Tỷ phú na Thái trên vùng đồi đá Gia Hiệp

05:09, 10/09/2020

Không ai có thể ngờ, trên những đồi đá khô cằn tại xã Gia Hiệp lại cho những quả na Thái có trọng lượng 500 - 600 g, thậm chí có quả hơn 1  kg, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng cho chủ trang trại.  

Không ai có thể ngờ, trên những đồi đá khô cằn tại xã Gia Hiệp lại cho những quả na Thái có trọng lượng 500 - 600 g, thậm chí có quả hơn 1  kg, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng cho chủ trang trại.  
 
Anh Vũ Trọng Hiển, người tiên phong đưa cây na Thái canh tác tại địa phương và cũng là tỷ phú na Thái đầu tiên ở Lâm Đồng
Anh Vũ Trọng Hiển, người tiên phong đưa cây na Thái canh tác tại địa phương và cũng là tỷ phú na Thái đầu tiên ở Lâm Đồng
 
Đến xã Gia Hiệp, hỏi đến anh Vũ Trọng Hiển thì ai cũng biết. Người ta thường gọi anh là Hiển “khùng”, bởi cái tính liều lĩnh, dám nghĩ, dám làm những điều mà chưa ai nghĩ đến. Để tìm đến được trang trại của anh, du khách phải vượt qua nhiều đoạn đường đất, đá lởm chởm. Chạy dọc trên đường đi là những vườn cà phê, thấp thoáng vài ngôi nhà gỗ, dân cư thưa thớt. Trang trại của anh Hiển nằm trên ngọn đồi hầu như chỉ toàn đá, bên dưới là con suối nhỏ đổ ra hồ Thủy điện Đồng Nai 1. 
 
Tôi vô cùng kinh ngạc, không phải vì số tài sản hay diện tích canh tác lớn lao này mà vì công sức anh đã bỏ ra để “hô biến” một đồi đất với toàn đá thành một trang trại xanh mướt. Anh vồn vã bắt tay tôi như những người đã quen biết từ lâu. Anh giục mọi người ra vườn hái ít na, bưởi về đãi khách.
 
Qua cuộc trao đổi tôi có cảm nhận, ở anh có một sự am hiểu cặn kẽ về mọi mặt của cây na Thái. Anh vừa giỏi giang, vừa đầy tâm huyết trong việc đưa loại cây ăn quả quý giá nhưng vô cùng mới mẻ này bén rễ đến nhiều vùng đất khô cằn, sỏi đá trong tỉnh.
 
Tôi bật phần ghi âm của máy điện thoại để ghi lại cuộc trao đổi với anh thật là thú vị này. Phần gỡ băng thực sự có khó khăn nên chỉ xin coi đây là một phần của cuộc trao đổi đầy hào hứng trong ngày hôm ấy:
 
Cho tôi ghi lại tên anh? - Anh tên Vũ Trọng Hiển, sinh năm 1968, thôn Phú Hiệp, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh. Cả cơ ngơi này mới trải qua có 10 năm thôi. 
 
Tại sao anh lại chọn mảnh đất đồi đá này để lập trang trại? - Năm 2010 tôi mới vào đây mua đất. Hồi ấy đất rẻ lắm, để mua 5,5 ha đất đồi này chỉ hết 500 triệu đồng, tính ra chưa đến 100 triệu đồng/ha. Mua thì dễ, nhưng lại mơ hồ vì chưa biết đầu tư phát triển cây, con gì cho có hiệu quả kinh tế. Bởi vùng này chỉ toàn đá, các hộ dân canh tác một thời gian dài họ vẫn không làm được gì. Nhưng ý nghĩ trước mắt là phải nhanh chóng cải tạo đất cái đã. Thế là tôi đưa máy xúc vào đào đá lên, dọn bớt cây dại để phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng việc trồng 900 cây mắc ca. 
 
Rồi sau đó anh trồng na Thái ngay à? - Không! Ở khu vực đồi đá này, trước giờ người dân có canh tác được loại cây công nghiệp hay ăn quả gì đâu. Nên trồng mắc ca xong, tôi tạm cho người dân địa phương canh tác trồng đậu, bắp với mục đích giữ đất là chính. Nhưng được một thời gian thì họ không làm nổi nữa nên đành bỏ hoang. 
 
Mãi đến năm 2015, trong một chuyến đi Xuân Lộc - Đồng Nai, tôi tình cờ được đến thăm một vườn trồng na Thái ở đây, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với đất vườn của mình, thế là tôi hỏi mua 1.000 cây giống để mang về trồng thử nghiệm. Thật bất ngờ là giống na Thái này đã tỏ ra thích nghi tốt, phù hợp với điều kiện đất đai cũng như khí hậu tại địa phương. 
 
Sau 1 năm trồng, chăm sóc, cây na bắt đầu ra hoa cho quả bói, nhưng tôi chỉ để lại một vài cây sai quả đầu tiên để theo dõi. Kết quả cho thấy, cây na Thái cho quả to, ngọt. Đến năm thứ 2 thì toàn bộ 1.000 cây na cho thu hoạch lứa đầu tiên, trung bình mỗi gốc từ 5-7 kg. Nắm chắc phần thắng trong tay, năm 2017 tôi tiếp tục mua thêm 3.000 cây giống, trồng hết trên diện tích còn lại trong vườn. 
 
Vậy giờ anh đã thu hồi vốn chưa? - Chưa đâu, đến hết năm 2019 còn phải góp thêm, phải hòa vốn đã rồi mới tính chuyện khác chứ! 
 
Na Thái đã có đầy trang trại rồi mà? - Đúng là đã có từ cách đây 3 năm rồi, nhưng chưa ăn thua gì. Hàng năm vẫn phải góp thêm vào. Hy vọng năm nay mới đủ lấy thu bù chi. Năm ngoái vẫn còn phải chi thêm đấy!
 
Sao cần thêm nhiều tiền thế? - Phải chi mua phân bón, thuốc trừ sâu, chi lương cho công nhân, đặc biệt là đầu tư để đồng bộ hệ thống hạ tầng trang trại và hoàn thiện lắp đặt khoa học kỹ thuật, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao... Năm ngoái thu được có hơn 1 tỷ thôi, vì cây vẫn còn nhỏ mà.
 
Vậy là năm nay có lãi hở anh? - Hy vọng là vậy, thế là nhanh rồi. Trồng cây ăn quả đâu có nhanh được? Bạn biết đấy, làm nông nghiệp rủi ro còn có thể nhiều lắm.
 
Thế so sánh với các loại cây ăn quả khác thì anh thấy sao? - So với cây bơ hay sầu riêng thì cây na Thái của tôi sẽ trụ được. Tôi tính cho bạn xem nhé, năm nay mỗi cây na trung bình sẽ cho khoảng 8 - 10 kg quả, với khoảng 4.000 cây đang hiện có thì tôi thu về hơn 30 tấn quả. Năm nay, do dịch COVID-19 nên mỗi kg na có giá tại vườn giảm một nửa, chỉ còn 40.000 đồng nên chỉ thu hơn 1 tỷ đồng. Nếu so với cây ăn quả khác thì vẫn tốt hơn, còn so với cà phê ở đất này thì hơn chục lần là cái chắc. 
 
Vậy còn các cây trồng khác trong vườn thì sao? - Mặc dù tôi trồng khá nhiều loại cây ăn quả, nhưng mọi công sức và tâm huyết đều dành hết cho cây na nên chế độ chăm sóc các cây khác không bằng. Nhưng kể ra, thu nhập các loại cây trên cũng lên đến hơn 700 triệu đồng chứ chẳng chơi. Đơn cử như với 900 cây mắc ca, vụ vừa rồi tôi thu hơn 4 tấn quả, doanh thu 300 triệu đồng; còn 500 cây mít thái, 300 cây xoài Đài Loan, 200 cây bưởi cũng cho thu nhập lên đến 500 triệu đồng. 
 
Thế thị trường tiêu thụ loại quả này ra sao? - Trên thị trường hiện nay, loại trái cây này tiêu thụ mạnh lắm, cung đâu có đủ cho cầu. Mỗi ngày, tôi chỉ bỏ tầm 2 giờ đi cắt trái là thu từ 2 - 3 tạ quả, sau đó phân loại rồi đóng cho thương lái tại huyện Đức Trọng để họ đưa đi tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Vì là loại cây trồng mới, thời gian ra hoa, đậu trái và thu hoạch kéo dài, trong khi diện tích lại rất ít nên bán chạy lắm.
 
Anh điều khiển được mùa vụ à? - Cái này thì không khó! Từ tháng Giêng trở đi, mỗi ngày tôi cùng cộng sự chỉ cắt cành, lặt lá khoảng từ 100 - 200 gốc na. Nếu là cây khỏe, đúng 15 ngày sau sẽ ra hoa, còn cây yếu hơn là 20 ngày, hoa được thụ phấn theo từng đợt, rải đều sau 5 tháng và quả chín từ từ.
 
Vùng đồi đá Gia Hiệp này rất khác với đất Nam Bộ. Khi trồng cây con cần đào hố sâu, đổ phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh để bón lót, nếu đất đỏ bazan thì đào hố sâu từ 80 cm trở lên; còn nếu đất mỡ gà, đào nông hơn (40 - 50 cm). Ở đây vào mùa khô nóng lắm, trồng sâu cây mới sống được, nếu trồng cạn vào mùa nắng cây chết hết. 
 
Vùng đất khô hạn thế này anh tưới như thế nào? - Đây là cái khó nhất của trang trại. Cây na Thái không cần nhiều nước, nhưng thiếu nước thì cây ít ra hoa, đậu trái nhỏ. Việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm hay nhỏ giọt, tôi muốn lắm nhưng không thể lắp đặt được. Ở đây đất đá và dốc lắm. Để tạo thuận lợi cho việc tưới, tôi xây bể chứa ở trên đỉnh cao, bơm nước lên rồi lại tiếp tục dùng máy bơm đi tưới cho từng gốc. 
 
Anh có giúp đỡ gì bà con bản địa ở vùng này không? - Có chứ! Lúc đầu thấy tôi trồng na, bà con còn tưởng tôi trồng ổi, vì nhìn lá khá giống nhau. Thế rồi sau 1 rồi 2 năm, vườn na liên tục sai quả, bà con trong khu vực tự tìm đến tham quan, học hỏi. Ai cần giống thì tôi chỉ chỗ uy tín, thậm chí đặt mua giống giùm. Ai cần hỗ trợ kỹ thuật thì tôi bày cho, ai cần tôi đến vườn hỗ trợ thì tôi cũng đến luôn. Đến hiện tại cũng có vài anh em trong vùng trồng na giống tôi, với tổng diện tích gần 10 ha rồi.
 
Mong muốn lớn nhất của tôi là đưa cây na Thái này nhân rộng ra. Trước là những vùng đất đồi đá như Gia Hiệp, sau mở rộng ra Di Linh, rồi phát triển thành tổ hợp tác sản xuất luôn. Đợt vừa rồi tôi ra Hà Nội thăm bạn, cơ duyên thế nào bạn lại lấy đúng trái na của trang trại ra mời tôi. Nhưng tôi giật mình khi biết giá mỗi kg na Thái tới người tiêu dùng lên đến gần 200.000 đồng/kg. Trái na của tôi bây giờ đã có thị trường rồi. Nhưng nếu siêu thị hay chợ cần số lượng lớn, ổn định, chỉ mình tôi thì không ăn thua. Mình phải mở rộng, liên kết sản xuất, rồi tiêu thụ luôn. Có như vậy, hiệu quả kinh tế mang lại cho người nông dân mới cao. 
 
Tôi xin ghi lại địa điểm của trang trại này của anh để bà con trong tỉnh ai muốn mở mang trang trại thì nên đến đây mà học! - Vâng, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ. Nông dân mình phải mở rộng cửa để học hỏi và hợp tác thì mới chuyển sang làm ăn lớn và ổn định được. Trang trại na Thái của tôi tên Trọng Hiển, thuộc thôn Phú Hiệp, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh.
 
“Na Thái được trồng tại địa phương có trọng lượng khá lớn, có quả nặng gần 1 kg, vị ngọt thanh, thơm và ít hạt hơn so với na thường. Dù mới cho vài lứa thu hoạch đầu tiên, nhưng một gốc na Thái trưởng thành mỗi vụ có thể cho thu hoạch 15 - 20 kg quả/gốc. Giá bán mỗi kg na Thái từ 65.000 - 100.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần giá bán na thường, tuy nhiên vẫn không đủ cung cấp… hứa hẹn mở ra nhiều tiềm năng phát triển kinh tế cho người dân địa phương”.
Ông Đoàn Ngọc Tuyền - Bí thư Đảng ủy xã Gia Hiệp
 
HOÀNG SA