Giáo dục dân tộc tăng quy mô, nâng chất lượng

05:06, 01/06/2021

Lâm Đồng là tỉnh miền núi Tây Nguyên với trên 27,7% dân cư là các dân tộc thiểu số. 

Lâm Đồng là tỉnh miền núi Tây Nguyên với trên 27,7% dân cư là các dân tộc thiểu số (DTTS). Một trong những nhiệm vụ quan trọng về giáo dục của tỉnh là giáo dục học sinh DTTS (gọi tắt là giáo dục dân tộc) theo Quyết định số 1557 của Chính phủ - mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ gắn mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. 
 
Giờ kiểm tra cuối năm học 2020-2021 của học sinh lớp 12 huyện Lạc Dương
Giờ kiểm tra cuối năm học 2020-2021 của học sinh lớp 12 huyện Lạc Dương
 
Nhiều mục tiêu làm nền tảng cho phổ cập 
 
Tính đến thời điểm này, việc triển khai Kế hoạch hành động của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) (theo Quyết định số 5596 ngày 24/11/2016) thực hiện Quyết định số 1557, ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã 5 năm. Với 27,7% dân số là đồng bào DTTS, trong đó dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm khoảng 16,3%; có 66 xã, 468 thôn, có trên 20% đồng bào DTTS sinh sống; nhiều thôn, buôn, xã có đồng bào DTTS chiếm trên 80%; một số DTTS chiếm tỷ lệ cao như Cơ Ho, Mạ, Chu Ru, Nùng, Tày, Hoa, M’Nông. Toàn tỉnh hiện có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, gồm 7 trường THCS ở các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh và Bảo Lâm; 1 trường THPT tỉnh và 1 trường THCS - THPT liên huyện phía Nam. Cùng với đó, còn có 2 trường phổ thông dân tộc bán trú là Trường TH - THCS Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên và Trường THCS Sơn Điền, huyện Di Linh. Số liệu từ Sở GDĐT Lâm Đồng cho biết, thời điểm cuối tháng 5/2021, chất lượng giáo dục học sinh DTTS học kỳ I năm học 2020 - 2021 như sau: bậc THCS, về hạnh kiểm, tổng số học sinh là 21.355, xếp loại từ Trung bình trở lên đạt 99,91% và về học lực, tổng số học sinh là 21.293, xếp loại từ Trung bình trở lên đạt 89,58%. Ở bậc THPT, tổng số học sinh là 7.986, xếp loại về hạnh kiểm từ Trung bình trở lên đạt 99,41% và xếp loại về học lực từ Trung bình trở lên đạt 83,43%. 
 
Để thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giáo dục đổi mới với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 trên địa bàn Lâm Đồng, tỉnh cụ thể hóa bằng những văn bản chỉ đạo, lãnh đạo như: Nghị quyết số 14 ngày 08/10/2018 và Nghị quyết số 13 ngày 18/5/2018 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 6203 ngày 07/10/2016 của UBND tỉnh. Cùng đó, Kế hoạch số 2238 ngày 28/4/2016 của UBND tỉnh được ban hành trên cơ sở tham mưu của Sở GDĐT phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh. Kết quả đáng phấn khởi là tỷ lệ huy động trẻ em DTTS 6 tuổi đi học lớp 1 từ năm học 2016 - 2017 đến 2019 - 2020 đạt tỷ lệ từ 96, 97 và 98%, năm học 2020 - 2021 đạt 100% (với 8.330 học sinh). Tỷ lệ trẻ em DTTS đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học năm học sau cao hơn năm học trước (2016 - 2017 đạt 92,82% đến 2020 - 2021 đạt 99,01% với tổng số học sinh 8.252 em). Tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học và hoàn thành cấp tiểu học của học sinh DTTS năm học nào cũng đạt 100%. Đến tháng 5/2021, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và hoàn thành cấp tiểu học đã đạt 100%, vượt mục tiêu đề ra.
 
Một thành quả hết sức trân trọng khác, đó là từ năm 2016 đến năm 2021, Lâm Đồng luôn duy trì kết quả phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. Trong đó, mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt chuẩn; tiểu học mức độ 3; THCS mức độ 1 và xóa mù chữ mức độ 2. Hiện nay, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 - 60 của Lâm Đồng là 98,26%. So với mục tiêu đề ra trong Đề án xóa mù chữ (năm 2020 đạt 98%) tỉnh vượt 0,26%. Cùng đó, 12/12 huyện, thành phố đều đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Thành quả về thực hiện mục tiêu tăng cường bình đẳng giới trong giáo dục đối với các DTTS của Lâm Đồng cũng hết sức trân trọng. Tỷ lệ học sinh nữ từ 62 - 71% theo từng năm học; chênh lệch về tỷ lệ nam - nữ trong tất cả các bậc học được thu hẹp dần… 
 
Nguồn lực và nhân lực quyết định tính bền vững 
 
Thành quả mà Lâm Đồng đạt được cho thấy cần tổng lực các yếu tố khách quan và chủ quan. Đặc biệt sự duy trì và phát huy những yếu tố mang tính điều kiện như: sự quan tâm của các cấp ủy đảng triển khai đầy đủ và rộng khắp; mở rộng quy mô giáo dục phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân và của xã hội, trong đó quy hoạch mạng lưới trường lớp hợp lý. Đó còn là đẩy mạnh đổi mới quản lý giáo dục theo hướng tăng cường quản lý nhà nước, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục; xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch. Mặt khác, sự gắn kết, chia sẻ trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học giữa các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền các cấp hết sức quan trọng. Quá trình dạy và học đối với học sinh DTTS, cần triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, từ giáo dục toàn diện, đại trà, mũi nhọn đến vùng khó khăn, vùng DTTS; chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, tăng cường phụ đạo học sinh yếu, kém... Giải pháp mang tính cung cấp phương tiện cho học sinh DTTS giao cho ngành GDĐT giữ vai trò nòng cốt tiếp tục cần duy trì, nhất là hiện nay bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, đó là tăng cường dạy tiếng Việt đối với học sinh mầm non và tiểu học. Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng Trần Đức Lợi cho biết, ngành đã triển khai theo tinh thần của Bộ GDĐT ở bậc mầm non và các lớp 1 và 2, lớp 3 sẽ tập huấn cho giáo viên vào ngày 11/6/2021 theo hình thức trực tuyến. Để phát triển giáo dục dân tộc bền vững ngoài đội ngũ làm giáo dục, đồng thời cần tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy; tăng dần hàng năm về phòng học kiên cố hóa và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia…
 
Và dĩ nhiên, không chỉ duy trì chất lượng đã đạt mà còn cần đặt mục tiêu vươn lên những thành tích cao hơn thì đồng thời khắc phục những tồn tại, khó khăn. Ở Lâm Đồng hiện nay, chất lượng giáo dục tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa chưa thật sự vững chắc. Cơ sở vật chất, trang thiết bị nhìn chung còn thiếu, hiệu quả sử dụng còn hạn chế. Vẫn còn phòng học mượn, nhất là các trường mầm non và tiểu học. Nhiều trường chưa có phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành. Nhiều trường THCS ở thành phố chưa tổ chức dạy 2 buổi/ngày do thiếu phòng học. Quy hoạch mạng lưới trường lớp triển khai còn chậm. Chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục dân tộc nói riêng đang theo lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện càng yêu cầu cao hơn từ đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị đến sự quan tâm phối hợp của xã hội, cùng đó là các cơ chế, chính sách phù hợp... 
 
MINH ĐẠO