Khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra

10:11, 27/11/2018

(LĐ online) - Sáng 27/11, ông Nguyễn Hà Lộc - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PT-NT), Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lâm Đồng cho biết: Theo báo cáo mới nhất của đơn vị lên UBND tỉnh, từ đêm 24 đến sáng 26/11, hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương đã bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão số 9...

(LĐ online) - Sáng 27/11, ông Nguyễn Hà Lộc - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PT-NT), Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lâm Đồng cho biết: Theo báo cáo mới nhất của đơn vị lên UBND tỉnh, từ đêm 24 đến sáng 26/11, hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương đã bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão số 9. Tới sáng nay, lượng nước đã rút nhanh nhưng nhiều vị trí cầu, nhà và vườn hoa màu của người dân vẫn bị ngập. Các địa phương, sở, ngành liên quan đang khẩn trương khắc phục thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra.
 
Theo báo cáo, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, từ đêm 24/11 đến sáng ngày 26/11 trên địa bàn huyện Đức Trọng, Đơn Dương đã có mưa vừa đến mưa to, ảnh hưởng trực tiếp đến các xã giáp ranh tỉnh Bình Thuận như xã Đa Quyn, Tà Năng, Đà Loan, Tà Hine, Ka Đơn, P’ró.
 
Đến thời điểm hiện tại, tình hình các điểm bị ngập tại huyện Đức Trọng cụ thể, xã Đa Quyn: Nước đã rút hoàn toàn. Cầu bằng gỗ tại K61 bị cuốn trôi, giao thông phải đi vòng bằng đường khác. Cầu K65 bị xói lở một bên mố cầu. Các đường bê tông nông thôn ở một số thôn bị xói lở. Tại xã Tà Năng: Cầu Bà Trung vẫn còn bị ngập 80 cm và xe cộ vẫn chưa lưu thông qua lại. Hiện cầu Láng Mít nước đã rút nên giao thông tại cầu Bà Trung tạm thời được điều tiết qua cầu này. Xã Tà Hine: Cầu Tà Hine nước đã rút hết. Xã Đà Loan: Cầu Bà Bống nước đã rút còn 50cm.
 
Còn tại huyện Đơn Dương: Mưa lớn gây ngập một số diện tích sản xuất nông nghiệp tại xã P’ró và xã Ka Đơn. Hiện tại nước đang rút và chưa xác định được diện tích sản xuất bị thiệt hại do ngập lụt. 
 
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) huyện Đức Trọng, Đơn Dương và UBND các xã đang tổ chức vệ sinh môi trường, giúp người dân xử lý các giếng nước sau khi nước rút, khắc phục các thiệt hại và tổ chức thống kê thiệt hại khi lượng nước rút hết. 
 
Trước đó ngày 26/11, UBND huyện Đức Trọng báo cáo nhanh lên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo số liệu thống kê chưa đầy đủ có 113 căn nhà bị ngập; gần 180 ha rau màu của các hộ dân tại các xã vùng sâu của huyện Đức Trọng gồm: Đà Loan, Tà Năng và Đa Quyn tiếp tục bị chìm sâu trong biển nước do cơn bão số 9 gây ra. Tại huyện Đơn Dương, ước tính ban đầu có khoảng 70ha rau màu bị ngập úng nặng, nhiều cây cầu, nhà dân bị ảnh hưởng do nước lũ dâng cao.
 
Riêng các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo. Hiện có 26 dự án thủy điện đã đi vào vận hành với tổng công suất lắp máy 1.465 MW. Các hồ chứa thủy điện lớn có cửa tràn điều tiết trên địa bàn tỉnh không tiến hành xả lũ do ảnh hưởng của cơn bão 9. 
 
Ngay trong ngày 26/11, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt cũng có công điện hỏa tốc yêu cầu các huyện Đức Trọng, Đơn Dương tổ chức đi kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại trên địa bàn để có biện pháp chỉ đạo, khắc phục, hỗ trợ kịp thời đối với các địa phương, người dân bị thiệt hại. Tổ chức sơ tán, di dời người dân trong vùng bị lũ, bị ngập đến nơi an toàn. Lắp đặt biển hướng dẫn, cảnh báo, cử các lực lượng ứng trực tại những nơi ngập lụt. 
 
UBND tỉnh nhấn mạnh, ngay sau khi nước rút, đơn vị các cấp liên quan cần kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và có biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường,...
 

 

Cơn bão số 9 khiến nhiều nhà dân, hoa màu bị ngập (ảnh chụp ngày 26/11) tại xã Tà Hin, huyện Đức Trọng. Tới sáng nay, nhiều vị trí nước vẫn chưa rút hết. Ảnh: C.Thành
Cơn bão số 9 khiến nhiều nhà dân, hoa màu bị ngập (ảnh chụp ngày 26/11) tại xã Tà Hin, huyện Đức Trọng. Tới sáng nay, nhiều vị trí nước vẫn chưa rút hết. Ảnh: C.Thành
C.THÀNH