Gian khổ... để sóng cuốn đi

09:05, 26/05/2017

Đảo chìm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Len Đao. Trước khi vào đảo, đoàn đã neo tàu tổ chức lễ tưởng niệm để khắc ghi sự kiện và tưởng niệm 64 chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh để giữ và bảo vệ cụm đảo chìm Len Đao, Cô Lin và Gạc Ma... 

[links()] “Đầu đội trời, chân đạp biển” - đó là cách mô tả ngắn gọn về cuộc sống của lính đảo chìm. Trong số 7 đảo chìm chúng tôi đến thăm, đảo Len Đao, Tốc Tan và Núi Le, là ba đảo có điều kiện sống còn khó khăn, gian khổ. Nước ngọt, điện năng lượng mặt trời, thực phẩm... cơ bản đủ dùng, nhờ sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật và biết tiết kiệm. Nhưng, có một thứ mà đảo chìm luôn “dư thừa”, đó là bão giông và nắng lửa!
 
Đảo chìm hiện ra như một chấm nhỏ giữa biển khơi. Ảnh: N.Nghĩa
Đảo chìm hiện ra như một chấm nhỏ giữa biển khơi. Ảnh: N.Nghĩa
Đảo chìm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Len Đao. Trước khi vào đảo, đoàn đã neo tàu tổ chức lễ tưởng niệm để khắc ghi sự kiện và tưởng niệm 64 chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh để giữ và bảo vệ cụm đảo chìm Len Đao, Cô Lin và Gạc Ma... 
 
Nơi tàu chúng tôi neo lại, chính là nơi các anh đã gửi hồn mình vào lòng biển cả vì mệnh lệnh trái tim khi làm nhiệm vụ canh giữ biển, đảo quê hương. Tên của các anh được xướng lên nghèn nghẹn vì xúc động của Đại tá Phạm Văn Luyện (Học viện Hải Quân). Không gian lắng đọng. Chỉ còn nghe nhịp đập của trái tim hòa cùng con sóng vỗ phía mạn tàu. Kìm nén cảm xúc, Đại tá Luyện đã kể lại câu chuyện chiến đấu dũng cảm của 64 chiến sỹ 30 năm về trước trên chính vùng biển này.
 
Tôi lén nhìn quanh, rất nhiều giọt nước mắt đã rơi trên những khuôn mặt bắt đầu nhuốm màu nắng gió biển khơi của đoàn sau 5 ngày lênh đênh trên biển. Những giọt nước mắt tan theo gió biển, đến với các anh không chỉ mang theo lời tri ân, mà còn là tình cảm đậm sâu của đất liền gửi đến 64 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến bất ngờ và không cân sức với kẻ thù ngày hôm ấy. Các anh đã về với biển, nhưng hình ảnh các anh vẫn luôn sống mãi trong lòng con dân đất Việt, mãi sống trong lòng của biển cả Tổ quốc yêu thương.
 
Trong không khí ấy, mỗi người trong chúng tôi đều tự hứa, sẽ đoàn kết thống nhất ý chí để tiếp tục thay các anh gìn giữ, xây dựng biển, đảo quê hương, để sự hy sinh của các anh không bao giờ vô nghĩa.
 
Lá cờ đỏ sao vàng và những đóa hoa ngậm hương đất liền thả xuống ngày hôm ấy được biển ôm trọn vào lòng. Từng con sóng nhẹ cuộn theo gió vỗ về, tiếng sóng như tiếng của những người lính vọng về từ lòng biển. Phút giây ấy, nhịp của biển cả đã hòa cùng nhịp trái tim... 
 
Nương theo những ngọn sóng biển, thuyền máy đưa chúng tôi vào đảo Len Đao, đi ngang bãi đá ngầm, được tận mắt nhìn ngắm con thuyền huyền thoại đã cùng với các chiến sỹ anh dũng chiến đấu và đã dũng cảm hy sinh để đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Sự dũng cảm, mưu trí của các anh đã góp phần bảo vệ đảo Len Đao. Con tàu đơn sơ ấy đang bị rỉ sét do vị mặn của biển nhưng vẫn nằm đó suốt 30 năm qua, uy nghi và kiêu hãnh vươn mũi về phía đầu sóng, như lời khẳng định của những người lính đảo “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
 
Len Đao hiện ra như một dấu chấm nhỏ giữa biển khơi. Nắng tháng Tư như đổ lửa theo mỗi bước chân trên đảo. Để tránh cái nắng cháy da, chúng tôi phải liên tục di chuyển. Vậy nhưng, giữa thời tiết khắc nghiệt ấy, ngay cạnh lô cốt có khẩu pháo đang hướng thẳng ra biển và chú lính đảo trong bộ quân phục hải quân đứng gác trên tầng 2 là chậu hoa giấy đang đỏ rực. Cạnh đó là vườn rau cải đắng và giàn mồng tơi xanh mướt. Cây mồng tơi có lá to bằng bàn tay đang uốn mình theo thân cây tre khô vươn ngọn hướng ra biển. Giữa khu nhà xây hình trụ quét sơn vàng cao chừng hơn trăm mét, vách dày khoảng 20 cm, rộng chừng trăm mét vuông, nằm trên bãi san hô luôn ngập trong nước biển ấy, vườn rau và chậu bông giấy có thể là điều duy nhất giúp các chiến sỹ cảm thấy dịu mát giữa cái nắng oi nồng.
 
Mỗi đảo chìm chỉ biên chế hơn chục chiến sĩ. Muốn nhiều hơn cũng không thể, bởi diện tích sử dụng ở mỗi đảo chỉ độ hơn trăm mét vuông. Tính ra, mỗi chiến sỹ đảo chìm chỉ được sử dụng khoảng 3 - 4 mét vuông cho việc ăn, ở, sinh hoạt,... và không được sơ ý vì nguy cơ rơi xuống biển. Cách rèn luyện thể lực ở đây chỉ là tập xà đơn, hít đất và đấm bốc. 
 
“Tuy điều kiện hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, nhưng vật chất với lính đảo bây giờ cũng cơ bản đầy đủ. Rau xanh đủ ăn quanh năm, thông tin về kinh tế - xã hội và tình hình chính trị trong nước cũng như thế giới thì đất liền biết lúc nào chúng em cũng nghe được vào lúc đó, thông qua truyền hình vệ tinh vinasat. Mạng di động cũng đã phủ sóng tới đảo, nên thông tin về gia đình, người thân cũng không phải chờ đợi hàng mấy tháng trời theo những cánh thơ gửi theo tàu biển như ngày xưa nữa.” - chiến sỹ Nguyễn Văn Tuân (22 tuổi), tươi cười liệt kê, như muốn xoá tan câu hỏi chất chứa sự “thương cảm” của chúng tôi về cuộc sống nơi đảo chìm. 
 
Tham quan phòng thư viện nhỏ của đảo, tò mò lật vài trang trong cuốn “Sổ tâm tình” xếp cạnh những cuốn sách đã sờn gáy, tôi bắt gặp rất nhiều bài thơ, lời thổ lộ đầy xúc động nhưng vô cùng lạc quan về nỗi nhớ nhà, nhớ ánh đèn phố thị và nhớ những cô bạn gái của chiến sỹ trẻ. Họ là thế, khó khăn, thiếu thốn về điều kiện sống, cơ sở vật chất đều trở thành nhỏ bé. Khó khăn, gian khổ chỉ “tôi” thêm niềm kiêu hãnh của những chàng lính đảo. 
 
Giàn mồng tơi xanh ngát vươn ra biển. Ảnh: N.Nghĩa
Giàn mồng tơi xanh ngát vươn ra biển. Ảnh: N.Nghĩa
Quả thật, cuộc sống ở đảo chìm thật sự là nơi để tôi luyện tinh thần và ý chí của chiến sỹ Hải quân. Đại tá Lê Xuân Thủy - Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân cho biết: Vào mùa mưa bão, các đảo chìm luôn phải đối mặt với những cơn sóng cao vài chục mét. Đảo nào đã được đầu tư xây dựng hệ thống chắn sóng thì còn đỡ. Ở những đảo như Tốc Tan, Len Đao và Núi Le, cơ sở hạ tầng còn khá đơn sơ, thì mùa bão là mùa “diễn tập” chiến đấu. Bởi lúc đó, anh em ngoài việc tăng cường canh gác bảo vệ đảo, tìm cách che chắn để nước biển không ập vào nhà, bảo vệ các thiết bị quân sự, đồ điện máy gia dụng, vườn rau xanh,... còn phải làm nhiệm vụ quan trọng là túc trực sẵn sàng ra khơi hỗ trợ ngư dân gặp bão và lai dắt tàu vào vùng an toàn, bảo vệ tài sản cho dân. Và, ở tất cả các đảo chìm chúng tôi đến là Núi Le, Tốc Tan, Len Đao, Phan Vinh, Đá Tây... đều có những tấm gương các chiến sỹ tham gia tốt công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Có cả những tấm gương chiến sỹ vì bảo vệ, giúp đỡ ngư dân đã ngã xuống giữa biển khơi. 
 
Gian khổ, khó khăn giống như những ngọn sóng ngầm, tưởng êm đềm nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể nổi lên rồi đổ ập vào đảo, nếu không biết cách khắc chế nó.
 
Thế nhưng, cả những sỹ quan hải quân lẫn những người lính trẻ trên đảo chìm khi trò chuyện với chúng tôi đều tự tin: “Ở đây đã quen, nên chúng tôi có thể “đọc vị” được độ nông, sâu và dữ dội của biển và của trời. Hiểu được cả hướng gió, hướng sóng mỗi mùa. Vườn rau cũng nhờ thế mà luôn được di chuyển hợp lý, luôn xanh tốt như chị thấy” - Chính trị viên đảo Len Đao tự hào kể.
 
Đứng trên tầng hai của căn nhà nhỏ giữa biển, gió lồng lộng thổi xua đi cái nóng hầm hập. Một chiến sỹ hải quân chỉ cho chúng tôi hướng nhìn về phía đảo của ta đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Sự hiểm nguy và cạm bẫy vẫn luôn rình rập. Chúng tôi càng có dịp suy ngẫm nhiều hơn về những mối hiểm nguy khác ngoài sự mênh mông, khắc nghiệt và hung hãn của biển cả, để thấy rằng, những lô-cốt nhỏ màu vàng phấp phới lá cờ đỏ sao vàng như dấu chấm nhỏ đang tồn tại trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, mới kiên cường và oai dũng biết bao!
 
Ở đó, mọi hiểm nguy, gian khổ... để sóng cuốn đi.
 
CÒN NỮA
 
Ghi chép: NGUYỄN NGHĨA