Lâm Đồng phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả

04:09, 04/09/2021

(LĐ online) - Ngày 4/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng có báo cáo kết quả công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Y tế và các cơ quan liên quan. 

(LĐ online) - Ngày 4/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng có báo cáo kết quả công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Y tế và các cơ quan liên quan. 
 
Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 tại huyện Lâm Hà
Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 tại huyện Lâm Hà
 
Từ ngày 2/7, đợt dịch lần thứ 4, tỉnh Lâm Đồng mới ghi nhận trường hợp đầu tiên và tính đến 7 giờ 00 ngày 3/9, toàn tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận 249 trường hợp dương tính (đang điều trị 82 ca; khỏi bệnh 167 ca; không có ca bệnh tử vong). Trong đó, 40 ca mắc trong cộng đồng; 28 ca mắc trong khu phong tỏa và 181 ca mắc trong khu cách ly. Trong đợt dịch thứ 4, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành xét nghiệm 327.836 mẫu (140.733 mẫu bằng phương pháp RT-PCR và 187.103 mẫu test nhanh); phát hiện được 249 bệnh nhân. Toàn tỉnh đã tiêm phòng Covid-19 cho 137.121/130.860 liều vắc xin do Bộ Y tế cấp đạt 107,1% (107.420 mũi 1 và 29.701 mũi 2).
 
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hỗ trợ theo chính sách riêng của tỉnh Lâm Đồng, tính đến ngày 2/9, Lâm Đồng đã hỗ trợ 73.000 đối tượng đặc thù riêng của tỉnh với kinh phí 109,5 tỷ đồng, bao gồm các đối tượng: Lao động tự do; tự làm hoặc lao động làm việc trong các lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, vũ trường, quán bar, điểm kinh doanh trò chơi điện tử…; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe ngựa chở khách; lao động giúp việc gia đình; làm công tại các vườn rau, hoa, trà, cà phê; đánh giày; lao động tại các trường mầm non, nhóm trẻ; người bán vé số lưu động và đối tượng đặc thù khác tại địa phương như người có công với cách mạng gặp khó khăn; bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo.
 
Hỗ trợ các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP cho 118.000 đối tượng với kinh phí 119,2 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ vận chuyển gần 600 thai phụ và người thân của họ có nguyện vọng trở về địa phương sinh nở bằng phương tiện máy bay, đảm bảo an toàn cho thai phụ và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trực tiếp đến người dân ở khu vực phong tỏa hoặc thực hiện giãn cách xã hội. Thành lập các trung tâm hỗ trợ, cứu trợ; lập và duy trì đường dây nóng 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ của người dân về chăm sóc y tế và sinh hoạt thiết yếu, có hệ thống giám sát y tế tại cộng đồng để kịp thời hỗ trợ người dân; bảo đảm trang thiết bị phòng hộ cho lực lượng tuyến đầu, tình nguyện viên…
 
Tỉnh Lâm Đồng đã chủ động cân đối, bố trí các nguồn kinh phí để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 với tổng số kinh phí là hơn 137,6 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách tỉnh gần 127,8 tỷ đồng, nguồn ngân sách huyện hơn 1,95 tỷ đồng triệu đồng, Quỹ phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh hơn 7,87 tỷ đồng, để mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất, sinh phẩm…, đầu tư sửa chữa các khu cách ly tập trung, xây dựng bệnh viện dã chiến tại huyện Đức Trọng. 
 
Lâm Đồng chủ động triển khai kế hoạch huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, thành lập, phát triển Quỹ hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đến ngày 3/9, tỉnh đã tiếp nhận được hơn 72,4 tỷ đồng và thực hiện chi hỗ trợ hơn 11,6 tỷ đồng; cùng đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng đã hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 bằng hiện vật cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. 
 
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp và triển khai thu mua, hỗ trợ rau, củ, quả đến các tỉnh, thành vùng dịch như TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa… Chỉ tính từ ngày 18/8 đến 26/8, Lâm Đồng đã hỗ trợ về các tỉnh, thành này tổng 1.475 tấn rau, củ, quả. Chủ trương này tiếp tục duy trì với hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai là 4.170 tấn; trong đó, TP Hồ Chí Minh mỗi ngày 200 tấn đến ngày 15/9/2021.
 
Thách thức lớn nhất tại Lâm Đồng, theo Ban chỉ đạo là thực hiện “mục tiêu kép” thông qua việc tạo thuận lợi cho lái xe vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh vùng dịch vào địa bàn tỉnh. Thời gian gần đây, nguồn lây chính từ ngoài xâm nhập vào địa bàn tỉnh Lâm Đồng chủ yếu thông qua đội ngũ lái xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. Lâm Đồng đã áp dụng nhiều biện pháp đối với đối tượng này (tiêm vắc xin, xét nghiệm, lưu trú tập trung…), nhưng vẫn có trường hợp phát hiện dương tính, nguy cơ lây lan trong cộng đồng nếu không kiểm soát kỹ đối tượng này. 
 
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Lâm Đồng cũng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm về trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, Bộ Y tế cấp vắc xin phòng Covid-19 cho Lâm Đồng 68.820 liều vắc xin để tiêm mũi 2; Lâm Đồng mới được cấp 130.000 liều/1.900.000 liều vắc xin để tiêm cho người dân trên địa bàn như đã đăng ký với Bộ Y tế. Mặt khác, Bộ Y tế quan tâm, tăng cường hỗ trợ đội ngũ thầy thuốc, chuyên gia đầu ngành hỗ trợ địa phương trong trường hợp dịch bệnh lan rộng và nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng điều trị ở tầng 1. 
 
MINH ĐẠO