Về xã chỉ còn 1 hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS

04:06, 30/06/2021

Những năm gần đây, đời sống của người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hiệp Thạnh (Đức Trọng) đã ngày thêm khá giả, no ấm...

Những năm gần đây, đời sống của người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Hiệp Thạnh (Đức Trọng) đã ngày thêm khá giả, no ấm. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực của người dân, hiện nay cả xã chỉ còn 1 hộ nghèo là đồng bào DTTS. 
 
Đồng bào DTTS ở Ấp Lu (thôn Bồng Lai) có cuộc sống khá giả, nhà cửa khang trang,  tích cực xây dựng NTM
Đồng bào DTTS ở Ấp Lu (thôn Bồng Lai) có cuộc sống khá giả, nhà cửa khang trang, tích cực xây dựng NTM
 
Xã Hiệp Thạnh có 150 hộ đồng bào DTTS với 744 nhân khẩu; gồm các dân tộc anh em sinh sống như: Cil, Nùng, Tày, Thổ, Hoa; sống tập trung tại thôn Phi Nôm và thôn Bồng Lai. 
 
Xác định công tác giảm nghèo bền vững nói chung và trong vùng đồng bào DTTS nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và xuyên suốt; Đảng ủy, chính quyền địa phương đã xây dựng nghị quyết về công tác giảm nghèo hằng năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục rà soát hộ nghèo và có phương hướng thích hợp, phù hợp với tình hình thực tế để giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. 
 
Hằng năm, UBND xã Hiệp Thạnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS đến từng thôn bằng các hình thức như: kinh nghiệm nhà nông, viết bài về gương điển hình giảm nghèo, tuyên truyền bằng pa nô, áp phích, tờ rơi. Sử dụng có hiệu quả 22 loa phát thanh trên địa bàn để thông tin kịp thời đến người dân chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin thời sự, nhà nông làm giàu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi…
 
Bà Lê Nguyễn Đăng Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh phân tích: Tại địa phương, bà con đồng bào DTTS sinh sống ở hai thôn Phi Nôm và Bồng Lai nên việc học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp từ các hộ dân khác trên địa bàn là rất thuận lợi; tạo nên một sự giao thoa, kết nối trong sản xuất. Ngoài ra, toàn xã có trên 34,4 ha nhà kính, 11,4 ha nhà lưới, diện tích tưới tự động 673 ha, 731 hộ/2.029 hộ tham gia các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó có sự tham gia của các hộ là đồng bào DTTS. Điển hình như Tổ hợp tác rau sạch tại thôn Bồng Lai, hợp đồng thu mua sữa với các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn. 
 
Ấp Lu là một xóm của người Cill thuộc Tổ 21 thôn Bồng Lai, trước đây đời sống của người dân còn rất khó khăn; quanh năm người dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng đói nghèo vẫn đeo bám. Việc học tập kinh nghiệm làm rau, củ quả từ những nơi khác trong địa bàn xã đã giúp bà con có thu nhập ổn định, đời sống được nâng cao rõ rệt. Giờ đây, diện mạo mới ở Ấp Lu thay đổi rõ rệt, những ngôi nhà xưa cũ đã được xây dựng thành những ngôi nhà khang trang với số tiền từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Đường sá được bê tông hóa, bốn mùa cây trái xanh tốt, đường hoa ngày càng khoe sắc thắm. 
 
Anh Ha Rôn là một người dân tại Ấp Lu tâm sự: Trước đây, cuộc sống còn khó khăn, vất vả lắm, nghèo đói đeo bám; cả năm dựa vào vài bao lúa gặt một vụ; muốn đi làm mướn, làm thuê cũng không có việc. Bây giờ thì thay đổi hẳn rồi, cả xóm này giờ toàn nhà xây mới không thôi. 
 
Ngay gia đình Ha Rôn ngày trước cũng khó khăn lắm, làm lụng quanh năm vất vả mà cái bụng vẫn đói. Nhờ được chính quyền địa phương vận động anh đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau, củ, quả và chăn nuôi trâu, bò theo kiểu nuôi nhốt. Năm nay, niềm vui lớn nhất của anh chính là căn nhà mới trị giá khoảng 500 triệu đồng sắp hoàn thành. Còn căn nhà cũ ngày xưa thì anh dựng lại phía sau, tận dụng để làm chuồng nuôi nhốt gia cầm, cải thiện thêm đời sống. 
 
Còn tại thôn Phi Nôm, việc đồng bào DTTS làm rau, củ, quả và chăn nuôi bò sữa đã không còn hiếm, trở thành đại trà. Ông K’Biên, một đảng viên tại chi bộ thôn cho rằng đồng bào DTTS ở thôn đã có cuộc sống khấm khá hơn trước nhiều, việc có thu nhập thường xuyên từ trồng rau, hoa, củ quả và nuôi bò sữa đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
 
Giờ đây, Hiệp Thạnh chỉ còn 1 hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Đồng chí, Nguyễn Thị Tố Loan - Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Thạnh cho biết: Thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc là “Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”, chính vì vậy cấp ủy đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào DTTS ổn định cuộc sống và phát triển toàn diện. Giai đoạn 2020 - 2025, Đảng bộ xã Hiệp Thạnh xác định 3 khâu đột phá, trong đó có khâu “Xây dựng và phát huy tốt các chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao”, nhằm phát triển nông nghiệp toàn xã nói chung và các hộ vùng đồng bào DTTS nói riêng.
 
ĐỨC TÚ