Ðổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với giáo dục

08:09, 07/09/2017

Giáo dục và đào tạo là một vấn đề hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia. Bài văn bia đầu tiên ở Văn Miếu Quốc Tử Giám dưới thời vua Lê Thánh Tông khẳng định: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp". 

Giáo dục và đào tạo là một vấn đề hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của mỗi quốc gia. Bài văn bia đầu tiên ở Văn Miếu Quốc Tử Giám dưới thời vua Lê Thánh Tông khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”. Trong lịch sử hàng ngàn năm văn hiến, dân tộc Việt Nam đã xây đắp nên truyền thống hiếu học. Do đó xác định giáo dục và đào tạo là một nhiệm vụ quan trọng của cách mạng Việt Nam.
 
Sau Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 khai sinh Nhà nước dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc giải quyết nạn dốt là một trong những nhiệm vụ vừa cơ bản vừa cấp bách. Theo Người “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “dốt thì dại, dại thì hèn”. Người kêu gọi: phải làm cho nhân dân biết đọc, biết viết, xóa nạn mù chữ, từng bước nâng cao dân trí. 
 
Ngay sau khi đất nước thống nhất vào mùa xuân 1975, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV nêu rõ: “... Tiến hành cải cách giáo dục trong cả nước; phát triển giáo dục phổ thông; sắp xếp, từng bước mở rộng và hoàn chỉnh mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; phát triển rộng rãi các trường dạy nghề”. Để cụ thể hóa, Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 11/1/1979 của Bộ Chính trị “về cải cách giáo dục” nêu mục tiêu “làm tốt việc chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ ngay từ tuổi ấu thơ cho tới lúc trưởng thành, nhằm tạo cơ sở ban đầu rất quan trọng của con người Việt Nam mới, người lao động làm chủ tập thể và phát triển toàn diện”. Nghị quyết đặt nền móng cho công cuộc cải cách giáo dục của đất nước trong những năm 80 của thế kỷ XX. 
 
Qua các kỳ Đại hội, quan điểm và đường lối của Đảng về phát triển giáo dục lại được bổ sung, hoàn chỉnh… Ngày 5/3/2009, Bộ Chính trị (khóa X) đã ra Thông báo Kết luận “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2020”. Thông báo đánh giá: Giáo dục nước ta có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng. Giáo dục đã giữ vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa trong nội dung, chương trình và các chính sách giáo dục. Đã phát huy được những ảnh hưởng tích cực, hạn chế tiêu cực của cơ chế thị trường, chống khuynh hướng thương mại hoá trong giáo dục… Tuy nhiên, giáo dục - đào tạo chưa thực sự là quốc sách hàng đầu. Việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh chưa được chú ý đúng mức cả về nội dung và phương pháp; giáo dục phổ thông mới quan tâm nhiều đến “dạy chữ”, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng sống, đến “dạy người” và “dạy nghề” cho thanh thiếu niên… Với mục tiêu đến năm 2020 nước ta có một nền giáo dục tiên tiến, lành mạnh, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần được coi trọng là phải đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với giáo dục. Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với giáo dục. Đổi mới căn bản chính sách sử dụng cán bộ theo hướng coi trọng năng lực thực tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý, chú trọng quản lý chất lượng giáo dục. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động giáo dục. Sắp xếp lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng; không để tồn tại các trường đào tạo có chất lượng kém. Thực hiện phân cấp, tạo động lực và sự chủ động cho các cơ sở giáo dục. Tăng quyền tự chủ, chịu trách nhiệm xã hội của nhà trường đi đôi với việc hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, bảo đảm sự giám sát của cộng đồng và xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong quản lý giáo dục ở các cấp… Thực sự coi trọng vai trò của khoa học giáo dục. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục, giải quyết tốt những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình đổi mới giáo dục.
 
Tiếp tục chú trọng giáo dục là quốc sách hàng đầu, Đại hội XII của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ: Phấn đấu trong những năm tới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống và làm việc hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Để đạt mục tiêu trên, ngành giáo dục - đào tạo cần thực hiện tốt nhiệm vụ phải đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng giáo dục.
 
HỒ LAN