Con chọn smartphone hay truyện cổ tích, vấn đề là ở bạn!

08:05, 22/05/2017

Các sản phẩm công nghệ tân tiến liên tục ra lò đã khiến cho truyện cổ tích không còn là sự lựa chọn đầu tiên trong việc giải trí nơi con trẻ!?

Các sản phẩm công nghệ tân tiến liên tục ra lò đã khiến cho truyện cổ tích không còn là sự lựa chọn đầu tiên trong việc giải trí nơi con trẻ!?
 
Cô giáo Ka Nhụy, giáo viên Trường Mầm non Đinh Trang Thượng (xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh) cho rằng: “Sống trong thời đại của ipad, smartphone, của kết nối toàn cầu, tôi nghĩ chẳng còn gì xưa như... truyện cổ tích”. 
 
“Trẻ con luôn cần có đồ chơi mới. Cho dù là truyện cổ tích thì cũng phải là những truyện... cổ tích hiện đại mới cuốn hút con trẻ”, nhà văn Chu Bá Nam nhấn mạnh.

Theo lời giáo viên này, việc con trẻ không mặn mà với truyện cổ tích cũng là điều dễ hiểu. “Sự thay đổi đó là cần thiết và tất yếu. Bởi, những motif trong truyện cổ tích đã trở nên lỗi thời so với nhận thức của trẻ. Thêm nữa, khoa học - kỹ thuật ngày nay phổ biến và thông dụng đến mức gần như đứa trẻ nào cũng có thể dễ dàng nhận ra tính thiếu logic trong những câu chuyện cổ tích. Một trong những tính thiếu logic khoa học nơi truyện cổ tích là ở cách giải quyết mọi chuyện theo kiểu có bàn tay can dự của thần thánh”, giáo viên Nhụy lập luận.

 
Cũng theo cô giáo Nhụy, một nguyên nhân khác có tính chất quyết định đến việc con trẻ không còn thích truyện cổ tích nữa là vì ngày nay trẻ có quá nhiều sự lựa chọn trong việc giải trí. Thay vì ngồi hàng giờ để nghe bà, nghe mẹ kể những câu chuyện xửa chuyện xưa như trước thì nay trẻ chỉ cần quẹt nhẹ ngón tay trên màn hình smartphone là lập tức cả thế giới giải trí đã nằm gọn trong tầm tay. Chưa hết, những trò giải trí mới này, đã đa dạng, phong phú, lại còn thay hình, đổi dạng liên tục, nên luôn luôn kích thích sự tò mò nơi con trẻ. 
 
Tuy nhiên, thầy giáo Lê Ngọc Phương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (xã Gia Hiệp, huyện Di Linh), không nghĩ như vậy: “Nói công nghệ phát triển khiến trẻ không còn thích truyện cổ tích nữa là hoàn toàn thiếu căn cứ. Bằng chứng là hai cô con gái của tôi vẫn thường xuyên bắt bố đọc truyện cổ tích trước khi đi ngủ đấy thôi. Mà chúng có từ chối “xài” các thiết bị công nghệ đâu!”. 
 
Theo thầy giáo Phương, ở một góc độ nào đó, những câu chuyện trong truyện cổ tích vẫn đầy sức mê dụ, khơi gợi trí tưởng tượng nơi con trẻ về một thế giới cổ tích, đẫm tính nhân văn cao thượng. 
 
Nhà văn Chu Bá Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng thì chia sẻ: “Bây giờ, sách cũng chỉ là một kênh giải trí của trẻ, chứ không phải kênh duy nhất như trước kia. Trong khi đó, sách lại đang lép vế hoàn toàn trước các thiết bị công nghệ. Thế nên, truyện cổ tích “thất thủ” trong việc thuyết phục trẻ so với smartphone cũng không có gì là khó hiểu”. 
 
Theo nhà văn Chu Bá Nam, trong sự “thất thủ” đó, truyện cổ tích cũng có một phần... lỗi. “Thứ nhất, tính giải trí (hình thức in ấn, tranh vẽ hoặc hình minh họa, chất lượng giấy...) của các cuốn sách truyện cổ tích đã được xuất bản chưa cao. Thứ nữa, các truyện cổ tích bao năm rồi vẫn giữ nguyên một motif cũ, nên thiếu sức hấp dẫn. Nếu muốn thuyết phục được trẻ, truyện cổ tích nhất thiết phải đổi mới cách thể hiện: bằng văn phong, bằng chi tiết, bằng hình ảnh... để tăng sức cuốn hút. Bên cạnh đó, những người làm sách cũng cần tìm cách làm sao cho những câu chuyện cổ tích hấp dẫn hơn, phù hợp hơn với thời đại, để trẻ dễ tiếp cận và chấp nhận. Tất nhiên, nội dung truyện vẫn phải được giữ nguyên, tránh bị cải biến”, nhà văn Chu Bá Nam nói.  
 
Từ những chia sẻ trên, nhà văn Chu Bá Nam kiến giải: các nhà văn hiện đại thử nghĩ đến việc sáng tạo một loại... cổ tích hiện đại, cốt sao đề cập được nhiều vấn đề thời đại, nhưng dưới cái vỏ bọc của khoa học viễn tưởng chẳng hạn, để phù hợp hơn với “khẩu vị” trẻ hiện đại. 
 
Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Đình Chắt, nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt cũng thừa nhận, smartphone đang chiếm ưu thế so với sách. Song, nhà tâm lý học này lại không nghĩ công nghệ đang góp phần... ngăn cản con trẻ đến với truyện cổ tích: “Con chọn smartphone hay truyện cổ tích, vấn đề là ở bạn! Bởi, xét trên đại thể, trẻ hôm nay và trẻ ngày trước không có sự khác biệt lớn nào về mặt tâm sinh lý. Do vậy, nếu bạn muốn tạo ra những đứa trẻ sống lãnh cảm, tự kỷ, thì để mặc trẻ với những chiếc smartphone. Còn như bạn muốn tạo ra những đứa trẻ sống biết yêu thương, thì hãy trao cho trẻ những cuốn sách và tất nhiên là có cả những cuốn sách về truyện cổ tích để tạo nền tảng cho phần hồn của trẻ”, tiến sĩ Chắt nói.
 
TRỊNH CHU