Như một già làng

05:01, 07/01/2020

Ở Tổ dân phố 1C thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, bà con người Mạ trìu mến gọi ông là "già làng"; bà con người Kinh và các dân tộc thiểu số khác thì gọi ông là "K'Rung". Ông là Phan Văn Rung - hiện là Bí thư chi bộ, và đã có tới 14 năm làm tổ phó rồi tổ trưởng dân phố...

Ở Tổ dân phố 1C thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, bà con người Mạ trìu mến gọi ông là “già làng”; bà con người Kinh và các dân tộc thiểu số khác thì gọi ông là “K’Rung”. Ông là Phan Văn Rung - hiện là Bí thư chi bộ, và đã có tới 14 năm làm tổ phó rồi tổ trưởng dân phố. Đồng bào tin yêu ông vì ông gần gũi, chăm lo từ cái ăn, cái mặc, sự học hành của con trẻ đến những công việc lớn như ma chay, cưới xin... hàng ngày của mỗi gia đình.
 
Hội trường Tổ dân phố 1C là nơi chốn đi về như ngôi nhà thứ hai của ông Phan Văn Rung. Ảnh: N.T.T
Hội trường Tổ dân phố 1C là nơi chốn đi về như ngôi nhà thứ hai của ông Phan Văn Rung. Ảnh: N.T.T
 
Tổ dân phố 1C có 252 hộ thì có đến gần 140 hộ là người dân tộc thiểu số gốc địa phương, và các dân tộc thiểu số khác. Đa số bà con trước đây là nòng cốt của căn cứ cách mạng vùng Ba, có nhiều cán bộ lão thành sinh ra và lập nhiều chiến công trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc như: ông K’Đạ, ông K’Mui, bà Ka Hường, ông K’Muỗi v.v...
 
Bí thư chi bộ Phan Văn Rung cho biết: “Ở một địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (người Mạ, Tày, Nùng...) cùng chung sống, do phong tục tập quán còn khác nhau, thì việc quản lý và điều hành không dễ. Làm sao để bà con đoàn kết, tin yêu lẫn nhau, chung tay xây dựng đời sống tinh thần, vật chất ngày càng phát triển... là điều trăn trở thường ngày của chi bộ và ban điều hành tổ dân phố”.
 
Rồi ông kể chúng tôi nghe một kỷ niệm khó quên về việc vận động bà con đóng góp xây dựng hội trường tổ dân phố. Vì đất không có nên phải mua. Thế là ông cùng ban điều hành đến từng nhà, gặp từng người, ông nói, hội trường nó như cái nhà Rông của bà con trước đây. Có nó để làm điểm sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các lễ hội. Đây cũng là nơi trưng bày, biểu diễn các nhạc cụ: cồng, chiêng, tù và... Nghe ưng cái bụng, bà con bảo nhau cùng đóng góp. Chỉ trong thời gian ngắn, tổ dân phố thu được 31 triệu đồng. Thị trấn bổ sung trên 180 triệu đồng mua được 240 m2. Có đất, lại vận động tiếp để làm nhà. Mỗi hộ góp 500 ngàn đồng, thu được 100 triệu đồng. Huyện hỗ trợ 300 triệu đồng. Sau mấy tháng xây dựng, cuối năm 2015, một ngôi nhà to đẹp được dựng lên. Bà con phấn khởi thấy công sức của mình đã góp thành công trình trong hiện thực. Từ đó, những lần sinh hoạt tổ dân phố đều thu hút từ 80% trở lên số hộ tham gia. 
 
Có đất, có hội trường nhưng con đường đi vào còn lầy lội, nhiều bà con còn gợi ý ban điều hành tổ dân phố vận động tiếp. “Được lời như cởi tấm lòng”, lãnh đạo chi bộ và tổ dân phố dành riêng một ngày vận động, tập trung vào các gia đình người Mạ, nhằm làm đòn bẩy cho các hộ khác trong tổ dân phố. Sau một thời gian ngắn, con đường dài 250 mét, rộng 4 mét được trải đá, trong đó bà con ủng hộ 16 triệu đồng.
 
Diện mạo mới của Tổ dân phố 1C, thị trấn Đạ Tẻh có sự góp công lớn của ông Phan Văn Rung. Ảnh: N.T.T
Diện mạo mới của Tổ dân phố 1C, thị trấn Đạ Tẻh có sự góp công lớn của ông Phan Văn Rung. Ảnh: N.T.T
 
Suy tư một chút, ông trải lòng: Công tác dân vận đã góp phần giúp đồng bào các dân tộc thay đổi nếp sống, cách nghĩ; sống định canh, định cư, xây dựng tổ dân phố văn hóa, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm; không sinh hoạt đạo trái pháp luật hay tàng trữ vũ khí, buôn bán ma túy, v.v. Thông qua công tác dân vận, đồng bào các dân tộc đã nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá cách mạng nước ta. Tôi nhận thức được rằng: Khi mình “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con, càng thấy bà con thật thà, chất phác, thì dẫu mình chỉ là cán bộ thôn, nhưng cũng phải biết quan tâm thực sự đến đời sống, đến lợi ích hợp pháp, chính đáng, và biết phát huy quyền làm chủ của họ, từ đó mới tạo động lực để đồng bào trực tiếp tham gia vào các hoạt động xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh ở khu dân cư.
 
Đến thời điểm này, trong 107 hộ đồng bào Mạ, không ai thuộc diện hộ nghèo, trong khi đó bà con người Kinh còn ba hộ, tỷ lệ 0,2%. Do được vận động thường xuyên, trong đồng bào dân tộc thiểu số, cơ bản không còn người ăn nhậu, say xỉn vào những ngày cuối tuần như trước đó, tổ dân phố không còn thanh thiếu niên người dân tộc nào trong diện phải quản lý, giáo dục ở khu dân cư. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn được giữ vững.
 
Được hỏi về những chuyển biến tích cực trong xây dựng KT-XH-quốc phòng - an ninh ở Tổ dân phố 1C, Thường trực Đảng ủy thị trấn Đạ Tẻh có chung nhận xét: “Nguyên nhân sâu xa để 1C thành công là nhờ chi bộ, đứng đầu là đồng chí Phạm Văn Rung, Bí thư, cùng ban điều hành tổ dân phố và các đoàn thể đã làm tốt công tác dân vận. Bác Hồ dạy: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Dân vận vừa là mục tiêu, vừa là phương thức trong vận động cách mạng trên cơ sở các chính sách, đường lối, pháp luật; tất cả vì Nhân dân phục vụ, hợp với lòng dân, xuất phát từ Nhân dân để tạo sự đồng thuận, ủng hộ thì sẽ thành công. Đó cũng là bài học quý để thị trấn nhân rộng trên địa bàn trong thời gian tới”.
 
Ông Phan Văn Rung sinh ra ở Thái Thụy, Thái Bình. Sau ba năm phục vụ trong quân đội (1984 - 1987), về địa phương, ông vào Bình Phước làm thuê không thiếu việc gì, nhưng thu nhập cũng chẳng là bao. Cái câu ca truyền miệng trong dân gian: “Thái Bình có cái cầu Bo, có nhà máy cháo có lò đúc môi” ám ảnh mãi trong ông... Thế là, tháng 5 năm 1997 ông chọn Đạ Tẻh - Lâm Đồng làm đích đến để xây dựng và phát triển kinh tế.
 
Năm 2003, ông được cử làm Tổ phó Tổ dân phố 1C, đến năm 2004 bà con tín nhiệm bầu ông làm tổ trưởng cho đến năm 2017. Từ tháng 3/2017 Đại hội Cựu chiến binh bầu ông làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn. Hai năm sau, Đảng ủy thị trấn cử ông kiêm bí thư chi bộ. 
 
16 năm liên tục gắn bó với Tổ dân phố 1C và công tác Hội Cựu chiến binh của thị trấn, từ công to việc nhỏ, ông đều toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân và hoàn thành xuất sắc công tác Hội. Ba năm liền, ông được bình chọn danh hiệu đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hội Cựu chiến binh huyện đề nghị Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng khen tặng ông trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2014 - 2019.
 
Nhưng với ông Phan Văn Rung, phần thưởng mà ông thấy hạnh phúc và xứng đáng nhất là, ông được bà con người Mạ cũng như Nhân dân Tổ dân phố 1C rất yêu mến, tín nhiệm coi “người của buôn mình”.
 
Ký: NGUYỄN THƯỢNG THIÊM