Điển hình trong điều trị ARV cho người nhiễm HIV

04:12, 01/12/2020

Nhiều năm qua, Đức Trọng là một trong những đơn vị điển hình về điều trị ARV cho người nhiễm HIV trên địa bàn và các xã lân cận.

Nhiều năm qua, Đức Trọng là một trong những đơn vị điển hình về điều trị ARV cho người nhiễm HIV trên địa bàn và các xã lân cận.
 
Ông Ngô Bá Lạc điều trị, tư vấn cho người nhiễm HIV tại Phòng khám Nội trú điều trị cho người nhiễm HIV
Ông Ngô Bá Lạc điều trị, tư vấn cho người nhiễm HIV tại Phòng khám Nội trú điều trị cho người nhiễm HIV
 
Chúng tôi hẹn ông Ngô Bá Lạc - phụ trách chương trình phòng, chống HIV/AIDS, quản lý người nhiễm HIV tại cộng đồng (Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng) vào một buổi sáng giữa tuần, khi ông đang bận rộn tư vấn, cấp phát thuốc cho người nhiễm HIV trên địa bàn huyện Đức Trọng và các xã lân cận. Bệnh nhân N.V.Đ đến lấy thuốc định kỳ tại phòng khám cho biết: “Tôi bị nhiễm HIV đã 20 năm nay, lúc đầu, tôi cảm thấy rất sốc, thấy mọi thứ như sụp đổ, nhưng sau đó, chính xác là 11 năm nay, tôi được tư vấn dùng thuốc điều trị và kéo dài cuộc sống đến tận bây giờ. Tôi về sinh sống tại Đức Trọng đã 6 năm nay, từ đó đến nay, tôi đã được anh Lạc điều trị, tư vấn, lấy thuốc mỗi tháng, tôi thấy rất an tâm vì nếu mình cứ điều trị và uống thuốc đúng giờ giấc thì chắc chắn cuộc sống sẽ kéo dài thêm nữa”.
 
Ông Ngô Bá Lạc cho biết, từ năm 1995, ông đã được phân công phụ trách chương trình phòng, chống HIV/AIDS, quản lý người nhiễm HIV tại cộng đồng, quản lý nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao trên địa bàn. Đến tháng 12/2019, khi Sở Y tế ra quyết định thành lập Phòng khám Nội trú điều trị cho người nhiễm HIV, ông được phân công phụ trách phòng điều trị thuốc kháng HIV, quản lý điều trị người nhiễm HIV tại 4 huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà và Đam Rông; quản lý người nhiễm HIV và cấp thuốc ARV tại Trung tâm cai nghiện và trại tạm giam Công an huyện Đức Trọng. 
 
Với vai trò phụ trách công tác phòng, chống HIV/AIDS, điều trị bệnh nhân nhiễm HIV trong suốt những năm qua, ông Ngô Bá Lạc không ngừng nỗ lực tăng cường triển khai công tác giám sát phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả nhóm đối tượng có nguy cơ cao, nhóm phụ nữ có thai nông thôn, với từ 3.500 - 4.000 mẫu/năm. Ngoài ra, còn triển khai can thiệp giảm tác hại tại 8 xã trọng điểm của huyện, quản lý 6 nhân viên tiếp cận cộng đồng của Dự án AHF; tiếp cận tuyên truyền, phân phát bao cao su, bơm kim tiêm; thu gom bơm kim tiêm bẩn của các đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Ông Lạc chia sẻ, đa phần những bệnh nhân ông tiếp cận rất đặc biệt, họ luôn có tâm lý buồn chán, tinh thần sa sút, ngại tiếp xúc với những người xung quanh, muốn thu mình và tự mình cách ly với xã hội khi biết mình bị nghiện, bị nhiễm HIV/AIDS; thậm chí có bệnh nhân còn nghĩ đến cái chết để tự giải thoát cho mình; nhưng với tinh thần hết lòng vì công việc, với sự hiểu biết chuyên môn, kết hợp với sự đồng cảm, chia sẻ, ông đã khéo léo giải thích, thuyết phục, vận động để họ dần có suy nghĩ tích cực hơn. Qua theo dõi, hỗ trợ điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ngày càng chuyển biến tích cực, tái hòa nhập cộng đồng, nhiều người đã xây dựng hạnh phúc gia đình và tìm được việc làm ổn định, hoàn lương trở thành người có ích cho xã hội. Hai năm nay, ông Lạc cũng vận động xin kinh phí hỗ trợ của tổ chức từ thiện Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng cho 5 bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 300 ngàn đồng/suất; xin kinh phí hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho 2 bệnh nhân. Ông Ngô Bá Lạc nói: “Lúc bắt đầu, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng rồi cùng với thời gian, dần quen công việc, thêm vào đó, trước đây, vốn tham gia tư vấn cộng đồng, nên tôi đã tích lũy cho mình kinh nghiệm, cộng thêm với việc làm công tác điều trị nên dễ dàng kết nối bệnh nhân với phòng khám, cũng như động viên bệnh nhân tiếp cận và điều trị ARV. Cùng đó, tôi có đội ngũ giúp sức rất tích cực, đó là các nhân viên tiếp cận cộng đồng của Dự án AHF, và quan trọng nhất, làm công tác điều trị HIV cho người bệnh thì điều cần nhất vẫn là phải có cái tâm để hiểu, cảm thông và sẻ chia với người bệnh, vì khi người bệnh đã tin tưởng thì họ sẽ thoải mái chia sẻ, tâm sự với mình và mục đích cuối cùng của những người làm công tác điều trị cho người nhiễm HIV là tiếp cận, thuyết phục người bệnh điều trị ARV để kéo dài sự sống cho chính họ”. 
 
Cũng theo ông Ngô Bá Lạc, trong năm 2020 hiện có 192 ca bệnh đang điều trị ARV tại phòng khám, trong số này có 66 ca bệnh mới và 4 bệnh nhân trẻ em. Đặc biệt, cũng trong năm 2020 đã tiếp cận được nhóm đối tượng đồng tính nam trên địa bàn các huyện Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà và TP Đà Lạt, với số mẫu xét nghiệm HIV là 206 ca, trong đó có 16 ca dương tính và hầu như tháng nào cũng phát hiện dương tính nam. Ông Lạc cũng cho biết thêm, trong năm 2021, phòng khám điều trị nội trú cho người nhiễm HIV sẽ điều trị ARV cho đối tượng này.
 
NHẬT MINH