Phát triển sản xuất dược chất phóng xạ phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh trong y học hạt nhân

01:07, 22/07/2020

Kỹ thuật hạt nhân ngày càng được ứng dụng có hiệu quả trong nhiều ngành khác nhau như công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, khử trùng, bảo quản và biến tính vật liệu, đặc biệt là trong lĩnh vực y học...

[links()]
 
Kỹ thuật hạt nhân ngày càng được ứng dụng có hiệu quả trong nhiều ngành khác nhau như công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, khử trùng, bảo quản và biến tính vật liệu, đặc biệt là trong lĩnh vực y học. Với việc sản xuất dược chất phóng xạ phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh, Viện Nghiên cứu Hạt nhân (NCHN) đang đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của nền y học hạt nhân (YHHN) Việt Nam. 
 
Sản xuất dược chất phóng xạ
Sản xuất dược chất phóng xạ
 
Đưa kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án khoa học áp dụng vào thực tế, 5 năm qua, Viện NCHN Đà Lạt đã nghiên cứu thành công nhiều sản phẩm mới ứng dụng trong YHHN để chẩn đoán và điều trị bệnh như: Nghiên cứu điều chế và sản xuất chế phẩm Ho-Chitosan định hướng trong điều trị ung thư gan; khảo sát điều kiện tối ưu để đánh dấu đồng vị phóng xạ Tc-99m với TRODAT-1; phục vụ chẩn đoán bệnh Parkinson giai đoạn sớm và phân biệt hội chứng Parkinson... Hiện nay, nhiều loại thuốc phóng xạ chính được sản xuất tại Viện gồm: tấm áp P-32 để điều trị các bệnh ngoài da; dung dịch I-131 dưới dạng tiêm và uống để chẩn đoán và điều trị bệnh bướu cổ; Tc-99m để hiện hình tìm các khối u bất thường trong não và tuyến nước bọt; các thuốc phóng xạ dưới dạng Kit in-vitro đánh dấu với Tc-99m để hiện hình chẩn đoán chức năng và bệnh lý các cơ quan nội tạng như tim, gan, thận, phổi, hệ tiêu hóa...
 
Trong 5 năm trở lại đây, số lượng thuốc phóng xạ do Viện điều chế, cung cấp năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân 630 Ci dược chất phóng xạ các loại/năm. 
 
Nếu 2016, Viện điều chế, cung cấp tổng cộng 440 Ci đồng vị phóng xạ các loại, doanh thu 14,31 tỷ đồng; thì đến năm 2019, Viện điều chế và cung cấp tổng cộng 1.030 Ci đồng vị phóng xạ các loại và hơn 3.700 lọ kit đánh dấu các loại, doanh thu đạt khoảng 40 tỷ đồng; giá cung cấp chỉ bằng 60% giá thuốc cùng chủng loại nhập ngoại. Đã cung cấp cho 25 cơ sở y tế, bệnh viện trên cả nước, phục vụ chẩn đoán và điều trị cho gần 600.000 bệnh nhân/năm. Để sản xuất ra lượng thuốc phóng xạ lớn, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã hoạt động 2.900 giờ/năm. Nhằm giãn số bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tập trung quá đông tại các cơ sở điều trị, Viện đã thiết kế và chế tạo thành công 2 hốc chiếu mới trong vùng hoạt của lò phản ứng nhằm nâng cao sản lượng sản xuất thuốc phóng xạ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Cụ thể, từ năm 2019, Viện đã cung cấp thuốc phóng xạ cho các bệnh viện với tần suất 1 tuần một lần thay vì 2 - 3 tuần một lần như trước đây. 
 
Trước sự bùng phát đại dịch COVID-19 vào tháng 4/2020, dù khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc, nhưng với quyết tâm của lãnh đạo Viện, sự đồng lòng của đội ngũ các nhà khoa học, Viện đã nỗ lực đảm bảo đủ dược phẩm phóng xạ cho các cơ sở YHHN khám và điều trị bệnh trong lúc đại dịch. Đội ngũ vận hành lò phản ứng và điều chế thuốc phóng xạ đã cải tiến quy trình sản xuất, bảo dưỡng thiết bị, tăng ca vận hành lò phản ứng để đảm bảo tối đa nguồn cung. Trong 4 tháng đầu năm 2020, lò phản ứng đã vận hành gần 1.300 giờ, tăng 1,8 lần; đã sản xuất và cung cấp 429 Ci thuốc phóng xạ, tăng 75% so với cùng kỳ 2019, đảm bảo đủ thuốc phóng xạ cho các cơ sở khám và điều trị bệnh trên cả nước. 
 
Sản phẩm dược chất phóng xạ của Viện được ứng dụng rộng rãi tại các khoa YHHN một cách an toàn, hiệu quả, đã khẳng định chất lượng của các sản phẩm tốt, ổn định và an toàn, công việc này không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng mà còn đóng góp thiết thực thúc đẩy sự ra đời và phát triển bền vững của các khoa YHHN trong cả nước. Nếu năm 1984, cả nước chỉ có 2 khoa YHHN tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy; thì đến nay đã có 23 khoa tại bệnh viện các tỉnh và nhiều trung tâm YHHN tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với nhiều thiết bị hiện đại ngang tầm thế giới. 
 
Không chỉ cung cấp thuốc phóng xạ trong nước, Viện đã chủ động mở rộng thị trường quốc tế. Từ năm 2018, đã tiến hành xuất khẩu đồng vị phóng xạ sang Campuchia, cung cấp 37 đợt (12,4 Ci) thuốc phóng xạ, tạo điều kiện cho nước bạn phát triển YHHN; đồng thời hỗ trợ đào tạo, tư vấn cho phía bạn để xây dựng Trung tâm YHHN phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh. Tiếp tục liên kết với Bệnh viện Quân Y 175, khai thác một phòng thí nghiệm Hóa dược phóng xạ phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo và mở rộng dịch vụ. Hỗ trợ, tư vấn cho Khoa YHHN, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng để xây dựng thành Trung tâm YHHN lớn mạnh trong khu vực phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh. “Để đạt được thành quả đó, các nhà khoa học, người lao động của Viện đã không ngừng nỗ lực, thầm lặng cống hiến trong điều kiện làm việc đặc thù riêng của môi trường bức xạ cao, làm việc cả ngày cuối tuần” - TS.Bùi Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ - người có 33 năm gắn bó với Viện NCHN cho biết.
 
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, quy trình sản xuất dược chất phóng xạ cũng được hoàn thiện và tối ưu mọi mặt. Năm 2017, Viện đã cải tiến quy trình kỹ thuật điều chế I-131 tăng năng suất, chất lượng, bảo đảm tăng sản lượng và ổn định sản xuất. Hiện nay Viện đang đầu tư 10 tỷ đồng để nâng cấp dây chuyền sản xuất thuốc phóng xạ đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc” (WHO-GMP) để đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất thuốc của Việt Nam và hội nhập quốc tế. Từ đó, sẽ làm tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm và nâng cao uy tín của ngành hạt nhân Việt Nam đối với các đối tác trong và ngoài nước. Đồng thời, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả và vai trò quan trọng của ngành năng lượng hạt nhân vào công cuộc hiện đại hóa nền y học nước nhà.
 
THÁI AN