Ði xa cùng những quả trứng tròn

04:02, 16/02/2021

"Tả xung hữu đột" mấy chục năm trong ngành chăn nuôi gà, bà Lê Thị Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Chăn nuôi Tafa Việt đã gây dựng lần lượt các trại gà nhỏ trên cao nguyên rồi hình thành một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao rộng cả trăm ha ở vùng đồng bằng rộng lớn...

“Tả xung hữu đột” mấy chục năm trong ngành chăn nuôi gà, bà Lê Thị Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Chăn nuôi Tafa Việt đã gây dựng lần lượt các trại gà nhỏ trên cao nguyên rồi hình thành một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao rộng cả trăm ha ở vùng đồng bằng rộng lớn. Những quả trứng sạch đã đến tay người tiêu dùng từ trăn trở của một kỹ sư - doanh nhân về hướng nâng tầm chất lượng sản phẩm của loại gia cầm vốn đã đi vào truyền thống chăn nuôi của người Việt.
 
Bà Lê Thị Thanh. Ảnh: NVCC
Bà Lê Thị Thanh. Ảnh: NVCC
Kỹ sư xây những trại gà
 
Mái tóc ngắn, không phấn son, chẳng áo quần là lượt, bà Lê Thị Thanh thường cười bảo: “Vào trang trại mà phấn son có khi gà lại chạy hết”. 
 
Quê ở Bắc Ninh, năm 1983, bà tốt nghiệp ngành Kỹ sư chăn nuôi Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Từng có những năm tháng công tác tại một công ty nhà nước về chăn nuôi ở khu vực phía Bắc (ở vị trí giám đốc xí nghiệp) rồi chuyển vào làm ở một đơn vị nông nghiệp tại Đà Lạt; bà Lê Thị Thanh quyết định về… nuôi gà từ cách đây gần 30 năm vào năm 1992.
 
Kiểm tra hệ thống tiểu khí hậu chuồng nuôi và khối lượng thức ăn trong ngày. Ảnh: NVCC
Kiểm tra hệ thống tiểu khí hậu chuồng nuôi và khối lượng thức ăn trong ngày. Ảnh: NVCC
Khi ấy, dù với lưng vốn ít ỏi, người phụ nữ này quyết tâm vay vốn dựng trại gà ở đường Ngô Quyền, Phường 6, Đà Lạt với số lượng khoảng vài trăm con. Quy mô dần mở rộng, bà tiếp tục mua đất trả góp, vay vốn dựng trại ở đường Ngô Tất Tố, Phường 8, rộng 5.000 m2, nuôi đến vài chục ngàn con gà. Thời điểm này được bà coi như một cột mốc đáng nhớ, là một mối duyên với những quả trứng bởi ngoài tay nghề, niềm say mê chăn nuôi thì bà rất thiếu hụt về nguồn lực đầu tư. Đồng cảm với ý chí lập nghiệp của người phụ nữ toát lên rất nhiều khát vọng nên khi đó, chủ đất sẵn sàng bán đất lấy tiền dần, cán bộ tín dụng sẵn lòng nới hạn mức cho vay để tiếp sức cùng bà. Đến năm 2002, trại gà được chuyển về khu vực Du Sinh, Phường 5, rộng đến 2 ha; những chuyến xe chở xà bần, đất đá rầm rập chạy để mở đường đi, có vốn đến đâu bà xây trại đến đó, xuất ra thị trường khoảng 80.000 quả trứng mỗi ngày, trở thành một trong những trại gà lớn nhất Đà Lạt lúc bấy giờ, trại tăng thêm uy tín bởi chú trọng chăn nuôi sạch. Dù vậy, dịch cúm gia cầm diễn ra sau đó vài năm, các trại khác bị tiêu hủy để đề phòng dịch bệnh lan rộng; mất ăn mất ngủ vì gia nghiệp cả đời đang “đội nón” ra đi hết, tiếc của, bà xin tiêu hủy dần, may mắn thay, trại mới hủy được một phần thì dịch được khống chế. Không đầu hàng, bà lại đứng lên tiếp tục hành trình. 
 
Công nhân làm việc ở nhà máy trứng. Ảnh: NVCC
Công nhân làm việc ở nhà máy trứng. Ảnh: NVCC
 
Bác sỹ trẻ thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao
 
Khi quy mô trang trại phát triển trên vùng đất cao nguyên, bà Lê Thị Thanh dự tính tìm một nơi có khí hậu ấm, thích hợp để nuôi gà giống rồi chuyển về Đà Lạt. Cả năm đi khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ khảo sát, cuối cùng, bà chọn Bình Thuận cho việc thực hiện dự định đầu tư của mình. Năm 2010, bà dẫn khoảng 10 công nhân đi đến vùng đất Đông Hà, Đức Linh (Bình Thuận) rộng rãi, hoang vu lập trại gà trong sự ngạc nhiên lẫn nghi ngờ của không ít người. Giữa rừng cao su không điện, không nước, chỉ thăm thẳm cả khoảng rừng núi hoang vu, đầy rắn, rết, bà cùng công nhân cắm lều bạt bắt đầu công cuộc dựng trại nuôi gà. Khó khăn không kể hết trong điều kiện đó, nhưng sức người đã gạt dần cái khó để có thể hình thành một vùng chăn nuôi cách xa trung tâm. Tầm nhìn của nữ doanh nhân này được khẳng định khi thời gian sau đó, nơi đây trở thành cụm công nghiệp Đông Hà, Bình Thuận.
 
Thực hiện dự án mới, nữ kỹ sư nông nghiệp Lê Thị Thanh đã chủ động được con giống cho Trại gà Du Sinh (Đà Lạt) và chính bà cũng không ngờ lối rẽ mới lại đem đến những thuận lợi mà bà thấy cần phải nắm lấy cơ hội. Đó chính là trang trại vùng đồng bằng không chỉ đảm nhận tốt vai trò cung cấp gà giống mà còn tạo môi trường tốt cho việc nuôi gà đẻ trứng. Người phụ nữ ấy quyết định mở rộng sản xuất, xây dựng một trang trại gà quy mô, là không gian xanh có sản phẩm sạch. 
 
Kiểm định chất lượng trứng. Ảnh: NVCC
Kiểm định chất lượng trứng. Ảnh: NVCC
Với suy nghĩ “xã hội ngày càng phát triển, máy móc phải thay thế nhân công”, bà một lần nữa vươn mình để đón nhận các công nghệ sản xuất hiện đại, đi các nước tiên tiến tìm hiểu quy trình và lựa chọn máy. Để rồi, giữa vùng đất rộng rãi với vành đai xanh an toàn là cả một quy trình khép kín từ con giống, cám, chăn nuôi, xử lý trứng, xử lý phân. Nhà máy thức ăn khép kín kiểm soát thức ăn sạch cho đàn gà, hệ thống nuôi gà tự động của Đức cho gia cầm ăn uống, chuồng nuôi lạnh đảm bảo không khí vào trong được xử lý bởi hệ thống màng lọc ngăn vi khuẩn có hại, hệ thống xử lý trứng của Nhật và Hà Lan thu gom trứng tự động, xử lý trứng theo tia UV, cân định lượng và phân loại trứng theo kích cỡ, trứng có mã code truy xuất nguồn gốc… Nguồn phân được lên men vi sinh đảm bảo yếu tố môi trường và là nguồn phân bón giàu dưỡng chất cho các loại cây trồng như sầu riêng, thanh long, chuối, dâu tây, trà, cà phê…
 
Những ngày bà xoay trong đam mê với hàng loạt công việc của dự án đầu tư mới, các thành viên trong gia đình luôn ủng hộ. Chồng bà - một bác sỹ ở Đà Lạt mỗi dịp đi công tác lại ghé thăm người vợ bao năm bươn bả làm kinh tế với ý chí mạnh mẽ. Các con bà, từ nhỏ đã thấy mẹ đam mê sản xuất, nâng niu những quả trứng tròn và hoàn toàn thấu hiểu khát vọng của mẹ. Con trai bà, bác sỹ đông y chuyên khoa I Nguyễn Lê Thanh Tuấn từng du học Trung Quốc gần 10 năm, đã trở về làm bác sỹ ở Đà Lạt. Thấy khát vọng và hoài bão của mẹ, năm 2015, anh rẽ hướng, trở thành người đồng hành cùng bà. Tiếp cận công việc, người giám đốc trẻ này đã thổi những nguồn sinh lực mới cho công ty trứng sạch mà mẹ anh gây dựng. 
 
Năm 2018, Tafa Việt được chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Năm 2020, Giám đốc Thanh Tuấn quyết nâng tầm các sản phẩm trứng gà với việc nhập hệ thống làm trứng nướng của Hàn Quốc, trứng trở thành một dòng sản phẩm cao cấp cho người tiêu dùng hiện đại. Dịp 14/2, những giỏ trứng sạch khắc ghi biểu tượng trái tim được đưa ra thị trường, trở thành món quà để đôi lứa tặng nhau…
 
Một vùng không gian xanh. Ảnh: NVCC
Một vùng không gian xanh. Ảnh: NVCC
 
Và những mùa xuân
 
Xách làn đi chợ, cô Diệu Hà (đường Hoàng Diệu, Đà Lạt) không thể không ghé qua cửa hàng trứng gà sạch mà bà Thanh mở trên đường Phan Đình Phùng từ nhiều năm nay để mua hàng, cô cho hay vị trứng này đã quen dùng, lại sạch nữa nên là địa chỉ quen thuộc mà cô cần ghé. Trứng được cung cấp từ Trại gà Du Sinh, trại cũng được áp dụng quy trình chăn nuôi sạch như doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Thuận nhưng với phương pháp thủ công. Thị trường Đà Lạt khi nhu cầu tăng cao lại có những chuyến xe trứng từ Bình Thuận chạy lên đáp ứng.
 
Những ngày cuối năm, để có một cuộc nói chuyện dài và sâu hơn nữa với bà thật khó bởi bà lo chu toàn chữ hiếu, chăm sóc cha mẹ đang ở ngưỡng như là giới hạn của đất trời. Giao quyền quản lý đầu việc cụ thể cho các con, nhưng với các vấn đề lớn cần hỗ trợ, bà lại xuôi đèo xuống công ty, nơi ấy, bao quanh một công ty trứng sạch là cả màu xanh mát của vành đai an toàn, nơi chim yến đang về trú ngụ…
 
Giờ bà là doanh nhân “thứ thiệt” nhưng nhìn bà, tôi vẫn thích gọi bà là kỹ sư nông nghiệp hơn bởi mấy ai khi đã điều hành một công ty lớn vẫn tự tay đi tiêm cho từng con gà mỗi liều vắc xin như vậy…
 
Để rồi, chim yến vẫn đang về làm tổ ở vùng đất ấy thật an lành…
 
HẢI YẾN