"Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay" - Hồ Chí Minh.
“Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”- Hồ Chí Minh.
|
Khu tưởng niệm rất rộng và tôn nghiêm |
|
Nhà tưởng niệm |
Chúng tôi có mặt tại Khu lưu niệm (KLN) Tổng Bí thư Lê Hồng Phong trong cao điểm nhiệt độ của tháng 6 lên trên dưới 40oC. Di tích Lịch sử cấp Quốc gia này nằm tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 10 km về phía Tây Nam, cách trung tâm huyện Hưng Nguyên 5 km về hướng Đông Nam. Tổng diện tích khuôn viên KLN 31.229 m2, trong đó có 2 khu vực chính là KLN (vốn là Di tích gốc) và Khu tưởng niệm, xây dựng năm 2009, đưa vào sử dụng năm 2012. KLN gốc chất chứa sự bình dị của thôn quê với nhiều cây hoa trái, còn Khu tưởng niệm là những kiến trúc bề thế và tôn nghiêm. Khu Di tích gốc bao gồm ngôi nhà tranh, gắn với tuổi thơ đồng chí Lê Hồng Phong với những hiện vật đơn sơ mộc mạc và rất gần gũi như: bàn và trường kỷ; phản nằm và chạn; chõng tre; cối xay lúa; chày giã gạo… Bên cạnh là nhà Phụ mẫu từ đường làm nơi thờ phụng cha, mẹ của đồng chí Lê Hồng Phong. Kế nữa là Lạc thiện đàn, nơi thờ Mẫu, và nơi đồng chí Lê Hồng Phong cùng nhiều đồng chí từng được truyền bá tư tưởng yêu nước và tiến bộ.
Chúng tôi tham quan Khu tưởng niệm (gồm nhà tưởng niệm, tả vu và hữu vu) theo sự giới thiệu của hướng dẫn viên Lê Thị Thu. Nhà tưởng niệm ở vị trí trung tâm trang trọng đặt ban thờ đồng chí Lê Hồng Phong. Hai nhà tả vu và hữu vu trưng bày rất nhiều tư liệu và hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong. Đồng chí Lê Hồng Phong sinh ngày 6/9/1902, trong một gia đình nề nếp gia phong, bố là ông Lê Huy Quán, Chánh tổng Thông Lãng, mẹ là bà Phạm Thị Sau, một người phụ nữ tảo tần, hết mực yêu thương chồng con. Đồng chí Lê Hồng Phong lớn lên và giác ngộ sớm trong môi trường đặc biệt ấy. Hai mươi hai tuổi, đồng chí qua Thái Lan rồi tìm đường sang Trung Quốc. Tại đây, đồng chí Lê Hồng Phong được được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn tham gia lớp huấn luyện chính trị đặc biệt và gửi đi học tại nhiều trường ở Trung Quốc, Liên Xô. Tháng 3/1935, tại Đại hội I Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức ở Ma Cao, Trung Quốc, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư. Tháng 7/1935, đồng chí dẫn đầu Đoàn đại biểu tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Moskva và được tín nhiệm bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về Việt Nam, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng tại Sài Gòn. Ngày 22/6/1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, kết án 6 tháng tù giam và sau khi mãn hạn bị quản thúc tại quê nhà. Tháng 1/1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt lần thứ 2 và giam tại Khám Lớn, Sài Gòn, sau đó bị đày ra Côn Đảo. Kẻ thù giở hàng loạt trận tra tấn tàn ác và dã man nhưng không thể lung lạc chí khí cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong. Ngày 6/9/1942 (26/7 năm Nhâm Ngọ), do kiệt sức, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã hy sinh.
Bốn mươi tuổi đời, 20 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Lê Hồng Phong đã có những cống hiến rất lớn cho phong trào cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét về các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ…: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.
KLN Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ngày nay có nhiều giá trị về mặt lịch sử văn hóa. Di tích đã trở thành “địa chỉ đỏ” quan trọng trong giáo dục truyền thống yêu nước và ý thức cách mạng cho thế hệ trẻ. Theo hướng dẫn viên Lê Thị Thu, hàng năm, khu Di tích thu hút hàng chục nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập. Nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước về thăm và tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa thành kính tưởng nhớ tới công lao to lớn của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.
|
Những đồ dùng mộc mạc gắn với thời ấu thơ của đồng chí Lê Hồng Phong |
|
Ống nhòm của đồng chí Lê Hồng Phong lúc học tập ở Trung Quốc |
MINH ĐẠO