Củng cố mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới

04:07, 21/07/2020

Nhân lực toàn ngành Y tế Lâm Đồng hiện có 4.377 người, trong đó tuyến huyện 1.530 người và tuyến xã 923 người...

Nhân lực toàn ngành Y tế Lâm Đồng hiện có 4.377 người, trong đó tuyến huyện 1.530 người và tuyến xã 923 người. Có 90,5% trạm y tế xã có bác sỹ; 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi và 100% thôn, bản thuộc xã có nhân viên y tế thôn bản. Đặc biệt, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn (142/142) có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. 
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao đổi về công tác dược tại Trạm Y tế xã Tân Văn (Lâm Hà)
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao đổi về công tác dược tại Trạm Y tế xã Tân Văn (Lâm Hà)
 
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở
 
Đến nay, các trạm y tế xã trong tỉnh đã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; thực hiện việc cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân, hướng đến việc theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em; phòng chống các bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm, quản lý các bệnh mạn tính; khám bệnh, chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ và kết nối, chuyển người bệnh vượt quá khả năng lên các cơ sở y tế tuyến trên kịp thời.
 
Các trung tâm y tế huyện, thành phố từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao năng lực y tế dự phòng đủ khả năng kiểm soát dịch bệnh; phát triển các dịch vụ, kỹ thuật y tế trong khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó bao gồm cả lĩnh vực xét nghiệm, cận lâm sàng bảo đảm thuận lợi, phù hợp để thực hiện đầy đủ các kỹ thuật điều trị đa khoa và chăm sóc cơ bản, thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn, gắn kết chặt chẽ hoạt động của trung tâm y tế huyện với các phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã. Thực hiện chăm sóc toàn diện cho người bệnh; lấy người bệnh làm trung tâm; xây dựng chương trình bảo đảm và cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng phù hợp đối với các bệnh viện tuyến huyện, từng bước nâng cao chuẩn theo “Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam” của Bộ Y tế. Thực hiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn, có cơ chế khuyến khích y tế tư nhân tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
 
Phấn đấu triển khai thực hiện đầy đủ danh mục dịch vụ kỹ thuật, danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại cơ sở y tế xã, huyện để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ bảo hiểm y tế ngay tại y tế cơ sở. Cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng, giá cả hợp lý các loại thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao phục vụ cho nhu cầu điều trị và nhu cầu đột xuất khác từ bệnh viện cho đến các trạm y tế xã tương ứng với từng giai đoạn phát triển, đảm bảo theo lộ trình triển khai danh mục kỹ thuật của tuyến huyện và xã. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị. Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến y tế cơ sở trong tỉnh năm 2017 là 79%, năm 2018 là 81%, năm 2019 là 83%.
 
Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của y tế cơ sở
 
Bộ Y tế đánh giá cao ngành Y tế Lâm Đồng đã hoàn thành thực hiện 100% nhân lực làm việc tại trạm y tế xã được đào tạo “Chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình”; 100% trưởng trạm y tế xã được đào tạo về quản lý y tế. Hoàn thành công tác đầu tư trang thiết bị cơ bản, labo thực hành tiền lâm sàng để phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo liên tục cho Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật Y học Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Lâm Đồng. Đầu tư 6 cơ sở thực hành lâm sàng tại 6 Trung tâm Y tế huyện: Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Đạ Huoai, Đà Lạt và 3 trạm t tế xã được trang bị gói thiết bị chăm sóc cơ bản theo nhu cầu thực tế đủ điều kiện triển khai mô hình bác sỹ gia đình.
 
Hiện nay, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn được trang bị phần mềm để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh, thanh quyết toán bảo hiểm y tế; phần mềm quản lý tiêm chủng mở rộng, phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm do Cục Y tế dự phòng cung cấp; phần mềm báo cáo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh và hiện đang sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử do Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế cung cấp.
 
Thực hiện triển khai hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử tại 142 trạm y tế xã phường, thị trấn đang triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, tuy nhiên còn gặp những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để từng bước hoàn thiện.
 
Tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua nhiều hình thức đào tạo, ngành đã cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn tại các tuyến đáp ứng cơ bản nhu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Giai đoạn 2017-2019, UBND tỉnh tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực y tế theo địa chỉ cho 63 bác sĩ đa khoa, 7 dược sĩ đại học. Trong giai đoạn từ năm 2017- 2019, ngành Y tế tỉnh đã tuyển dụng được 1.181 chỉ tiêu.
 
Một số định hướng phát triển hệ thống y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025
 
Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở (theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025). Đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở để phát triển chuyên khoa cho bệnh viện tuyến huyện, nguyên lý y học gia đình cho các phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế. Xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình sức khỏe Việt Nam và các hoạt động lĩnh vực y tế dự phòng giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển hệ thống y tế cơ sở. Sở Y tế, các đơn vị tuyến tỉnh tăng cường giám sát hỗ trợ cho trung tâm y tế các huyện, thành phố; phòng khám đa khoa khu vực; trạm y tế xã, phường, thị trấn. Phát triển công nghệ thông tin hỗ trợ cho y tế cơ sở trong quản lý các hoạt động khám chữa bệnh, y tế dự phòng, quản lý hồ sơ sức khỏe cho người dân.
 
AN NHIÊN