Bảo Lâm: Hiệu quả từ thực hiện công tác giảm nghèo

01:03, 09/03/2021

Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền cùng các ban, ngành, đoàn thể huyện Bảo Lâm luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.

Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền cùng các ban, ngành, đoàn thể huyện Bảo Lâm luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.
 
Những năm qua, diện mạo huyện Bảo Lâm không ngừng thay đổi, đời sống người dân ngày càng khởi sắc
Những năm qua, diện mạo huyện Bảo Lâm không ngừng thay đổi, đời sống người dân ngày càng khởi sắc
 
Ông Điểu Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Lâm, cho rằng muốn “trị” được nghèo phải hiểu nghèo như bác sĩ hiểu về bệnh lý thì mới kê đơn bốc thuốc đúng, lúc đó nghèo mới bị “trị” tận gốc. “Phải biết vì sao họ nghèo, họ cần gì để thoát nghèo, họ khó khăn như thế nào khi vươn lên thoát nghèo, để từ đó có những giải pháp phù hợp cho từng đối tượng, trong từng giai đoạn của quá trình giúp họ thoát nghèo”, ông Điểu Hòa nói.
 
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Lâm Điểu Hòa, phần đa người nghèo đều mặc cảm, tự ti. Vì thế, đừng để họ tự ti, hãy gần họ, chia sẻ với họ, động viên và khuyến khích họ, chỉ cho họ cách để thoát nghèo. Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải làm sao để họ thấy, rồi thay đổi nhận thức, tư duy về sản xuất, về đời sống. Có như vậy, các chương trình, dự án giảm nghèo mới mang lại hiệu quả thiết thực, hữu ích. Tán đồng với ý kiến của ông Điểu Hòa, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, chia sẻ: Cùng với tuyên truyền đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, huyện Bảo Lâm cũng chú trọng công tác khuyến nông, hướng dẫn các hộ nghèo áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi các loại cây trồng khác có năng suất và chất lượng cao, giá cả cạnh tranh cao để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, những năm qua, đời sống của người dân huyện Bảo Lâm không ngừng được cải thiện, tăng cao. “Do có nhiều ưu điểm như vốn đầu tư ban đầu ít, thu hồi vốn nhanh, ít công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao, nên gia đình tôi đã chọn trồng dâu nuôi tằm, bên cạnh thâm canh cây chè và cây cà phê”, bà Ka Tré, nông dân xã Lộc Tân, nói về lý do chọn trồng dâu nuôi tằm để phát triển kinh tế gia đình.
 
Theo UBND huyện Bảo Lâm, trong những năm qua, địa phương đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu, các nguồn vốn xây dựng khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo tính đồng bộ giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, nhằm giúp Nhân dân trên địa bàn huyện Bảo Lâm, nhất là các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương còn triển khai hiệu quả các chương trình an sinh xã hội như phong trào đoàn kết giúp đỡ các hộ nghèo và phong trào góp tiền, vật tư, ngày công lao động, hỗ trợ vốn, cây, con giống, kinh nghiệm, cũng như tích cực hưởng ứng quỹ vì người nghèo, quỹ ủng hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, quỹ hỗ trợ xây dựng nhà ở..., góp phần thiết thực vào việc chăm lo đời sống cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số khó khăn, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống. Ngoài ra, huyện Bảo Lâm còn có khoảng 500 doanh nghiệp đang hoạt động, với vốn điều lệ gần 5 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp), công nghiệp và dịch vụ, đã thúc đẩy các sản phẩm chủ lực chè, cà phê, dâu tằm, trái cây... của huyện Bảo Lâm phát triển.
 
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội - y tế, quốc phòng - an ninh, huyện Bảo Lâm cũng đã có những biện pháp xây dựng và phát triển mạng lưới trường lớp, các cơ sở y tế, các thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe, thụ hưởng văn hóa của người dân; củng cố, xây dựng thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, thiết thực, ý nghĩa. Nhờ vậy, đời sống của người dân huyện Bảo Lâm ngày càng tiến bộ, văn minh. Theo UBND huyện Bảo Lâm, năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bảo Lâm là 49% và đến cuối năm 2020 tỷ lệ này giảm còn 1,94%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm 4,21%.
 
Huyện Bảo Lâm có diện tích tự nhiên 146.351 ha, dân số 125.174 nhân khẩu, gồm 21 dân tộc anh em, được phân bố ở 13 xã và 1 thị trấn, với 128 thôn, tổ dân phố. Trong đó, người dân tộc thiểu số có 9.281 hộ, với 38.146 khẩu, chiếm 30% dân số.
 
TRIỀU KA