo để giao quân cho đảo và đón quân về đất liền kéo dài hơn một tháng, cho nên khi về tới đất liền thì thời gian tuyển sinh lớp chuyên khoa cấp I đã hết hạn. Lúc này, theo nguyện vọng, Bộ Tư lệnh Hải quân đã giải quyết cho tôi chuyển ngành, tôi xin về Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng. Và từ đó tới nay, tôi được tỉnh cho đi học chuyên ngành về công tác YHCT: bác sĩ định hướng YHCT, bác sĩ chuyên khoa cấp I YHCT, bác sĩ chuyên khoa cấp II YHCT. 
 
PV: Với trải nghiệm của một người bác sĩ - chiến sĩ từng sống, chiến đấu, khám chữa bệnh ở Trường Sa, những ngày tháng Tư lịch sử này, anh muốn gửi gắm điều gì để truyền lửa đến với thế hệ trẻ?
 
Những ngày tháng Tư lịch sử này là ngày đánh dấu non sông đất nước thu về một mối, Bắc -  Nam nối liền một dải, sum họp một nhà. Để có niềm vui này, thế hệ trẻ chúng ta ngày nay cần tri ân thế hệ cha anh đi trước đã không quản gian khổ, khó khăn, thậm chí hy sinh xương máu, tính mạng của mình để giành và giữ đất nước.
 
Thế hệ trẻ ngày nay có điều kiện và xuất phát điểm hơn thế hệ cha anh đi trước, được sống trong môi trường hòa bình, kinh tế đất nước ngày càng phát triển, hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng. Để đền đáp công ơn của thế hệ cha anh đi trước thì thế hệ trẻ ngày nay cần xung kích trên các mặt trận khoa học, công nghệ; kinh tế tri thức và an ninh quốc phòng với tinh thần: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
PV: Xin cám ơn anh đã chia sẻ câu chuyện và chúc cho mong ước được thăm lại Trường Sa sớm trở thành hiện thực!
 
DIỆU HIỀN thực hiện