Đề án ao, hồ nhỏ: Ðưa nước tưới về vườn

09:05, 27/05/2019

Trên địa bàn Lâm Ðồng, ngoài hệ thống thủy lợi, mương máng tưới tiêu phục vụ sản xuất còn hàng ngàn ao, hồ nhỏ. Ðây chính là những bể chứa nước lộ thiên, giúp người nông dân chủ động tưới tiêu, nhất là với diện tích cây công nghiệp. 

Trên địa bàn Lâm Ðồng, ngoài hệ thống thủy lợi, mương máng tưới tiêu phục vụ sản xuất còn hàng ngàn ao, hồ nhỏ. Ðây chính là những bể chứa nước lộ thiên, giúp người nông dân chủ động tưới tiêu, nhất là với diện tích cây công nghiệp. 
 
Ao, hồ nhỏ trong Đề án. Ảnh: D.Q
Ao, hồ nhỏ trong Đề án. Ảnh: D.Q
 
Đề án ao, hồ nhỏ để cung cấp nước tưới phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới đã bắt kịp nhu cầu thực tế, cùng người nông dân chủ động tưới tiêu đồng ruộng.
 
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng chia sẻ, nông dân Lâm Đồng vẫn có thói quen đào ao, hồ để chứa nước tưới, nhất là ở các vùng trồng cây công nghiệp đòi hỏi tưới theo chu kỳ. Ông cho biết, năm 2015, trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 16 ngàn ao, hồ nhỏ các loại. Nhất là ở vùng cà phê, vùng rau lớn như Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lộc… Riêng huyện Di Linh, nhận thấy hiệu quả của hệ thống ao, hồ nhỏ, từ ngân sách địa phương đã áp dụng hỗ trợ nông dân đào các ao, hồ nhỏ phục vụ cho tưới cà phê. Nhận thấy hiệu quả của hệ thống ao, hồ nhỏ, ngành nông nghiệp đã xây dựng Đề án ao, hồ nhỏ để cung cấp nước tưới phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới và đã triển khai rộng rãi từ năm 2016 cho tới nay với những kết quả khả quan. Tính từ khi thực hiện Đề án, ngân sách đã đầu tư trên 22 tỷ đồng theo tiêu chí “nông dân thực hiện công trình, Nhà nước đầu tư ca máy”. 
 
Thực hiện Đề án ao, hồ nhỏ, mỗi năm tỉnh Lâm Đồng cấp 10 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ nông dân các địa phương đào ao, hồ. Mục tiêu là hết năm 2020, thực hiện đào 5.581 ao, hồ nhỏ với tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước xấp xỉ 63 tỷ đồng, nông dân đối ứng xấp xỉ 63 tỷ đồng. 

Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 70% giá trị ca máy đào với nông dân tại các xã khó khăn đặc biệt và hỗ trợ 50% với vùng còn lại. Ao, hồ phải đạt diện tích tối thiểu là 500 m2, sâu 3 m, dung tích 1.500 m3, đảm bảo cung cấp nước tưới, chống hạn cho 3 hộ dân hoặc tổ hợp tác, hợp tác xã. Ao càng rộng càng được ưu tiên do khả năng trữ nước tốt. Trong 3 năm, đã có trên 1.700 ao, hồ nhỏ được đào từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và vốn đối ứng của Nhân dân. Nhất là tại vùng cà phê Di Linh và Cát Tiên, hệ thống ao, hồ nhỏ rất được hoan nghênh, nông dân rất hào hứng đón nhận ao, hồ nhỏ. Riêng năm 2018, ngân sách tỉnh dành cho đề án ao, hồ nhỏ 10 tỷ đồng thì Di Linh đã thực hiện đào 104 ao, hồ, hỗ trợ nông dân trên 2 tỷ đồng; Cát Tiên thực hiện đào 80 ao, hồ, hỗ trợ nông dân trên 1,1 tỷ đồng. Và năm 2019, đây cũng là hai địa phương đăng ký thực hiện đào ao, hồ nhỏ với kinh phí xấp xỉ 2 tỷ đồng/huyện. 

Trên thực tế, hệ thống ao, hồ nhỏ đã góp phần rất lớn vào việc giúp nông dân chủ động nguồn nước tưới. Hệ thống ao, hồ nhỏ đã góp phần giúp vùng cây công nghiệp Lâm Đồng vượt qua đợt hạn khủng khiếp năm 2016. Nông dân chủ động nguồn nước tưới tiêu, còn về phía ngành nông nghiệp, thực hiện đề án ao, hồ nhỏ cũng góp phần rất lớn bảo vệ môi trường. Theo đánh giá khoa học, sử dụng ao, hồ nhỏ nông dân có ý thức hơn trong việc tưới tiết kiệm, giữ gìn nguồn nước và bảo vệ công trình thủy lợi. Ở một số vùng, do không có công trình thủy lợi, Nhân dân tự khoan nước bơm tưới dẫn đến suy giảm hệ thống nước ngầm và sụt lún, thay đổi kết cấu đất trong tương lai. Ao, hồ nhỏ chính là giải pháp góp phần giảm việc sử dụng nước ngầm không theo kế hoạch. 
 
Tuy nhiên, theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng, Đề án ao, hồ nhỏ cũng cần có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Anh Lê Quang Vĩ, cán bộ Chi cục đánh giá, hiện ao, hồ nhỏ phải đạt điều kiện rộng 500 m2 trở lên mới được nhận hỗ trợ. Ở vùng cây công nghiệp, diện tích sản xuất lớn thì điều này khá dễ. Nhưng tại vùng rau như Đơn Dương, Đà Lạt, nông dân chỉ yêu cầu diện tích ao khoảng 100-200 m2 là đủ. Bên cạnh đó, định mức đơn giá hỗ trợ ca máy của Nhà nước cho Nhân dân còn thấp so với thực tế, Bởi vậy, ngành nông nghiệp cũng đang làm tờ trình đề nghị sửa đổi để Đề án ngày càng sát với thực tế, đạt hiệu quả cao nhất, hỗ trợ nông dân cùng phát triển sản xuất. 
                          
DIỆP QUỲNH