Chuyện về người đàn ông 53 lần hiến máu tình nguyện

08:09, 25/09/2018

Không những tích cực tham gia phong trào Ðoàn, các chương trình từ thiện xã hội, ông Lê Văn Thanh ở thị trấn Di Linh còn được biết đến là người tiên phong trong công tác hiến máu tình nguyện tại địa phương. Với ông Thanh, niềm vui, hạnh phúc là khi mình được góp sức, chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn.  

Không những tích cực tham gia phong trào Ðoàn, các chương trình từ thiện xã hội, ông Lê Văn Thanh ở thị trấn Di Linh còn được biết đến là người tiên phong trong công tác hiến máu tình nguyện tại địa phương. Với ông Thanh, niềm vui, hạnh phúc là khi mình được góp sức, chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn.  
 
Ông Lê Văn Thanh, người có số lần hiến máu cao nhất huyện Di Linh (ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông Lê Văn Thanh, người có số lần hiến máu cao nhất huyện Di Linh
(ảnh do nhân vật cung cấp)

Tuy đã lớn tuổi (46 tuổi), nhưng với sự năng nổ, nhiệt huyết, tích cực tham gia các phong trào hoạt động xã hội tại địa phương, ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Di Linh, Đội trưởng Đội tình nguyện phòng chống tội pham, tệ nạn xã hội… luôn là tấm gương sáng cho người dân, nhất là thế hệ trẻ huyện nhà học tập tính tích cực, năng động vì cuộc sống cộng đồng. 
 
Ông Lê Văn Thanh chia sẻ, lần đầu tiên ông tham gia hiến máu tình nguyện (năm 2003) do Hội Chữ thập đỏ huyện vận động là cho đủ số lượng, chỉ tiêu trên giao. Nói về những ngày đầu tham gia hiến máu, ông Lê Văn Thanh cho biết: “Lần đầu tham gia ai cũng có tâm lý sợ sệt bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe…, nhưng một thời gian sau sức khỏe vẫn ổn định và tôi tham gia thường xuyên hơn”. 
 
Sau lần đầu tiên hiến máu tình nguyện ấy, đến nay sau 15 năm, ông Thanh là một trong những người ở huyện Di Linh và thậm chí của tỉnh Lâm Đồng có số lần hiến máu cao nhất, đạt 6 lần/năm, kể cả vừa hiến theo kế hoạch và hiến cấp cứu trực tiếp tại bệnh viện. “Mỗi năm tôi hiến máu từ 3 -  6 lần. Riêng năm 2018, đến thời điểm này tôi đã hiến 5 lần, nâng tổng số lên 53 lần hiến máu. Với tôi, một đơn vị máu được chia sẻ và mang lại sự sống cho số phận kém may mắn là mình hạnh phúc biết nhường nào”, ông Lê Văn Thanh nói. 
 
Với ý nghĩa nhân văn, hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, nên những năm qua ông Lê Văn Thanh còn vận động vợ con, họ hàng, tổ dân phố (TDP) cùng tham gia. Đến nay, chị Nguyễn Thị Trang (vợ ông Thanh) đã 17 lần tham gia hiến máu, chị Lê Thị Hạnh (em gái 13 lần), chị Lê Thị Ngọc Tâm (3 lần), chị Trần Tú Anh (5 lần)... “Chị dâu em lúc đầu lén anh rể đi hiến máu, sợ chồng biết rồi la, nhưng rồi sau này anh rể cũng đi theo tham gia hiến máu. Những người lớn tuổi ở TDP cũng nhiệt tình tham gia như: ông Lê Quang Khiêm, anh Đỗ Minh Tân, anh Hoàng Minh Nguyên, chị Nguyễn Thị Liên… Đặc biệt, gia đình chị Trần Thị Nguyệt cũng có 5 người tham gia hiến máu”, ông Thanh kể.
 
Với vai trò là Đội trưởng Đội xung kích hiến máu tình nguyện thị trấn Di Linh, những năm qua, ông Lê Văn Thanh đã có những đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người dân, góp phần đưa thị trấn Di Linh trở thành “cánh chim đầu đàn” của huyện Di Linh về phong trào hiến máu tình nguyện, nhân đạo; ông còn là một trong những thành viên tích cực trong việc sáng lập “Ngân hàng máu sống” và “Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện” huyện Di Linh. Với trách nhiệm là người chủ nhiệm “Ngân hàng máu sống”, “Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện”, ông Lê Văn Thanh luôn ý thức cao với công việc, tích cực vận động người dân ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia. Nhờ vậy, đến nay đã tập hợp gần 400 thành viên tham gia hiến máu, trong đó có trên 200 người tham gia vào Đội xung kích “Ngân hàng máu sống” phục vụ cấp cứu tại Trung tâm Y tế Di Linh và Bệnh viện II Lâm Đồng. “Đội ngũ CLB của mình luôn nhiệt tình, không kể mưa gió, khi có ca cấp cứu gọi điện thoại từ 1-2 giờ sáng họ vẫn đi rất vui vẻ mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì từ gia đình bệnh nhân”, ông Thanh vui vẻ.
 
Trước đây, khi chưa có “Ngân hàng máu sống” hầu hết những ca cấp cứu tại Trung tâm Y tế Di Linh đều chuyển lên tuyến trên, có nhiều ca chuyển viện không kịp vì không đủ lượng máu truyền cho bệnh nhân. Những năm gần đây, những ca mổ không quá phức tạp như: mổ cấp cứu bị chấn thương, mổ sinh, thai ngoài tử cung, băng huyết…, Trung tâm Y tế Di Linh đã chủ động mổ tại chỗ, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên. “Từ khi có “Ngân hàng máu sống”, các bác sỹ phẫu thuật tự tin và mạnh dạn hơn, vào phòng mổ không còn tâm lý run sợ gặp sự cố. Nhờ vậy, mà đơn vị đã mổ nhiều ca thành công”, bác sỹ Đoàn Trí Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Di Linh phấn khởi. 
 
Với những thành tích đóng góp cho cộng đồng, xã hội, nhất là trong công tác hiến máu tình nguyện, ông Lê Văn Thanh đã được Bộ Y tế, UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen…
 
NDONG BRỪM