Về sự tồn vong của báo in trước cơn bão tin học

09:06, 15/06/2017

Thoạt nhìn nhan đề cuốn sách xinh xắn bỏ quên trên giá sách gần hai chục năm, tôi bật cười: Báo in, một phương tiện thông tin cho ngày mai. Nhận thức lỗi thời hay cố tình khích bác?

Thoạt nhìn nhan đề cuốn sách xinh xắn bỏ quên trên giá sách gần hai chục năm, tôi bật cười: Báo in, một phương tiện thông tin cho ngày mai. Nhận thức lỗi thời hay cố tình khích bác?
 
Lật xem lướt các trang bên trong, càng đọc càng ngẫm ngợi. Đâu phải chuyện đùa! Cuốn sách “in chơi” dành làm tặng phẩm, không đánh số trang, không ghi giá bán, thực hiện nhờ công sức của những người làm tình nguyện và tiền tài trợ của các Mạnh Thường Quân. Những ý tưởng ngắn gọn qua thủ bút cùng chữ ký của hơn một trăm nhân vật lừng danh trong giới xã hội, văn hóa, tôn giáo, chính trị Pháp ngữ - các nhà báo tự nguyện nhường bước về vấn đề nóng này của truyền thông. Sách in tại Quebec nước Canada, nhưng được quảng bá nhân Đại hội toàn cầu thứ 18 của Liên hiệp quốc tế Báo chí theo đạo Kitô họp tại Hội trường lớn của UNESCO Paris từ ngày 11 đến 20/9/1998, tức thời điểm sắp bước sang thiên niên kỷ mới, khi Internet bắt đầu làm mưa làm gió trong thế giới văn hóa, tinh thần của nhân loại. Sách được trình bày chăm chút, hiện đại, in nhiều màu trên hai loại giấy quý Centaure Ivoire màu ngà và Rives Design màu ghi sáng, quà biếu của hãng Ajomari Diffusion.
 
Ông Pierre Canette, Tổng Thư ký của FFPC (Liên đoàn Báo chí Pháp theo Kitô giáo, bao gồm hầu hết báo chí toàn quốc và địa phương theo quan điểm này) viết tại Lời đầu sách: “Báo chí online có thể bỏ qua phương tiện giấy mà chỉ dùng phương tiện điện tử. Những tờ báo mua tại quầy hay gửi đến tận nhà được các nhà tin học chộp lấy luôn, đọc và sửa chữa qua màn hình trước khi dàn trang và quảng bá dưới dạng điện tử. Rõ ràng vị trí của giấy trong thế giới thông tin đã thay đổi, giấy in mất hẳn quyền bá chủ tuyệt đối của nó rồi.
 
Vậy thì nên chăng từ nay, giống như vào thời bùng phát của phát thanh và truyền hình trước đây, tiên báo sự chấm dứt của tờ giấy với tư cách phương tiện thông tin? Hay là bỏ qua những ý tưởng dựa trên các quan điểm đối đầu hoặc thay thế mà gợi lên những ý tưởng như bổ sung cho nhau, chuyên sâu hơn nữa, căn cứ vào đặc trưng và thiên hướng riêng biệt của mỗi loại hình?
 
Báo viết (Báo in, theo định nghĩa của Luật Báo chí 2016, “là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, tranh, ảnh, thực hiện bằng phương tiện in…”. Tiếng Pháp dùng La pressse écrite, có thể hiểu nhấn mạnh phần “chữ viết”. Trong bài, chúng dùng cả báo in và báo viết), một phương tiện thông tin cho ngày mai? Vâng, chắc chắn là như vậy, bởi chính sự phát triển của màn hình và ngọn triều tin học đang xác nhận, tái khẳng định, đổi mới vai trò và trách nhiệm của báo in”.
 
Thủ bút của nhà văn Claude Michelet
Thủ bút của nhà văn Claude Michelet
Chúng tôi xin giới thiệu sau đây ý kiến phát biểu (lược dịch) cùng bút tích và chữ ký của một số “nhà” trong cuộc.
 
Mở đầu, Giáo sư Maurice Abiven (Sách xếp thứ tự theo vần ACB tên người phát biểu), Chủ tịch danh dự Hội y học chăm sóc người mắc bệnh nan y, hình như hơi cáu: “Tương lai của báo viết? Nhưng có thể hình dung sự tiêu vong của nó chăng? Nếu vậy thì tất cả chúng ta đều là những người “mất trí” cả rồi!”.
 
Ông bà Raymond và Lucie Aubrac, Anh hùng kháng chiến Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai: “Con chủ bài tốt nhất của dân chủ là báo in, phương tiện chuyển tải thông tin chặt chẽ, thông qua nghĩ suy, độc lập trước mọi quyền lực. Một khi nhà báo không tôn trọng các giá trị ấy, các quyền tự do của con người ắt lâm nguy”.
 
Ông Michel Bon, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Hãng Truyền thông Pháp Telecom có cách nghĩ khác: “Xã hội thông tin là một cơ may đối với báo viết. Do những cơ hội nó mang lại cho các nhà báo và nhà biên tập. Do sự cần thiết ngày càng tăng về nhu cầu chọn lọc và chức năng soi sáng của thông tin mà xã hội ấy kiến tạo nên”.
 
Trong khi Đại tướng Philippe Morillon, cựu Tư lệnh các lực lượng của Liên Hợp Quốc bảo vệ người dân trong cuộc chiến tại vùng Balkan, quả quyết theo cung cách nhà binh: “Một mệnh lệnh, có thể ra bằng lời, một nhiệm vụ, phải viết ra giấy. Người lính phải suy ngẫm qua việc đọc văn bản, mới thấu hiểu hết tinh tuý cái sứ mệnh cấp trên giao phó”, thì Đức Hồng y Roger Etchegaray, Tổng Giám mục địa phận Marseille, cựu Quốc vụ khanh Pháp phụ trách Hành động nhân đạo, phát biểu văn hoa: “Chúng ta có thể nghe phát thanh, chúng ta có thể xem truyền hình, nhưng nếu muốn hiểu sâu thời cuộc, tôi thiết nghĩ không bao giờ không cần đến báo in”. “Tùy thuộc vào các thời đại và các nền văn minh, lời nói và chữ viết từng nối tiếp nhau hoặc chồng lấn lên nhau với mục đích phát hiện con người cũng như sự dấn thân của con người (...) Báo viết làm sống động và nối dài “con mắt đang nghe” (Paul Claudel,1868-1955, nhà thơ nổi tiếng), chúng ta mãi mãi vẫn cần đến nó”.
 
Đức Hồng y Pierre Yet, Tổng Giám mục địa phận Bordeaux phân tích: “Những hình ảnh truyền hình cuốn hút, lời nói qua phát thanh bay bổng, thông tin đa phương tiện gửi thông điệp đến mọi người mà những người nhận được chẳng có cách nào kiểm tra thông điệp đó là thực hay ảo. Vì vậy chúng ta cần phải có báo in để có thông tin chuẩn xác, mở rộng, đi sâu, đã qua kiểm tra. Cái trách nhiệm không có phương tiện thông tin nào vượt qua nổi của báo viết chính là ở chỗ đó”.
 
Nhà văn Jean-Yves Calvez ngắn gọn hơn: “Chữ viết kìm giữ sự chú ý của con người khác với tiếng nói. Chữ viết vượt lên thời gian. Chữ viết mang tính tổng hợp, bạn có thể trong chốc lát ẵm luôn cả trang in vào đầu óc mình”. 
 
Cựu Thủ tướng Pháp Raymond Barre phát biểu hơi dài, để cuối cùng chốt lại: “Ủng hộ báo in (vào thời điểm này) có thể bị coi là lội ngược dòng. Nhưng báo in là căn cốt của một xã hội ước mong bảo tồn các giá trị Tinh thần” (Tiếng Pháp L’Esprit viết hoa, có thể hiểu Tinh thần, trí tuệ, thần linh, tài trí, tài hoa, tinh anh, dí dỏm, cái hồn của vật… - Từ điển Pháp Việt, Nxb Khoa học xã hội, 1992).
 
Bà Francoise Verny, nhà văn, nhà viết kịch bản và phê bình văn học: “Báo viết không tự bằng lòng với việc bày tỏ. Báo viết lý giải, phát triển, kéo dài. Nó là thời sự có độ dài thời gian chứ không phải chỉ đến rồi đi trong khoảnh khắc”.
 
Nhà xã hội học và nhân chủng học Georges Balandier, làm việc tại Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS): “Báo viết vẫn sống. Thiếu nó, ảo tưởng cùng các mưu đồ gian trá tha hồ lộng hành. Báo in ngày mai sống còn hùng mạnh hơn hôm nay, nguy cơ đối mặt sự tiêu vong sẽ tiếp thêm sức cho nó. Báo in sẽ đóng vai chủ trì những cuộc tranh luận trong ngày mai, và đó là phương thuốc duy nhất chữa các chứng bệnh luận bình theo lối cơ hội chủ nghĩa”.
 
Pierre Hassner, công tác tại CNRS, Giáo sư môn quan hệ quốc tế Trường cao học về khoa học xã hội EHESS Paris: “Báo viết dẫn tới hai động tác mà không một loại hình thông tin nào khác có thể có, là đọc lại và so sánh (…). Báo viết là loại hình duy nhất bảo vệ các quyền con người về tư duy phân tích và suy ngẫm qua phản biện”.
 
Ông Roland Parrot, phụ trách truyền thông của Đại hội đồng các Giám mục bang Québec, Canada: “Báo in là phương thức ngôn luận tinh tế của tư duy, nó thúc đấy cách thông tin đào sâu suy nghĩ, tinh tế, nhiều màu sắc, có chất lượng cao (…). Hơn bao giờ hết, báo in ngày nay có nghĩa vụ phục vụ dân chủ, đấu tranh chống mọi xuyên tạc thông tin, lên án bạo lực đang tăng và thúc đẩy hòa bình thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”.
 
Nhà xã hội học Dominique Schnapper, Giám đốc tại Trường cao học EHESS: “Các phương tiện thông tin đại chúng khác ngoài báo in đều không thuận cho lao động tư duy, một công việc chỉ có thể làm chậm và sâu. Chúng ta có mỗi một điều tiếc là thời gian qua đã quá nhiều lần thay thế sách, một công việc đòi hỏi phải có thời gian và nhiều nỗ lực. Nhưng nếu đến lượt mình, báo in bị thay thế bởi truyền thông nóng qua công nghệ tin học, thì có thể đó là sự kết thúc của mọi tư duy”.
 
*
 
Khuôn khổ bài báo không cho phép trích dẫn nhiều hơn. Ý kiến phát biểu nào cũng uyên thâm, mang dấu ấn riêng, đặc sắc trong đa dạng, mặt khác cùng một lúc giới thiệu hơn một trăm phát biểu thì nội dung khó tránh trùng lặp nhau về mặt này mặt khác. Cũng xin phép được miễn luận bình. Đằng nào thì sự việc diễn ra đã hai mươi năm về trước, từ bấy đến nay toàn cảnh truyền thông thế giới đã có những bước phát triển mà chẳng mấy ai hồi đó hình dung nổi. Cái thú vị tựu trung là ở chỗ, hơn một trăm danh gia gặp nhau ở mấy điểm căn cốt, cùng lên tiếng tôn vinh báo viết, cùng chia sẻ niềm tin vào sự trường tồn của nó, và cùng nhấn mạnh ý: Muốn báo in trường tồn, các nhà báo cần nâng cao trách nhiệm và đạo đức hành nghề.
 
PHAN QUANG