Công ty Nhôm Lâm Đồng hoàn toàn làm chủ công nghệ

02:08, 18/08/2017

Sau 3 năm lỗ theo kế hoạch thì trong 6 tháng đầu năm 2017, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã bắt đầu có lãi 50 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy, sự phấn đấu không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty để từng bước làm chủ công nghệ trong dây chuyền vận hành sản xuất của Dự án.

Sau 3 năm lỗ theo kế hoạch thì trong 6 tháng đầu năm 2017, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã bắt đầu có lãi 50 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy, sự phấn đấu không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty để từng bước làm chủ công nghệ trong dây chuyền vận hành sản xuất của Dự án. Đặc biệt, đội ngũ CBCNV của Công ty đã có nhiều đề tài, sáng kiến hữu ích được áp dụng vào thực tế giúp Công ty thu lợi hàng tỷ đồng.
 
Trụ sở Công ty Nhôm Lâm Đồng
Trụ sở Công ty Nhôm Lâm Đồng

Những sáng kiến hữu ích
 
Tiếp chúng tôi, ông Tường Thế Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng cầm trên tay tập tài liệu dày với hơn 100 đề tài, sáng kiến được đội ngũ CBCNV trong Công ty dày công nghiên cứu. Theo ông Hà, tất cả đều là những đề tài, sáng kiến hữu ích được nghiên cứu, đúc rút từ thực tiễn. Trong đó, có nhiều đề tài, sáng kiến đã được áp dụng vào thực tế vận hành, sản xuất của Dự án Bauxite Tân Rai và mang lại hiệu quả cao. Cùng với đó, nhiều đề tài, sáng kiến cũng đang được các kỹ sư trong Công ty gấp rút hoàn thiện để trình Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương công nhận để áp dụng vào thực tế. 
 
Ông Hà cho biết: “Cả Dự án Bauxite Tân Rai có thể nói là một cỗ máy khổng lồ, lại là công nghệ mới, nên thời gian đầu công tác vận hành gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần ham học hỏi, ý chí dám nghĩ dám làm, cho đến nay, tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty đã hoàn toàn làm chủ công nghệ. Trong quá trình vận hành, các kỹ sư của Công ty đã luôn sáng tạo trong xử lý kỹ thuật và nghiên cứu nhiều đề tài, sáng kiến hữu ích để áp dụng vào thực tế”.
 
Có thể kể ra 3 đề tài, sáng kiến tiêu biểu như: Sáng kiến cải tiến hệ thống hoạt động của các máy lọc đĩa Khu kết tinh từ mô hình kết nối với 2 bồn kết tinh sang kết nối với 3 bồn kết tinh làm lợi mỗi năm gần 360 triệu đồng. Trong dây chuyền sản xuất alumin, công đoạn kết tinh mầm, để đảm bảo khi cách ly từng bồn kết tinh số 4 hoặc số 5 làm vệ sinh định kỳ, các kỹ sư của Công ty đã thiết kế thêm hệ thống dẫn mầm thô từ các máy lọc đĩa sang bồn kết tinh tiếp theo, đảm bảo cung cấp đủ lượng mầm thô cần thiết cho Khu kết tinh. Nhờ vậy, không phải giảm tải sản xuất của Nhà máy Alumin trong thời gian dừng bồn kết tinh số 4 hoặc 5 để vệ sinh, ngoài ra còn giảm được chi phí vệ sinh làm sạch do thay đổi phương pháp làm sạch.
 
Thứ hai là sáng kiến cải tiến hệ thống bơm tuần hoàn các bồn lắng rửa khi dừng sản xuất Nhà máy Alumin làm lợi gần 400 triệu đồng mỗi năm cho Công ty. Với giải pháp bơm tuần hoàn lượng bùn bên trong của từng bồn, lượng vật chất trong các bồn của công đoạn lắng rửa được bảo toàn, không phải bơm bùn đỏ ra Hồ bùn đỏ gây thất thoát kiềm và xút khi dừng dây chuyền sản xuất để làm sạch và sửa chữa thiết bị. Nhờ vậy, các chỉ số công nghệ khác không thay đổi, không xảy ra hiện tượng lắng bám ở đáy bồn và đường ống; giảm thời gian khôi phục vận hành lại quy trình sản xuất.
 
Đặc biệt là sáng kiến xây dựng hệ thống thải bùn ở Nhà máy tuyển quặng bằng phương pháp thải bùn trên kênh lắng trên bề mặt địa hình đã khai thác quặng. Sáng kiến này giúp làm lợi trong năm áp dụng đầu tiên là trên 330 triệu đồng. Do mưa kéo dài nên công tác đắp đập khó đảm bảo tiến độ gây ảnh hưởng đến kế hoạch xả thải của Nhà máy tuyển. Trước bất cập này, để duy trì việc xả thải liên tục giúp việc sản xuất quặng ở Nhà máy tuyển hoạt động thường xuyên, nhóm kỹ sư của Công ty đã đề xuất thực hiện biện pháp xử lý bùn bằng phương pháp hoàn thổ kết hợp với thải vào hồ thải quặng đuôi. Sáng kiến này giúp Công ty xử lý được khoảng 50% lượng bùn thải được lắng đọng trên địa hình đã khai thác, phần còn lại mới thải ở các hồ chứa. Cùng với đó, Công ty đã nghiên cứu, thử nghiệm nhiều loại chất trợ lắng khác nhau cho khu vực lắng rửa bùn đỏ với mục đích tăng hàm lượng rắn dòng đáy các bồn lắng, bồn rửa làm giảm kiềm bám dính gây thất thoát. Ngoài ra, Công ty còn tận dụng tối đa lượng nước dư hồ bùn đỏ để tái sử dụng, giảm tiêu hao xút...
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (giữa) kiểm tra khu vực đóng gói alumin
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng (giữa) kiểm tra khu vực đóng gói alumin

Cắt lỗ trước 1 năm
 
Với hàng loạt sáng kiến, đề tài hữu ích được áp dụng vào thực tế cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn tập thể cán bộ, công nhân viên, đến thời điểm hiện tại, Công ty Nhôm Lâm Đồng đã cơ bản làm chủ hoàn toàn công nghệ trong việc vận hành Dự án Bauxite. Điều này được chứng minh qua kết quả hoạt động SXKD trong 6 tháng đầu năm 2017 khi Công ty đã bắt đầu có lãi, cắt lỗ trước 1 năm so với kế hoạch (tương đương khoảng 1.200 tỷ đồng/năm). 
 
Ông Vũ Minh Thành, Tổng Giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng quặng nguyên khai đạt 2.173.000 tấn và alumin quy đổi đạt 284.000 tấn; tổng doanh thu SXKD toàn Công ty đạt 1.219 tỷ đồng (tương đương khoảng 52% kế hoạch cả năm, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó, doanh thu khoáng sản đạt hơn 1.177 tỷ đồng; doanh thu bao bì đạt 39,4 tỷ đồng. Hiện, toàn Công ty đang có hơn 1.700 lao động, với mức thu nhập bình quân đạt 8,4 triệu đồng/người/tháng. Theo Dự án, cho phép Công ty SXKD lỗ trong 5 năm, nhưng với việc có lãi từ năm thứ 4 là một thành tích lớn của Công ty và được Tập đoàn cũng như các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao”.
 
Cũng theo ông Vũ Minh Thành, việc Công ty có lãi ngay từ đầu năm 2017 là nhờ đơn vị đã làm chủ được công nghệ nên dây chuyền sản xuất alumin ngày càng vận hành ổn định. Cùng với đó, việc tiêu hao nguyên liệu đầu vào giảm mạnh. Hiện, để sản xuất được 1 tấn alumin, Công ty chỉ tiêu tốn 35,5 kg xút (theo thiết kế là 74 kg/tấn alumin). Đối với nguyên liệu than cám, hiện Công ty chỉ tiêu tốn khoảng 407 kg/tấn alumin (so với thiết kế là 499 kg/tấn alumin). Việc tiêu hao than cục, các chất trợ lắng... cũng giảm đáng kể so với thiết kế. Theo đó, hoạt động vận hành sản xuất của Nhà máy Alumin đã đạt mức 100% công suất thiết kế (tương đương 630.000 tấn alumin quy đổi/năm). Cùng với đó, giá thành tiêu thụ sản phẩm alumin xuất khẩu qua các thị trường trên thế giới vẫn giữ mức ổn định từ 300 - 320 USD/tấn.
Nói về những mục tiêu mà Công ty Nhôm Lâm Đồng hướng tới trong 6 tháng cuối năm 2017 và những năm tiếp theo, ông Vũ Minh Thành nhấn mạnh: “Công ty sẽ tiếp tục rà soát lại Dự án để điều chỉnh công nghệ phù hợp, đảm bảo Dự án hoạt động hiệu quả. Để nâng cao hơn nữa năng lực SXKD, Công ty tiếp tục chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho Dự án; đồng thời, khắc phục các thất thoát, lãng phí trong khai thác chế biến quặng và sử dụng nguyên liệu đầu vào. Đặc biệt, Công ty sẽ chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, thường xuyên kiểm tra, xử lý triệt để mùi tại các hồ bùn đỏ và các tác động của nước thải, khí thải trong vùng Dự án; phối hợp tốt với chính quyền địa phương và công khai các kết quả quan trắc môi trường tới người dân để Dự án phát triển tốt, đảm bảo môi trường nhằm tạo niềm tin cho người dân và dư luận”.
 
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: “Dự án Tổ hợp Bauxite Nhôm triển khai trên địa bàn đã giúp giải quyết được một lượng lớn lao động tại chỗ và kéo theo sự phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ của huyện nhà; đồng thời, đã có nhiều hỗ trợ cho địa phương trong việc đầu tư phát triển đường giao thông, xây dựng trường học và các chương trình an sinh xã hội khác. Thời gian qua, địa phương luôn đồng hành với Công ty Nhôm để giúp đơn vị triển khai và vận hành Dự án một cách hiệu quả nhất. Song, địa phương cũng yêu cầu, Công ty Nhôm và các ngành chức năng của tỉnh và Trung ương cần quan tâm hơn nữa đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân vùng Dự án. Trong đó, cần triển khai có hiệu quả các biện pháp bảo vệ môi trường để tạo niềm tin đối với nhân dân”.
 
KHÁNH PHÚC