Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường

09:07, 04/07/2017

Nghị định (NĐ) số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) và Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản mới đây đã được Sở TN&MT, Sở Tư pháp Lâm Đồng và Công ty Cổ phần Đầu tư PCI phối hợp tổ chức tập huấn cho hơn 100 đại biểu là cán bộ, công chức các UBND cấp huyện, lực lượng công an, lãnh đạo và viên chức chuyên trách các doanh nghiệp. 

Nghị định (NĐ) số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) và Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản mới đây đã được Sở TN&MT, Sở Tư pháp Lâm Đồng và Công ty Cổ phần Đầu tư PCI phối hợp tổ chức tập huấn cho hơn 100 đại biểu là cán bộ, công chức các UBND cấp huyện, lực lượng công an, lãnh đạo và viên chức chuyên trách các doanh nghiệp.  
 
Các đại biểu tập trung lắng nghe và sôi nổi thảo luận các nội dung của Nghị định. Ảnh: M.Đạo
Các đại biểu tập trung lắng nghe và sôi nổi thảo luận các nội dung của Nghị định. Ảnh: M.Đạo
Nhiều điểm mới được quy định chi tiết và cụ thể 
 
Điểm mới của NĐ 155 bao gồm các nội dung: Tăng mức phạt xả nước thải vượt quy chuẩn Việt Nam từ 10-50% của khung phạt; kết quả quan trắc tự động được làm căn cứ để xác định hành vi xả thải; thực hiện không đúng nội dung Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng làm cho môi trường tốt hơn thì không phạt... Về quy định kiểm tra, thanh tra bảo đảm nguyên tắc: không chồng chéo; không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cá nhân, tổ chức; một năm chỉ có một đoàn kiểm tra, thanh tra, trừ trường hợp đột xuất. 
 
Về khung hình phạt, tổ chức bị phạt gấp hai lần đối với cá nhân và mức cao nhất là 1 tỷ đồng, 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Về thời hiệu xử phạt chỉ trong vòng 2 năm; thời hạn ra quyết định xử phạt là 7 ngày kể từ ngày lập biên bản. 
 
Thẩm quyền xử phạt, bao gồm: Người có thẩm quyền xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT đang thi hành công vụ; công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ BVMT của Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT, Phòng TN&MT; công chức đang thi hành nhiệm vụ BVMT của các bộ, cơ quan ngang bộ; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đang thi hành nhiệm vụ BVMT trên địa bàn quản lý. Lưu ý, UBND cấp xã hay Ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên phải có quyết định giao nhiệm vụ BVMT cho cá nhân trực thuộc...
 
Đối với hành vi xử phạt VPHC về BVMT, NĐ 155 quy định rất cụ thể và chi tiết từng hành vi, trong đó, chia ra các nhóm hành vi vi phạm các quy định về: thực hiện kế hoạch BVMT, thực hiện báo cáo ĐTM và dịch vụ tư vấn lập báo cáo ĐTM, thực hiện đề án BVMT, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà không có kế hoạch BVMT hoặc báo cáo ĐTM, xả nước thải có chứa các thông số môi trường, thải bụi hoặc khí thải, tiếng ồn, độ rung. Đó còn là hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp; vi phạm các quy định liên quan đến chất thải nguy hại .v.v...
 
Tại NĐ số 33, quy định những VPHC trong lĩnh vực tài nguyên nước gồm những vi phạm các quy định về: điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hồ chứa và vận hành hồ chứa; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các vi phạm khác trong quản lý tài nguyên nước. VPHC trong lĩnh vực khoáng sản gồm những vi phạm các quy định về: thăm dò, khai thác khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; sử dụng số liệu, thông tin kết quả điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; kỹ thuật an toàn mỏ và các vi phạm khác trong lĩnh vực khoáng sản.  
 
Đánh giá cao Nghị định mới
 
Trao đổi với ông Châu Văn Sỹ - Giám đốc Công ty TNHH OLAM Việt Nam Chi nhánh Lâm Đồng cho biết: Công ty không chỉ bố trí lãnh đạo mà còn cử các nhân viên chuyên trách cùng đi tham dự tập huấn. Theo ông Sỹ, NĐ 155 và 33 rất quan trọng và rất thực tế, tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến doanh nghiệp, tác động mạnh mẽ đến môi trường và cả cộng đồng, và cũng tác động mạnh mẽ đến uy tín Công ty trên thế giới. “Tôi tán thành cách tổ chức, báo cáo viên báo cáo một cách tổng quan, dễ theo dõi, dễ định hình và đã đi vào những từ ngữ cần làm rõ mà trên thực hành hay bị vướng ở Lâm Đồng. Báo cáo viên đi thẳng vấn đề, không văn hoa, không dài dòng kể lể”, ông Sỹ nhận xét. Giám đốc Châu Văn Sỹ cũng bày tỏ sự vui mừng vì buổi tập huấn còn có cả những cán bộ chuyên trách thực thi công vụ của ngành TN&MT, Công an nên đã được khuyến cáo, hướng dẫn trong không khí ủng hộ, giúp đỡ doanh nghiệp như tinh thần của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Theo ông Sỹ, sắp tới, Công ty OLAM tiếp tục đầu tư tốt hơn nữa, và sẽ điều chỉnh ngay những việc gì chưa làm tốt như Nghị định đã quy định. Cùng đó, người lao động sẽ được phổ biến sâu nội dung của Nghị định để cùng thực hiện một Nhà nước pháp quyền thật sự. Đối với cộng đồng, ông Sỹ cho rằng, nên phổ biến thường xuyên liên tục hàng ngày, nhất là đối tượng thế hệ trẻ. 
 
Cũng tham gia buổi tập huấn, Phó Phòng TN&MT huyện Đạ Tẻh Nguyễn Thị Hoa Tài cho biết: Hầu hết cán bộ viên chức trong phòng đều mong muốn có buổi tập huấn để hiểu rõ và được giải đáp thắc mắc các vấn đề liên quan đến vi phạm, xử phạt... về lĩnh vực BVMT. Buổi tập huấn giải đáp các thắc mắc thỏa mãn, có chất lượng; tuy nhiên, đề nghị thời gian nhiều hơn để tăng thời lượng trao đổi. “Sau tập huấn, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, theo hướng giúp cho doanh nghiệp mà không lách luật. Cán bộ sẽ xử lý tốt hơn, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo huyện và phối hợp với phòng tư pháp tổ chức tập huấn cho các xã, thị trấn để thực hiện như NĐ quy định”, bà Tài nói.  
 
Là những người trực tiếp trả lời các thắc mắc, ông Lương Văn Ngự - Phó Giám đốc Sở TN&MT và ông Nguyễn Thanh Trì - Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp đều thừa nhận sự nghiêm túc, có trách nhiệm cao của người tham dự... Ông Lương Văn Ngự cũng công bố địa chỉ email và số điện thoại của Sở TN&MT Lâm Đồng để tiếp tục nhận và trả lời những thắc mắc, câu hỏi liên quan đến BVMT của các tổ chức, cá nhân. Với các chế tài xử phạt nghiêm khắc, NĐ 155 và 33 sẽ là công cụ hữu hiệu, đáp ứng yêu cầu của công tác BVMT trong tình hình mới, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật. 
 
MINH ĐẠO