Ðẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển bền vững

06:09, 23/09/2019

Bên cạnh việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực nội tại, Lâm Ðồng luôn coi trọng việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nguồn đầu tư từ các đối tác có thiện chí và tiềm lực...

Bên cạnh việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực nội tại, Lâm Ðồng luôn coi trọng việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nguồn đầu tư từ các đối tác có thiện chí và tiềm lực. Chủ trương này đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững của Lâm Ðồng thời gian qua và tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.
 
Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN quốc gia Lào tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nhân chuyến thăm và làm việc tại địa phương. Ảnh: N.N
Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN quốc gia Lào tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nhân chuyến thăm và làm việc tại địa phương. Ảnh: N.N
 
Lâm Đồng đã có những bước đi đầu tiên cho việc hội nhập bắt đầu từ các chương trình hợp tác quốc tế từ nhiều năm trước. Đơn cử như việc hợp tác sản xuất, chế biến các sản phẩm tơ tằm từ những năm cuối thập niên 80. Đó là cơ sở cho các nhà máy sản xuất lụa tơ tằm Việt-Ý, Việt-Nhật, Việt-Ấn, Việt-Tiệp... ra đời ở nơi được mệnh danh là “thủ đô dâu tằm” - Bảo Lộc. Cùng với ngành dâu tằm tơ, ngành chè Lâm Đồng cũng là mũi nhọn trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu qua Nga, các nước khu vực Trung Đông và Ấn Độ... Những năm tiếp theo, Lâm Đồng đã thu hút Tập đoàn Đa Nao - Hồng Kông đầu tư xây dựng sân golf Đà Lạt, Công ty Hasfarm - một doanh nghiệp nước ngoài chuyên sản xuất dòng sản phẩm hoa cao cấp xuất khẩu với quy trình công nghệ cao của Hà Lan đã ra đời trên vùng cao nguyên này...
 
Và suốt từ đó đến nay, Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển bền vững. Các hoạt động hợp tác phát triển quốc tế được thực hiện toàn diện trên nhiều lĩnh vực, vừa là nền tảng, vừa là mục tiêu cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 
 
Đề cập chi tiết đến nội dung này, ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết: Với phương châm “ngoại giao chính trị” là trọng tâm, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã tiếp đón gần 2.000 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc. Trong đó có các đoàn lãnh đạo cấp cao từ nguyên thủ quốc gia đến cấp Bộ trưởng, Đại sứ, Tổng lãnh sự các nước và lãnh đạo chính quyền các địa phương của các nước Hoa Kỳ, Lào, Campuchia... Đồng thời, tỉnh đã thiết lập mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với một số địa phương trọng điểm của các nước như: tỉnh Đông Flanders (Vương quốc Bỉ); thành phố Guri, Chuncheon (Hàn Quốc); các tỉnh Champasak, Bolykhamxay (CHDCND Lào).
 
Trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế, tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quan trọng, tập trung vào công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp và an sinh xã hội. Trong đó, có thể kể đến chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Thái Lan diễn ra từ ngày 3 - 7/10/2018, với sự tham gia của 19 doanh nghiệp địa phương, đã có 5 bản hợp đồng hợp tác được thương thảo để ký kết sau hội thảo. Hay gần đây nhất, vào tháng 3/2019 vừa qua, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh tại Hàn Quốc đã có 8 thỏa thuận quốc tế được ký kết. Tỉnh Lâm Đồng cũng thành lập đoàn công tác tham dự Hội nghị Hợp tác cấp địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ XI tại Toulouse (Pháp) từ ngày 1 - 2/4/2019 mở ra cánh cửa giao lưu, hợp tác với một số địa phương của Pháp, trước mắt là vùng Occitanie.
 
Một góc Khu Du lịch Làng Bình An - dự án do người Việt Nam từng sống nhiều năm ở nước ngoài đầu tư tại Lâm Đồng. Ảnh: Phan Nhân
Một góc Khu Du lịch Làng Bình An - dự án do người Việt Nam từng sống nhiều năm ở nước ngoài đầu tư tại Lâm Đồng. Ảnh: Phan Nhân
 
Theo đánh giá từ Sở Ngoại vụ tỉnh, việc Lâm Đồng đẩy mạnh hợp tác với các nhà đầu tư tiềm năng và truyền thống như JICA, JETRO (Nhật Bản), các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn đến từ Hàn Quốc, Đài Loan... đã góp phần tích cực vào việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương. 
 
Cụ thể, từ năm 2015 đến nay đã có hơn 30 thỏa thuận quốc tế được ký kết giữa tỉnh và các cơ quan trong tỉnh với các đối tác nước ngoài. Các chương trình hợp tác được triển khai cụ thể, có hiệu quả trong các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục, du lịch - dịch vụ. 
 
Theo đó, hàng năm, Lâm Đồng triển khai trên 30 chương trình, dự án, viện trợ phi dự án với tổng giá trị giải ngân đạt gần 2 triệu USD/năm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 32 tổ chức phi chính phủ được cấp giấy đăng ký hoạt động, triển khai các chương trình, dự án, viện trợ phi dự án. Nguồn viện trợ này đã góp phần không nhỏ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhất là trong các lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao năng lực cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực tại địa phương.
 
Cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, hoạt động ngoại giao văn hóa cũng ghi nhiều dấu ấn trong sự phát triển chung của tỉnh. Đây trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của Lâm Đồng nhằm hỗ trợ thúc đẩy hội nhập quốc tế, xúc tiến thương mại và giao lưu văn hóa. Điều này góp phần nâng cao uy tín, vị thế của địa phương; đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất con người Lâm Đồng đến với bạn bè trong và ngoài nước. Cụ thể, trong ngoại giao văn hóa, Lâm Đồng đã tổ chức những hoạt động giao lưu văn hóa đối ngoại phong phú và đa dạng như: Tuần lễ phim nước ngoài (Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản); biểu diễn nghệ thuật đậm nét văn hóa Nam Tây Nguyên tại các chương trình đón tiếp đoàn ngoại giao, hội nghị, hội thảo quốc tế, sự kiện lớn. Đặc biệt tại Festival Hoa Đà Lạt được tổ chức 2 năm/lần, với sự tham gia của gần 30 cơ quan đại diện ngoại giao, hiệp hội, tổ chức quốc tế đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh Lâm Đồng cũng phối hợp đón tiếp và hướng dẫn hàng chục đoàn phóng viên, báo chí nước ngoài đến hoạt động tại địa phương. Trong đó có những kênh truyền hình lớn của các nước như: CNN, KBS, NHK... Đây là cơ hội tốt để Lâm Đồng quảng bá những nét đẹp về văn hóa, thiên nhiên, con người ra thế giới.
 
Theo Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ - ông Trần Thanh Hoài, hiện Lâm Đồng đang sở hữu nhiều lợi thế: thành phố Đà Lạt được chính người phương Tây từ thế kỷ trước khẳng định “Thủ đô mùa hè của xứ Đông Dương”; thủ phủ của trà, tơ, lụa (B’Lao - Bảo Lộc); Cao nguyên cà phê: Di Linh - Lâm Hà; lúa gạo Cát Tiên; Di chỉ Cát Tiên; Alumin Bảo Lâm; rau, hoa Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng... Lâm Đồng cũng sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc K’Ho, Chu Ru, Châu Mạ, Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang, Mộc bản Triều Nguyễn, cồng chiêng... Đó là những chất liệu quý để làm nên một Lâm Đồng nhiều màu sắc, hấp dẫn bạn bè trong nước và quốc tế trong tiến trình hội nhập.
 
Ngoài các vấn đề nêu trên, trong thực hiện các nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tỉnh luôn xác định rõ vai trò của người Lâm Đồng ở nước ngoài. Đó là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường hợp tác hữu nghị nhằm đưa Lâm Đồng vươn ra thế giới. Bởi vậy, mỗi dịp tết đến xuân về, Lâm Đồng đều tổ chức chương trình gặp mặt bà con Lâm Đồng ở nước ngoài và thân nhân tham dự nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa bà con với quê hương và chính quyền địa phương. Đồng thời tạo cầu nối để bà con quảng bá, giới thiệu sâu rộng hình ảnh, văn hóa của Lâm Đồng đến gần hơn với các nước sở tại. Trên địa bàn Lâm Đồng hiện đang có 14 doanh nghiệp có vốn góp của người Việt Nam ở nước ngoài với khoảng 1.455,9 tỷ đồng (tương đương 64,1 triệu USD); đơn cử như: Công ty TNHH Hồng Lam - Madagui, Công ty Cổ phần Đua ngựa Thiên Mã - Madagui, Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ Đào Nguyên, Công ty TNHH trồng nấm Hoa Sen, V café Đà Lạt - Việt Nam, Công ty TNHH Maico Đà Lạt, Công ty Cổ phần Bò Kobe Việt Nam và Công ty cổ phần Làng Bình An. Với trên 3.000 bà con Lâm Đồng đang sinh sống tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, năm 2018 lượng kiều hối của Lâm Đồng đạt gần 60 triệu đô la.
 
Nhiệm vụ đặt ra trong công tác đối ngoại còn rất lớn. Tuy nhiên, những kết quả đạt được bước đầu đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển Lâm Đồng. Lâm Đồng hiện vẫn đang có nhiều chiến lược cho các hoạt động hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch của một vùng đất giàu tiềm năng, hữu nghị, năng động và phát triển, thực sự là điểm đến đầu tư an toàn.
 
N.NGÀ