"Ươm" mầm non nơi vùng sâu

05:07, 03/07/2020

Vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, các cô giáo mầm non công tác tại huyện vùng sâu Đam Rông đang ngày ngày ra sức "ươm" mầm trẻ thơ nơi núi rừng bằng nhiệt huyết với nghề và đặc biệt là tình yêu thương con trẻ.

Vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, các cô giáo mầm non công tác tại huyện vùng sâu Đam Rông đang ngày ngày ra sức “ươm” mầm trẻ thơ nơi núi rừng bằng nhiệt huyết với nghề và đặc biệt là tình yêu thương con trẻ.
 
Cô giáo Lê Thị Ánh - Trường Mầm non Liêng Srônh
Cô giáo Lê Thị Ánh - Trường Mầm non Liêng Srônh
 
Đến với vùng đất Đam Rông từ những ngày đầu mới ra trường, đến nay cô Lê Thị Ánh - giáo viên Trường Mầm non Liêng Srônh đã có gần 15 năm gắn bó với những đứa trẻ dân tộc thiểu số. Khi ấy nơi đây người dân chưa quan tâm đến việc học của con, nhất là trẻ lứa tuổi mầm non thường theo cha mẹ lên nương rẫy. Vì thế, việc vận động trẻ ra lớp là điều hết sức khó khăn. Bằng niềm say mê nghề của một giáo viên trẻ mới ra trường, cô Ánh đã không quản ngại khó khăn, vất vả đến từng nhà vận động người dân cho con em đến trường. Cô dành nhiều thời gian trò chuyện để người dân hiểu việc cần thiết cho trẻ đến trường cũng như tầm quan trọng cho trẻ hòa nhập vào cộng đồng trong việc dạy trẻ ở trường mầm non. Cô dạy dỗ và chăm sóc trẻ như một người mẹ hiền nên phụ huynh dần yên tâm cho con đi học. Bên cô, trẻ trở nên mạnh dạn, hoạt bát, vui vẻ và hòa đồng cùng bạn. Lớp học của cô lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười.
 
Công tác tại ngôi trường vùng sâu, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thế nhưng cô Ánh không hề nản lòng. Cô luôn đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và kiến thức đã được học tập của mình, cũng như học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Nhờ đó mà lớp cô chủ nhiệm luôn duy trì sĩ số trẻ đạt 100%, không có trẻ bỏ học giữa chừng; 100% trẻ đạt được các mục tiêu của Bộ chuẩn trẻ 5 tuổi. “Làm cô giáo mầm non không chỉ dạy mà còn phải dỗ các cháu, phải yêu thương trẻ như người mẹ hiền thì trẻ mới yêu thích đến lớp và hứng thú tham gia các hoạt động”, cô Ánh chia sẻ. Ngoài giờ ở lớp, cô còn tranh thủ thời gian đến động viên gia đình của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đưa trẻ ra lớp. Nhờ đó mà cô đã kịp thời huy động, giúp đỡ để nhiều trẻ có cơ hội đến trường. 
 
Cô giáo Đào Thị Kim Anh - Trường Mầm non Đạ Rsal
Cô giáo Đào Thị Kim Anh - Trường Mầm non Đạ Rsal
 
Còn với cô Đào Thị Kim Anh - giáo viên Trường Mầm non Đạ Rsal, sau một thời gian công tác tại quê hương Nghệ An, cô lại bén duyên với vùng đất Tây Nguyên và gắn bó với ngôi trường vùng sâu này suốt hơn 10 năm qua. Hàng ngày nhìn thấy sự thiếu thốn nhưng hồn nhiên của những đứa trẻ nơi đây khiến cô thêm thương yêu và quyết định gắn bó với ngôi trường này. Cô luôn nỗ lực trong công việc, là một giáo viên nhiệt tình, trách nhiệm, đi đầu trong mọi công tác. Đối với trẻ, cô luôn dành tình yêu thương như người mẹ hiền, luôn chia sẻ và đồng hành với những trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Cô luôn nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, sáng tạo trong các hoạt động và đạt hiệu quả cao trong việc hình thành cho trẻ thao tác, kỹ năng tư duy mới. Cô rất thành thạo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp trong chuyên môn cũng như trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.
 
Không chỉ giỏi về chuyên môn, cô Kim Anh còn là một điển hình tích cực trong mọi hoạt động phong trào của nhà trường. Cô là một Bí thư Đoàn thanh niên đầy năng nổ. Với chuyên môn tốt và tấm lòng yêu thương trẻ, cô được phụ huynh tin tưởng, đồng nghiệp yêu quý. Trong hơn 11 năm công tác tại ngôi trường vùng sâu này, cô luôn được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, nhiều năm được công nhận đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm học 2014 - 2015 cô đoạt giải Nhì nghiệp vụ sư phạm trẻ cấp tỉnh, năm học 2015 - 2016 cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Cô là một tấm gương điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Trường Mầm non Đạ Rsal.
 
VIỆT HÙNG