Mặt trận thôn Trung Ninh - điểm sáng trong vận động Nhân dân phát triển kinh tế

08:06, 03/06/2019

Ban Công tác Mặt trận tại thôn, buôn, tổ dân phố được coi như "cánh tay nối dài" của hệ thống Mặt trận Tổ quốc để các phong trào thi đua yêu nước lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, củng cố mạnh mẽ tinh thần đoàn kết cộng đồng. Ban Công tác Mặt trận thôn Trung Ninh, xã Ninh Loan, huyện Ðức Trọng trở thành điểm sáng của tỉnh trong việc vận động Nhân dân, được UBMTTQ tỉnh Lâm Ðồng ghi nhận, biểu dương.

Ban Công tác Mặt trận tại thôn, buôn, tổ dân phố được coi như “cánh tay nối dài” của hệ thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) để các phong trào thi đua yêu nước lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, củng cố mạnh mẽ tinh thần đoàn kết cộng đồng. Ban Công tác Mặt trận thôn Trung Ninh, xã Ninh Loan, huyện Ðức Trọng trở thành điểm sáng của tỉnh trong việc vận động Nhân dân, được UBMTTQ tỉnh Lâm Ðồng ghi nhận, biểu dương.
 
Ninh Loan từng bước đổi thay. Ảnh: N.Thu
Ninh Loan từng bước đổi thay. Ảnh: N.Thu
 
Thôn Trung Ninh, xã Ninh Loan là địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng; diện tích tự nhiên là 130 ha, trong đó đất nông nghiệp 90 ha, đất lâm nghiệp 40 ha; toàn thôn có 147 hộ, 450 nhân khẩu, bà con nhân dân trong thôn chủ yếu phát triển sản xuất nông nghiệp với cơ cấu cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng. 
 
Trong những năm trước đây, tình hình sản xuất của Nhân dân mang tính tự phát, trình độ canh tác của người dân chưa cao, còn chạy theo giá cả lên xuống của thị trường. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất và chăn nuôi vẫn còn nhiều hạn chế, do đó sản phẩm làm ra chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả kinh tế thấp, nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được, đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của Nhân dân trên địa bàn. 
 
Ban Công tác Mặt trận thôn Trung Ninh đã tích cực thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng ủy, Huyện ủy và các văn bản hướng dẫn của Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thực hiện các nội dung Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. 
 
Đặc biệt, đối với địa bàn xã Ninh Loan, năm 2017 được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và huyện chọn làm điểm để triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hòa vào tinh thần đó, Ban Công tác Mặt trận thôn đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động, với việc chú trọng nội dung vận động Nhân dân đoàn kết thi đua lao động sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư vốn để liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
 
Ban Công tác Mặt trận thôn đã tích cực và chủ động phối hợp với chính quyền, các đoàn thể xã, hệ thống chính trị của thôn và các doanh nghiệp mở lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật như sử dụng các loại cây, con giống mới, thuốc bảo vệ thực vật, các loại phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thôn để học tập và ứng dụng vào sản xuất, phối hợp tạo điều kiện cho nông dân vay vốn đầu tư sản xuất. Đến nay xã có 1 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, 1 tổ hợp tác liên kết sản xuất rau hoa, 1 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững, 1 chi hội nghề nghiệp sản xuất mác mác (chanh dây); trong đó Nhân dân thôn Trung Ninh đi đầu với những đóng góp mạnh mẽ, hiệu quả
 
Từ những việc làm thiết thực đó, đã tạo điều kiện cho Nhân dân chuyển đổi hơn 35 ha diện tích đất trồng trọt các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: rau, củ quả, cà phê ghép, sầu riêng, mắc ca, bơ Boot... Đến nay toàn thôn có hơn 5.000 m 2 sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính và nhiều diện tích đất khác được ứng dụng sản xuất bằng phủ màng polime, tưới phun tự động, các sản phẩm sản xuất ra đều đáp ứng nhu cầu người dân, đạt chuẩn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Điển hình như hộ ông Bùi Minh Thuận xây dựng trên 2.000 m 2 nhà kính sản xuất công nghệ cao với thu nhập lên đến 1 tỷ đồng/năm, đã giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn thôn. Bên cạnh đó, các hộ dân tham gia tổ hợp tác liên kết với Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Phong Thúy để xuất rau đi các siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh. 
 
Ngoài thu nhập của người dân tăng, hợp tác xã và các tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả còn giải quyết việc làm, góp phần cho các hộ nghèo ở địa phương thoát nghèo bền vững, qua đó góp phần thực hiện tiêu chí thu nhập và tiêu chí hộ nghèo (thu nhập bình quân đầu người của năm 2014 tại địa phương là 35 triệu đồng/người/năm và đến cuối năm 2018 đã tăng lên 53 triệu đồng/người/năm) làm thay đổi diện mạo nông thôn. 
 
Tuy còn ở mức độ khác nhau, nhưng các hợp tác xã, tổ hợp tác đã thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho các thành viên và người dân, khẳng định vai trò, vị thế và sự phát triển của hợp tác xã và tổ hợp tác với khởi đầu từ 9 hội viên, đến nay đã tăng lên 17 hội viên. Người nông dân đã thực sự chủ động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn đưa các loại cây, con giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất; trong sản xuất và chăn nuôi phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, để đảm bảo an toàn chất lượng nông sản phẩm làm ra. Từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, toàn diện, phát huy lợi thế của địa phương.
 
Trao đổi về những kinh nghiệm trong quá trình vận động, tuyên truyền, bà Nguyễn Thị Dung - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Trung Ninh cho biết: Trước hết, muốn thành công phải cần có sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với Mặt trận, các đoàn thể và cả hệ thống chính trị. Ban Công tác Mặt trận thôn phải chủ động, phối hợp phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và sự hỗ trợ, phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và liên kết sản xuất. Thứ hai là tuyên truyền, vận động Nhân dân triển khai thực hiện xây dựng các công trình, mô hình tại địa phương phải gắn với lợi ích thiết thực của Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, của địa phương, thì mới tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường vai trò quản lý của cộng đồng dân cư, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong việc quyết định các công việc ở cộng đồng dân cư. Thứ ba, cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở phải gương mẫu, tiên phong đi đầu trong việc triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng mô hình ở khu dân cư cũng như công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi.                
 
NGUYỆT THU