Hội thảo khoa học "Đạo đức, lối sống của học sinh hiện nay - thực trạng và giải pháp"

08:11, 05/11/2020

(LĐ online) - Ngày 4/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Đồng phối hợp cùng Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức hội thảo khoa học "Đạo đức, lối sống của học sinh hiện nay - thực trạng và giải pháp"...

(LĐ online) - Ngày 4/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Đồng phối hợp cùng Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức hội thảo khoa học “Đạo đức, lối sống của học sinh hiện nay - thực trạng và giải pháp” với sự tham dự của gần 100 nhà khoa học, nhà sư phạm tâm huyết với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. 
 
Ông Lâm Hoàng Long - Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý xã hội Lâm Đồng phát biểu đề dẫn
Ông Lâm Hoàng Long - Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý xã hội Lâm Đồng phát biểu đề dẫn
 
Ông Lâm Hoàng Long - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý xã hội Lâm Đồng, ông Thái Văn Long - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, ông Huỳnh Quang Long - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo đã chủ trì hội thảo. 
 
Phát biểu đề dẫn, ông Lâm Hoàng Long nhấn mạnh: Hội thảo nhằm tìm hiểu về thực trang đạo đức và lối sống của học sinh trong tỉnh; sự biến động về giá trị đạo đức lối sống; vai trò của người lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Từ đó, chỉ ra những nguyên nhân, đề xuất các giải pháp, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, các giá trị đạo đức lối sống tích cực, khắc phục những biểu hiện đạo đức lối sống không phù hợp của học sinh. 
 
18 tham luận đã nêu bật thực trạng, nguyên nhân về tình hình đạo đức, lối sống học sinh hiện nay; nhận thức và định hướng, quan điểm khoa học và giải pháp. Các tham luận đã chỉ rõ thực trạng: Căn bệnh vô cảm ở học sinh trung học phổ thông hiện nay là một trong những vấn đề nhức nhối. Biểu hiện của căn bệnh này ở học sinh là không biết nói lời “xin lỗi” khi có lỗi, ít vỗ tay khi tham gia các hoạt động cộng đồng, bị điểm kém không buồn, điểm giỏi không vui; nhiều em dửng dưng thờ ơ với bạo lực học đường, không dám lên tiếng phản đối cái xấu, bảo vệ điều hay lẽ phải, có em còn coi đó là thú vui “tiêu khiển” bằng việc đứng xem, chụp hình, quay phim tung lên mạng xã hội, thậm chí còn chửi bới “phụ họa”, cổ súy cho hành động phi nhân tính của bạn mình. Vẫn còn một bộ phận học sinh lười biếng, thiếu trung trực trong học tập rèn luyện, điều đó thể hiện bằng hiện tượng quay cóp với thủ đoạn ngày càng tinh vi nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật số hiện đại. Tình trạng quan hệ tình dục sớm trong giới trẻ; trong đó, có một bộ phận nhỏ học sinh đã dẫn tới hậu quả về mặt tinh thần, thể chất. Sau thời gian học tập, nhiều em dành phần lớn thời gian giải trí qua mạng xã hội, có xu hướng cổ súy, bắt chước và thực hành những câu nói và hành động vô nghĩa. Thực trạng nói tục chửi thề ở mạng xã hội, ở trường học vi phạm đạo đức học sinh và quy tắc ứng xử học đường, dẫn tới mâu thuẫn, gây xung đột và leo thang bạo lực học đường. 
 
Nguyên nhân của thực trạng giảm sút về đạo đức, lối sống của học sinh là do mặt trái của kinh tế thị trường, sự nuông chiều của gia đình, sự thiếu kiểm soát của nhà trường quá chú trọng dạy về kiến thức mà không chú trọng “dạy người”. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã làm thay đổi đời sống con người, giới trẻ ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị thông minh, thời gian sống ảo trên mạng xã hội của học sinh ngày càng tăng, sự tương tác giao tiếp trực tiếp với cộng đồng xã hội ít dần đi khiến học sinh trung học thiếu đi những kỹ năng sống cơ bản: Kỹ năng tư duy (tư duy phê phán, tư duy sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, nhận thức được hậu quả), kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, công việc (đặt mục tiêu, đảm nhận trách nhiệm, ứng phó với căng thẳng, kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin), kỹ năng giao tiếp xã hội (tự khẳng định, thương lượng, hợp tác, làm việc theo nhóm, thể hiện sự chia sẻ, cảm thông). 
 
Nhiều giải pháp cũng được đưa ra nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong gia đình, nhà trường và xã hội; bên cạnh việc giáo dục các em về pháp luật, thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa, giá trị nhân văn, nhân bản thì vai trò làm gương của người lớn, của các bậc cha mẹ và các thầy cô là rất quan trọng.
 
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà sư phạm trao đổi các luận điểm, luận cứ khoa học về đạo đức, lối sống, trên cơ sở đó khẳng định những chuẩn mực giá trị đạo đức, lối sống hiện đại trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đối với thế hệ trẻ, xây dựng cốt cách, bản sác con người trong xu thế hội nhập góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
QUỲNH UYỂN