Chia sẻ với bệnh nhân chạy thận nhân tạo

07:05, 29/05/2019

"Ở đây, có những người bệnh con cái đã trưởng thành, lập gia đình, họ mắc bệnh phải chạy thận đã đành mà còn có những người dành cả tuổi thơ và trải qua thời thanh xuân chạy thận, lọc máu, không lập gia đình, không thể có con, đó là nỗi đau! Tôi rất cảm thông vì tôi đã nằm chạy thận, tôi đã hiểu được cái nỗi đau của người chạy thận cho nên cố gắng làm được tất cả những gì có thể làm được để giúp họ thì tôi cố gắng hết sức" - ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Ðồng chia sẻ.

“Ở đây, có những người bệnh con cái đã trưởng thành, lập gia đình, họ mắc bệnh phải chạy thận đã đành mà còn có những người dành cả tuổi thơ và trải qua thời thanh xuân chạy thận, lọc máu, không lập gia đình, không thể có con, đó là nỗi đau! Tôi rất cảm thông vì tôi đã nằm chạy thận, tôi đã hiểu được cái nỗi đau của người chạy thận cho nên cố gắng làm được tất cả những gì có thể làm được để giúp họ thì tôi cố gắng hết sức” - ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Ðồng chia sẻ.
 
Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng thăm bệnh nhân Trần Thị Vân A. đã 12 năm chạy thận nhân tạo. Ảnh: An Nhiên
Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng thăm bệnh nhân Trần Thị Vân A. đã 12 năm chạy thận nhân tạo. Ảnh: An Nhiên
 
Tại Khoa Tiết niệu - Lọc máu - Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Lâm Đồng lúc nào bệnh nhân cũng nằm kín các giường bệnh. Nhiều tình nguyện viên đến thăm bệnh nhân ở đây đều dành thời gian trò chuyện với một bệnh nhân chạy thận từ năm 17 tuổi đến giờ đã 29 tuổi. Cô gái xanh xao yếu ớt, chỉ có ánh mắt bày tỏ niềm vui vì nhận được sự quan tâm của mọi người. Chị Đinh Thị Lệ T. là mẹ của bệnh nhân Trần Thị Vân A. cho biết: “Con gái tôi bắt đầu chạy thận nhân tạo từ năm 2007, đến nay đã 12 năm, nó là con thứ 2 trong nhà. Gia đình tôi ở xã Liên Hiệp - Đức Trọng, hai mẹ con lên đây chạy thận 1 tuần 3 lần, nhờ có thẻ BHYT cũng đỡ một ít chi phí chạy thận, chủ yếu là tiền thuốc. Cứ 1 người chạy thận phải có thêm 1 người đưa đi, nhà tôi làm nông, chăn nuôi là chính, phần lớn tự lo chi phí chữa bệnh cho con, bình quân cứ đóng 2 - 3 triệu đồng/tháng, thời gian này giảm mức đóng, có một số bệnh nhân 1 tháng đóng, 1 tháng nghỉ. Khi đã chạy thận rồi thì bệnh nhân về nhà mệt lắm, không làm gì được. 12 năm đi viện, tôi thấy các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc rất tốt, nhiệt tình, hết mình vì người bệnh ở Khoa Tiết niệu - Lọc máu”.
 
Ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh cho biết: Hội đến với bệnh nhân chạy thận lọc máu, giúp cho bệnh nhân liên tục nhiều năm. Cứ mỗi năm Hội giúp cho 20 lượt bệnh nhân, có những bệnh nhân Hội giúp suốt năm, mỗi tháng 2 -3 triệu đồng thì đóng luôn cả 1 năm cho bệnh nhân; có lúc đóng 6 tháng, có những trường hợp giúp 3 tháng và có những trường hợp ngoài giúp hỗ trợ đóng viện phí thì Hội còn giúp cho gia đình bệnh nhân. Cụ thể như trường hợp cháu bé Nhã ở Lữ Gia (Đà Lạt) được Hội giúp có đợt 27 triệu đồng, rồi Hội cứ thường xuyên lên BVĐK tỉnh đóng 15 triệu đồng cho bé chạy thận và rất nhiều bệnh nhân khác đã được Hội hỗ trợ chi phí, bởi chi phí chạy thận suốt đời nên BHYT cũng thanh toán chừng mực, bệnh nhân phải đóng thêm 2 -2,5 triệu đồng, ít nhất cũng trên 1 triệu đồng/tháng. Nhiều bệnh nhân không còn tiền, khi đã chạy thận rồi thì kinh tế kiệt quệ. Cứ mỗi tuần 3 lần đi lên đi xuống giữa nhà và Khoa Tiết niệu - Lọc máu, thêm ít nhất 1 người thân đi cùng, bỏ công ăn việc làm. Vì vậy, Hội cố gắng hỗ trợ và nhiều trường hợp Hội hỗ trợ thẻ BHYT vì người bệnh không có tiền mua thẻ BHYT, trừ những bệnh nhân nghèo có BHYT cấp miễn phí. 
 
Hiện nay, Hội có rất nhiều chương trình hoạt động, nên chương trình hỗ trợ cho bệnh nhân chạy thận đã được Hội giao cho Chi hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật - Trẻ mồ côi Nhân Tâm Đà Lạt thực hiện. Có những trường hợp bệnh nhân chạy thận lọc máu nào cần giúp thì các y bác sĩ BVĐK tỉnh gọi điện thẳng cho Chi hội và các chị trong Chi hội lên tận Khoa Tiết niệu - Lọc máu giúp cho bệnh nhân, sau đó báo cáo lại với Hội. 
 
Thường khi bệnh nhân chạy thận nhân tạo có hoàn cảnh khó khăn, được Hội giúp đỡ từ nguồn tiền do chính các hội viên đóng góp, khác với mổ tim thì có các nhà tài trợ hỗ trợ cho Hội. Có người góp 500 ngàn đồng, người hỗ trợ 1 triệu đồng, tùy tấm lòng của các hội viên và theo yêu cầu kêu gọi nhờ giúp đỡ của các BS Khoa Tiết niệu - Lọc máu. 
 
Khi mới thành lập, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng có 70 hội viên sáng lập, đến nay Hội tập hợp 1.200 hội viên. Không giống như các hội khác, hội viên Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng phải tham gia các chương trình, hoạt động của Hội, đóng góp nguồn lực, tạo ra sức lan tỏa và thu hút thêm rất nhiều người tình nguyện vào Hội. Trong số hội viên của Hội, nhiều người kiêm luôn là Mạnh thường quân, sẵn sàng vận động đóng góp kịp thời giúp cho các bệnh nhân đột xuất. Đặc biệt, hội viên nữ chiếm đa số, các chị hết lòng vì hoạt động Hội, túc trực bên bệnh nhân trong các chương trình khám bệnh chăm sóc sức khỏe, mổ mắt, mổ tim, nấu bữa ăn miễn phí... Có mặt trong các hoạt động Hội từ Đà Lạt cho đến vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và ngoài tỉnh, các chị tình nguyện phục vụ bệnh nhân như người nhà của mình. 
 
Là một người nhiều năm sống chung với bệnh thận, ông Lực chia sẻ: “Bệnh nào cũng có cái khổ của bệnh đó nhưng đặc biệt là bệnh thận, nếu như không có điều kiện để ghép thận thì bệnh nhân phải chạy thận suốt đời, mà có điều kiện ghép thận thì bây giờ không đơn giản, chi phí phải trên 1 tỷ đồng, phải có người thân trong gia đình cho thận, nếu không thì việc nhận thận hiến cũng không đơn giản. Khi đã ghép thận rồi phải giữ gìn sức khỏe suốt đời, không được lơ là. Một khi đã phải chạy thận là tất cả cặn bã trong máu không lọc được nên phải đưa qua máy lọc cho máu trở lại và cách 1 ngày sau lại phải lọc máu, cứ lặp lại chu kỳ như vậy suốt cả cuộc đời. Tôi trải qua 5 lần phẫu thuật trị liệu về bệnh thận kéo dài nên tôi rất đồng cảm và có lời khuyên bệnh nhân không được bi quan, vì khi bi quan trong quá trình chạy thận dễ bị suy sụp. Người bệnh cứ bình tĩnh, vững tin vượt qua, nếu có cơ may có người cho thận thì được ghép, vì tôi may mắn đã 8 năm ghép thận rồi”.
 
Cử nhân điều dưỡng Lê Quốc Việt - Điều dưỡng trưởng của Khoa Tiết niệu - Lọc máu - BVĐK tỉnh cho biết: Hiện nay số bệnh nhân nằm tại khoa khoảng 240 - 250 bệnh nhân. Ở đây ngày nào cũng chạy thận nhưng thứ ba và thứ sáu phải chạy thêm ca đêm để tải hết số lượng bệnh. Cứ 1 ca chạy thận là 4 tiếng đồng hồ, bắt đầu buổi sáng chạy từ 7 giờ - 11 giờ; sau đó chuẩn bị cho ca mới khoảng 1 tiếng đồng hồ; từ 12 giờ thì chạy lại ca thứ hai cho đến 4 giờ chiều; ca thứ ba trong ngày chạy từ 4 giờ - 8 giờ tối và ca thứ tư chạy ca đêm để giải quyết cho lượng bệnh nhiều, nên 1 tuần chạy 2 ca đêm như vậy từ 9 giờ tối cho đến 2 giờ sáng. Qua hôm sau lại tiếp tục lặp lại chu trình đó.
 
BVĐK tỉnh đã 15 năm triển khai chạy thận nhân tạo. Đồng hành với bệnh nhân, nhiều năm qua, các tổ chức từ thiện như Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng, Hội Chữ thập đỏ, các nhóm từ thiện thuộc các cơ sở tôn giáo đã đến hỗ trợ cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Đối với bệnh nhân khó khăn thì hỗ trợ về tiền viện phí cho mỗi ca chạy thận; nếu bệnh nhân nào quá khó khăn sẽ được Mạnh thường quân hỗ trợ viện phí hàng tháng nhưng số này không nhiều, vì số lượng bệnh nhân tăng nhiều hơn so với số bệnh nhân cần giúp đỡ. Hiện tại, Khoa có 30 máy, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho số lượng bệnh nhân quá lớn. Với số bệnh nhân hiện tại, Khoa cần thêm từ 13 - 15 máy chạy thận nhân tạo mới đủ đáp ứng cho bệnh nhân chạy thận. 
 
AN NHIÊN