Người uy tín trong vùng đồng bào DTTS đồng hành cùng dân tộc

07:12, 04/12/2020

Lâm Đồng là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống nên việc phát huy vai trò của chức sắc, già làng, người uy tín luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh đặc biệt coi trọng và quan tâm...

Lâm Đồng là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống nên việc phát huy vai trò của chức sắc, già làng, người uy tín luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh đặc biệt coi trọng và quan tâm. Theo đó, Lâm Đồng thực hiện tốt trên các mặt: chính sách với người có uy tín, gắn kết thực hiện tốt công tác tuyên truyền, người có uy tín vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng và duy trì hệ thống chính trị ở cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh.
 
Người uy tín trong vùng DTTS luôn được tỉnh quan tâm, gặp gỡ, trao đổi
Người uy tín trong vùng DTTS luôn được tỉnh quan tâm, gặp gỡ, trao đổi
 
Người có uy tín là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân, thông qua lực lượng người có uy tín để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người có uy tín tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, đồng thời giúp cho người có uy tín xây dựng các mô hình điểm chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
 
Người có uy tín không chỉ là những già làng, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ mà còn là những người gương mẫu đi đầu trong các phong trào xây dựng, phát triển tại địa phương như phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Các cấp chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để người có uy tín tham gia cùng với các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện tốt các cuộc vận động, loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, ma chay, cúng bái, thách cưới, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, người có uy tín còn tuyên truyền, vận động cho bà con không nghe, không tin kẻ xấu xúi giục chống phá Đảng, Nhà nước, tuyên truyền vận động bà con không phá rừng làm nương rẫy… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
 
Hàng năm, các cấp, các ban, ngành đều có kế hoạch tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong từng trường hợp, nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tranh thủ người có uy tín thuyết phục, vận động và giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống đồng bào trong buôn làng, dòng họ, cũng như giải quyết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn lớn xảy ra tại địa phương; giúp Nhà nước, chính quyền địa phương trong công tác quản lý và thực hiện chính sách trong đồng bào DTTS.
 
Những năm qua, đội ngũ người có uy tín đã nhận thức sâu sắc và chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào, các cuộc vận động của địa phương, có tinh thần cảnh giác trước luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch; phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu; là trung tâm đoàn kết, vận động Nhân dân nêu cao cảnh giác, tham gia đấu tranh với các phần tử xấu. 
 
Việc thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được Ban Dân tộc tỉnh hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện, phát huy vai trò của người có uy tín với các nội dung được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Thực hiện tốt chính sách người có uy tín, gắn kết thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để người có uy tín vận động người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng và duy trì hệ thống chính trị ở cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc; nêu cao và nhân rộng tấm gương trong công tác giữ gìn quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn cư trú; phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều chương trình, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng làm thay đổi đáng kể bộ mặt vùng đồng bào DTTS. Trong đó có chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, do vậy vai trò của người có uy tín được phát huy. 
 
Hầu hết các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền sâu rộng trong vùng DTTS. Các chương trình mục tiêu quốc gia về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất; các chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; các chính sách ưu đãi về giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội… được triển khai thực hiện đồng bộ, đã giúp cho các hộ đồng bào ý thức trong phát triển kinh tế hộ gia đình để vươn lên thoát nghèo, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao một cách phù hợp. Các hoạt động văn hóa xã hội được quan tâm tổ chức, góp phần nâng cao dân trí, đời sống tinh thần cho Nhân dân, bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường. Công tác an ninh, chính trị, trật tự xã hội luôn được duy trì ổn định.
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, theo ông Nguyễn Đức Tài - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Việc tranh thủ người có uy tín chưa được thường xuyên, còn mang tính thời vụ, sự vụ, thiếu chiều sâu: có địa phương chỉ tiến hành tranh thủ khi vụ việc xảy ra, sau khi giải quyết vụ việc xong không tiếp tục duy trì mối quan hệ với người có uy tín hoặc có quan hệ nhưng chỉ là mặt hình thức. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành chức năng với lực lượng công an để thực hiện tranh thủ người có uy tín đôi lúc chưa chặt chẽ. Việc tranh thủ còn tràn lan, sót lọt, dẫn đến chất lượng của công tác tranh thủ chưa cao; chưa đúng với vai trò, vị trí của người có uy tín. Hiện nay chưa có quy định và phân cấp cho xã thực hiện chế độ, chính sách thăm hỏi người có uy tín khi bị ốm đau, khó khăn, hoạn nạn. Công tác quản lý và thực hiện chính sách đối với người có uy tín của các cấp, các ngành còn chồng chéo, chưa có sự thống nhất.
 
Làm việc với Ban Dân tộc - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mới đây, ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề xuất, kiến nghị: Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục quan tâm tập trung nguồn lực để đầu tư vào vùng DTTS, nhất là các dự án thiết yếu: cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo… nhằm từng bước rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo giữa các dân tộc, giữa các vùng miền. Các chính sách đối với người có uy tín quy định tại Quyết định 12/2018/QĐ-TTg đang thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua: Đề nghị tăng kinh phí tặng quà tết, trong đó gồm tết của đồng bào DTTS và Tết Nguyên đán cho người có uy tín từ 500.000 đ/người/lần lên 1.000.000 đ/người/lần; Bổ sung kinh phí hỗ trợ thông tin liên lạc, xăng xe đối với người có uy tín trong quá trình đi tuyên truyền, vận động Nhân dân với mức 100.000 đ/người/tháng. Cần tăng kinh phí để thực hiện chính sách cho người có uy tín theo yêu cầu kế hoạch đề ra. Ngoài ra, cần có chính sách phù hợp hỗ trợ người có uy tín có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, phát triển sản xuất, tạo công ăn, việc làm cho con của họ khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng để người có uy tín yên tâm phát huy vai trò, khả năng ảnh hưởng trong đồng bào DTTS, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
 
NGUYỆT THU