Nhìn lại 5 năm tham gia bảo vệ môi trường của các tổ chức tôn giáo

06:11, 24/11/2020

Thực hiện chủ trương chung của Đảng về phát triển kinh tế bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường, Lâm Đồng đã "đi trước đón đầu" về nhiều mặt, trong đó có chương trình phối hợp với các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Thực hiện chủ trương chung của Đảng về phát triển kinh tế bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường, Lâm Đồng đã “đi trước đón đầu” về nhiều mặt, trong đó có chương trình phối hợp với các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, trong hơn 4 năm qua đã tạo chuyển biến tích cực, rõ nét và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống an toàn. 
 
Từ quá trình vận động của lãnh đạo UBND xã Phú Sơn (huyện Lâm Hà) cũng như Chánh xứ Giáo xứ Phú Sơn những con đường được trồng hoa, cây xanh để cải thiện bộ mặt nông thôn. Ảnh: H.Thắm
Từ quá trình vận động của lãnh đạo UBND xã Phú Sơn (huyện Lâm Hà) cũng như Chánh xứ Giáo xứ Phú Sơn những con đường được trồng hoa, cây xanh để cải thiện bộ mặt nông thôn. Ảnh: H.Thắm
 
Khi chủ trương sát thực tiễn
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 tôn giáo được Nhà nước công nhận, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Ba Ha’i và Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo; trong đó, Tin lành có 7 hệ phái, Cao đài có 4 hệ phái. Toàn tỉnh có 1.600 chức sắc, 3.700 chức việc, 2.000 nam, nữ tu sỹ, 436 cơ sở thờ tự và có tới 796.629 tín đồ các tôn giáo, tương đương 61,4% dân số của tỉnh. Vào năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, hiệp thương với các tổ chức tôn giáo, thống nhất ký kết Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
 
Nhằm tạo sự đồng thuận của tổ chức, chức sắc tôn giáo, ngày 20/3/2018, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị hiệp thương góp ý, thống nhất dự thảo Kế hoạch tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư năm 2018 với sự tham dự của gần 50 đại biểu, đại diện lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, các sở, ngành liên quan. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, bày tỏ sự đồng thuận với dự thảo Kế hoạch. 
 
Kết quả, có 21 mô hình “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” do chức sắc các tôn giáo đăng ký. Trong đó, chức sắc Công giáo đăng ký 15 mô hình, chức sắc Phật giáo đăng ký 3 mô hình, chức sắc các hệ phái Tin lành đăng ký 3 mô hình.
 
Chương trình ký kết phối hợp giữa các bên đã phát huy rõ vai trò chức sắc tôn giáo, người uy tín tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, tập trung đẩy mạnh phê phán các hành vi hủy hoại, gây ô nhiễm môi trường; chủ động nắm tình hình, cung cấp thông tin gây ô nhiễm môi trường, kịp thời phối hợp đấu tranh, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường... Đưa nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét thẩm định, đánh giá công nhận “Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư kiểu mẫu”.
 
Ngay sau khi ký kết Chương trình phối hợp, chỉ đạo các tổ chức trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tuyên truyền nâng cao nhận thức về môi trường, tác hại ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, vận động tín đồ và người dân chấp hành các quy định của pháp luật, có ý thức tham gia bảo vệ môi trường. 
 
Trao đổi về ý tưởng và cách triển khai thực hiện các nội dung phối hợp bảo vệ môi trường với các tổ chức tôn giáo trong tỉnh, ông Đường Anh Ngữ - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tâm huyết: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để động viên phong trào. Động viên chức sắc, tín đồ cống hiến một phần công sức, trí tuệ, của cải xây dựng các công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương, cơ sở, khu dân cư 
 
Nhân dân đồng thuận và tích cực làm theo
 
Sau khi đăng ký, chức sắc phụ trách địa bàn đã chủ động phối hợp với Ban Nhân dân thôn, tổ dân phố khảo sát thực trạng về môi trường, đề ra chỉ tiêu, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước của thôn để triển khai thực hiện. Cuối năm 2018, MTTQ tỉnh phối hợp với các sở, ngành chức năng và MTTQ tại địa phương khảo sát, thẩm định, công nhận, tuyên dương 19 mô hình tại Lễ tôn vinh “gương sáng đời thường” tổ chức ngày 17/11/2018 tại thành phố Bảo Lộc.
 
Đến nay, toàn tỉnh có 569 khu dân cư tự quản tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong toàn tỉnh. Trong đó, hầu hết các mô hình đều do chức sắc các tôn giáo chủ trì, phối hợp thực hiện, mang lại hiệu quả tốt, được tín đồ và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Điển hình như: Mô hình “không rải vàng mã trong đám tang” được xây dựng và nhân rộng tại nhiều khu dân cư thuộc huyện Đạ Tẻh, huyện Đạ Huoai, trong đó có vai trò nòng cốt của các chức sắc trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện, Ban Đoàn kết Công giáo huyện.
 
Linh mục Phạm An Nhàn, nguyên quản xứ Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên với mô hình “Giáo họ an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” đã vận động nạo vét trên 1.000 m kênh mương nội đồng, trồng 850 cây xanh, duy trì tốt việc ra quân dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng. 
 
Linh mục Phạm Văn Tuấn, Quản xứ Quảng Lâm, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm đã vận động bà con nhân dân trong thôn đóng góp thắp sáng 5 km đường quê, xây mới, tu sửa 15 hàng rào với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng; ý thức của người dân về bảo vệ môi trường chuyển biến tích cực… 
 
Mục sư Ngô Thanh Hưng, Quản nhiệm Hội thánh Báp-Tít Bình An, với mô hình “Khu dân cư an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp” tại thôn Tân Hòa, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, mỗi tháng 2 lần, các hộ gia đình ra quân vệ sinh đường làng, khơi thông cống rãnh, 1 bãi rác tự phát đã được dẹp bỏ; vận động đóng góp, duy trì thắp sáng 300 bóng đèn… 
 
Mục sư Ka Să Ha Nhiếu, Giáo khu Trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm, với mô hình “Khu dân cư an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp”, phát động Nhân dân trồng hoa, cây xanh trước khuôn viên của gia đình, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định… được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát, thẩm định đánh giá cao. 
 
Đại đức Thích Như Thuần, Trụ trì Chùa Viên Giác, xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt tích cực vận động phật tử, Nhân dân thực hiện mô hình “Khu dân cư an toàn - sáng - xanh sạch đẹp”. Trong các buổi sinh hoạt tôn giáo, Đại đức lồng ghép tuyên truyền, giáo dục bà con phật tử nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. 
 
Qua 4 năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu hỗ trợ 500 bộ tài liệu, 2.000 tờ rơi, 100 áp phích có nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường; 300 túi vải, giỏ đi chợ; phân bổ 100 thùng rác phân loại để Mặt trận Tổ quốc tỉnh phân bổ các địa phương, cơ sở phục vụ tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tìm hiểu, tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, phân bổ ngân sách hỗ trợ các mô hình điểm tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường tại khu dân cư. 
 
Kết quả qua khảo sát của cơ quan chức năng, đến nay toàn tỉnh có 436 cơ sở thờ tự tích cực tham gia, một số cơ sở là điểm sáng về môi trường xanh - sạch - đẹp; trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng như: Chùa Linh Phước, Chùa Vạn Hạnh, Nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt, Trung Tâm Mục Vụ Đà Lạt, Thánh thất Đa Phước… 
 
Trao đổi về những kinh nghiệm trong triển khai chương trình phối hợp này, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Đường Anh Ngữ nhận định: Ở đâu nhận được sự đồng thuận, tích cực tham gia của chức sắc tôn giáo, thì ở đó Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đạt chất lượng, hiệu quả; được tín đồ, Nhân dân tích cực hưởng ứng. Cần lồng ghép triển khai, thực hiện chung với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động khác mới phát huy hiệu quả, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào xây dựng “Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư kiểu mẫu” .
 
Giai đoạn tới, Ủy ban MTTQ tỉnh xác định tiếp tục mở rộng chương trình phối hợp với các ngành chức năng và các tổ chức tôn giáo tỉnh trên các lĩnh vực: tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông; tham gia xã hội hóa giáo dục mầm non, y tế, dạy nghề, trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2020 - 2025.
 
NGUYỆT THU