Tổ hợp tác Lộc Phát tham gia xây dựng nông thôn mới

09:04, 10/04/2017

Từ lúc thành lập đến nay, các thành viên Tổ hợp tác Lộc Phát (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) không chỉ liên kết phát triển sản xuất mà còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Từ lúc thành lập đến nay, các thành viên Tổ hợp tác Lộc Phát (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) không chỉ liên kết phát triển sản xuất mà còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
 
Cải xoong - một trong những cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao của các thành viên Tổ hợp tác Lộc Phát. (Trong ảnh: Bác Vương Tâm đang chăm sóc vườn rau cải xoong gần tới vụ thu hoạch  của gia đình). Ảnh: T.V
Cải xoong - một trong những cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao của các thành viên Tổ hợp tác Lộc Phát. (Trong ảnh: Bác Vương Tâm đang chăm sóc vườn rau cải xoong gần tới vụ thu hoạch của gia đình).
Ảnh: T.V
Được thành lập từ năm 2013, 10 thành viên của Tổ hợp tác Lộc Phát vốn là bà con chòm xóm của nhau. “Trước thực trạng nghề làm nông lúc nào giá cả cũng bấp bênh, được chăng hay chớ, mấy anh em trong xóm chúng tôi quyết đứng ra thành lập tổ hợp tác trồng rau, nhằm tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định hơn” - bác Vương Tâm, Tổ trưởng Tổ hợp tác Lộc Phát cho hay.
 
Theo chia sẻ của các thành viên trong tổ, từ lúc tổ hợp tác ra đời đến nay, nhờ liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, sản phẩm sau thu hoạch đã không còn bị thương lái ép giá, đời sống của bà con vì thế cũng ổn định hơn. 
 
“Trước khi tham gia tổ hợp tác, nói thật, việc mua bán cũng chụp giựt lắm, nông dân cứ mạnh ai nấy trồng, tới khi nào gần bán thì gọi người mua. Giờ thì chúng tôi làm ăn khoa học hơn rồi. Là người thu mua rau xà lách xoong cho bà con nên tôi đầu tư giống, vốn cho các thành viên làm, vì thế, đầu ra cũng chủ động hơn. Còn nấm bào ngư tôi trồng ra cũng được các đại lý thu mua hết” - ông Trần Văn Dũng - thành viên tổ hợp tác nói.
 
Hàng năm, các thành viên trong tổ cũng xuống giống luân phiên theo mùa vụ, chủ yếu là xà lách mỡ, nấm bào ngư… và cải xoong được coi là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao của bà con trong tổ. Theo đó, các thành viên trong tổ đều ký hợp đồng với các công ty, được đầu tư giống, phân và bao tiêu sản phẩm.
 
Cũng theo bác Vương Tâm - Tổ trưởng Tổ hợp tác Lộc Phát, các thành viên của tổ luôn xác định, tham gia xây dựng nông thôn mới trước tiên là bắt đầu từ những việc rất thiết thực, đó là vận động các thành viên tự nguyện tham gia vào tổ hợp tác (thành lập tổ hợp tác cũng là một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới - PV); áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hộ gia đình, chỉnh trang nhà cửa… Đồng thời, các thành viên của tổ cũng luôn đi đầu trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nơi cư trú, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
 
 Ngoài ra, các thành viên trong tổ hợp tác còn tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới như việc năm 2014 đứng ra kéo điện 3 pha vào xóm; năm 2016 đứng ra kêu gọi bà con trong tổ đóng góp tiền cùng với Nhà nước làm đường dẫn vào xóm, đóng tiền kéo điện thắp sáng đường xóm…
 
Đồng thời, trong mô hình dân vận khéo, tổ hợp tác cũng thường xuyên chú trọng đến việc biểu dương, khen thưởng và khuyến khích các mô hình tiêu biểu trong tổ, nhằm nhân rộng cách làm hay và rút kinh nghiệm những việc chưa làm được. “Mỗi tháng, chúng tôi thường ngồi lại với nhau dăm bảy lần. Trước, là để hỏi thăm nhau trong cuộc sống đời thường, sau nữa tới chuyện mô hình sản xuất này hay, mô hình kia chưa đạt... anh em lại đưa ra để cùng bàn luận, trao đổi” - bác Vương Tâm cười vui nói.
 
Cũng nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hàng năm, sau khi trừ các chi phí đầu tư, Tổ hợp tác Lộc Phát đạt lợi nhuận trung bình (từ 2013-2016) là trên 1 tỷ đồng. Riêng trong năm 2016, doanh thu của các thành viên trong tổ đạt trên 2,4 tỷ đồng.
 
THY VŨ