Trò chuyện online cùng Trưởng đoàn Y Bác sĩ Lâm Đồng tình nguyện hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh

09:09, 30/09/2021

(LĐ online) -  BS Trần Thành (sinh năm 1982), là bác sĩ Chuyên khoa I về chẩn đoán hình ảnh - Phó Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng Lâm Đồng được Sở Y tế tỉnh giao nhiệm vụ Trưởng đoàn 50 bác sĩ, điều dưỡng tỉnh Lâm Đồng...

(LĐ online) -  BS Trần Thành (sinh năm 1982), là bác sĩ Chuyên khoa I về chẩn đoán hình ảnh - Phó Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng Lâm Đồng được Sở Y tế tỉnh giao nhiệm vụ Trưởng đoàn 50 bác sĩ, điều dưỡng tỉnh Lâm Đồng tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Qua hơn 1 tháng phục vụ điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Số 1 - Thành phố Hồ Chí Minh, PV Báo Lâm Đồng đã kết nối với Trưởng đoàn công tác, câu chuyện ngắt quãng rồi nối lại qua nhiều ngày do BS Thành hàng ngày phải vào ca trực từ 8 - 10 tiếng và giao ban, triển khai công việc chuyên môn tại bệnh viện.   
 
BSCKI Trần Thành cùng đội trưởng các đoàn giao ban hàng ngày để triển khai công việc chuyên môn
BSCKI Trần Thành cùng đội trưởng các đoàn giao ban hàng ngày để triển khai công việc chuyên môn
 
•  PV: Thưa bác sĩ, xin anh cho biết điều kiện làm việc của đoàn y bác sĩ Lâm Đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào? 
 
BSCKI Trần Thành: Đoàn 50 y bác sĩ tình nguyện của tỉnh Lâm Đồng làm việc tại cơ sở thu dung và điều trị Covid-19 Bệnh viện Dã chiến Số 1 có quy mô 4.500 giường, đặt tại Ký túc xá sinh viên Trường ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Đức. Cơ sở này được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thành lập từ tháng 6/2021, từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Thành phố Hồ Chí Minh thì nơi đây thu dung và điều trị bệnh nhân Covid thuộc tầng 1 và 2 của tháp điều trị 3 tầng cho bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Đến nay, đã có hơn 16 ngàn bệnh nhân Covid-19 xuất viện từ Bệnh viện Dã chiến Số 1, đây là kỷ lục mới của bệnh viện về số ca xuất viện, đặc biệt, chưa có ca tử vong. Với công suất 4.500 giường nhưng cao điểm bệnh viện không còn giường trống. Bệnh nhân sẽ được chia ra các khoa lâm sàng. Mỗi khu do 5 bác sĩ và 8 điều dưỡng phụ trách từ 200 - 250 bệnh nhân. Có thời điểm, bệnh nhân tăng đột biến, những khu này lên đến 300 - 400 bệnh nhân. Hiện tại thời điểm này có 2.596 bệnh nhân đang điều trị. 
 
Công việc của đoàn y bác sĩ Lâm Đồng tại bệnh viện là chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid -19. Đoàn chia làm các nhóm như: Nhóm điều trị, mỗi nhóm có 4 bác sĩ và 10 điều dưỡng chăm sóc và điều trị cho 250 - 300 bệnh nhân. Mỗi ca làm việc trung bình 8 tiếng trong thời tiết nóng bức, những ngày đầu mới từ xứ lạnh Đà Lạt xuống Thủ Đức do chưa quen với cái nóng nhiều nên có một số bạn cũng bị mất nước phải chuyền dịch và ngày sau khỏe lại tiếp tục công việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Đối với nhóm bác sĩ, điều dưỡng làm Hồi sức tích cực thì chia 4 kíp trực làm theo ca trung bình 8 tiếng/ca, còn nhóm chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân thì không kể thời gian, hễ bệnh nhân trở nặng bất cứ lúc nào thì nhóm sẽ lao ngay vào việc, nên lúc nào nhóm cũng túc trực để theo dõi bệnh nhân.
 
Bệnh viện Dã chiến Số 1 có các đoàn cán bộ y tế tham gia chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Đoàn Lâm Đồng, Thanh Hóa và các đoàn y bác sĩ của các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh như: Bệnh viện Mắt, Ung bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quận 9 và một số các bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên khác. 
 
Bác sĩ Trần Thành cùng đồng nghiệp đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1 TP HCM
Bác sĩ Trần Thành cùng đồng nghiệp đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến Số 1 Thành phố Hồ Chí Minh
 
•  PV: Bác sĩ cho biết tình hình sức khỏe của các thành viên trong đoàn y bác sĩ tình nguyện Lâm Đồng và sự kết nối các thành viên giữa tâm dịch như thế nào? 
 
BSCKI Trần Thành: Hiện tại đoàn Lâm Đồng các bác sĩ, điều dưỡng sức khỏe đều tốt, đã bắt nhịp và đáp ứng tốt với công việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân Covid - 19 tại đây. Chúng tôi cùng với đồng nghiệp đến từ nhiều nơi tham gia làm nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân, đến thời điểm này đã có hàng chục ngàn bệnh nhân ra viện và không có ca tử vong là một kỳ tích. Để có được thành quả tích cực này, khi bệnh nhân trở nặng được các bác sĩ cho sử dụng thuốc đúng theo phác đồ của Bộ Y tế, đồng thời theo dõi đánh giá sát tình hình, chuyển viện lên những tầng trên để hỗ trợ điều trị kịp thời cho bệnh nhân.
 
Điều đặc biệt là các khu điều trị này thiết lập các nhóm zalo riêng, khi bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe sẽ báo vô nhóm hoặc gọi vô hotline, các bác sĩ trực 24/24 giờ nhanh chóng hỗ trợ cho bệnh nhân. Luôn luôn bố trí cán bộ y tế túc trực theo sát bệnh nhân, cũng đồng nghĩa với sự làm việc của chúng tôi ở cường độ cao nhất. Do đó, tại Bệnh viện Dã chiến Số 1 từ khi hoạt động đến nay đã có hơn 20 bác sĩ, nhân viên y tế lây nhiễm chéo từ bệnh nhân, trong đó có thành viên của đoàn Lâm Đồng. Nhiều nhân viên y tế là F0 vẫn tình nguyện ở lại khu vực điều trị để chăm sóc cho bệnh nhân F0, hết thời gian cách ly vẫn ở lại tiếp tục công việc.
 
Ở đây, ngoài điều trị về y tế, chúng tôi còn đặc biệt quan tâm về tinh thần cho bệnh nhân. Yếu tố tinh thần không kém phần quan trọng, nên ngày nào chúng tôi cũng hỏi thăm, gần gũi động viên cho bệnh nhân là không thể thiếu trong hoạt động hàng ngày của y bác sĩ tại đây. Dịp Trung thu vừa qua, chúng tôi tham gia cùng đồng nghiệp tổ chức Trung thu tại bệnh viện cho trẻ em, góp vui cho bệnh nhân Covid-19 ở mọi lứa tuổi, cùng động viên tinh thần vượt qua những ngày khó khăn nhất trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
 
Đoàn 50 y bác sĩ tình nguyện Lâm Đồng thuộc thế hệ 8X, 9X tham gia chi viện, hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến Số 1 Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24/8. Với mục tiêu góp phần đẩy lùi, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và trên địa bàn toàn quốc nói chung, ngành Y tế Lâm Đồng đã cử 50 cán bộ y tế có kinh nghiệm, năng lực, trình độ, nhiệt tình, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Trong đó, có 10 Bác sỹ và 40 Điều dưỡng, chiếm gần 50% là Cử nhân Điều dưỡng thuộc các đơn vị y tế: Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc, Trung tâm Y tế Di Linh.
 
Những ngày đầu công tác, tâm trạng các thành viên trong đoàn rất lo lắng và không hình dung được công việc cũng như môi trường làm việc trong tâm dịch như thế nào. Nhưng khi vào tâm dịch, chứng kiến bệnh nhân nhập viện đông, bệnh nhân vật vã với những cơn khó thở thì các thành viên trong đoàn bắt tay vào công việc không còn cho những suy nghĩ sợ sệt như ban đầu. Một số thành viên trong đoàn có con nhỏ, xa gia đình, nhiều nỗi lo lắng nhưng cùng chung với tinh thần chống dịch của cả nước được Chính phủ phát động, chúng tôi luôn động viên nhau và cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức để đóng góp một phần sức lực nhỏ hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh sớm đẩy lùi dịch bệnh.
 
Ngày đầu tiên 24/8, đoàn Y Bác sĩ Lâm Đồng đến TP HCM chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 1
Ngày đầu tiên 24/8, đoàn y bác sĩ Lâm Đồng đến Thành phố Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Số 1
 
PV: Bác sĩ có thể chia sẻ cảm nghĩ về việc dấn thân vì người bệnh ở nơi hiểm nguy nhất và trong môi trường làm việc như vậy làm thế nào để cùng đồng đội vượt lên khó khăn, đối đầu với sự sợ hãi mà không gục ngã?
 
- BSCKI Trần Thành: Bản thân là bác sĩ công tác tại Khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện Phục hồi chức năng Lâm Đồng, công việc hàng ngày cũng ít tiếp xúc với công việc hồi sức tích cực (ICU), điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Khi tôi vào phòng ICU với các loại máy thở, các máy móc để cấp cứu cho bệnh nhân thì rất bỡ ngỡ. Trước đó, đoàn chúng tôi đã được tập huấn kỹ các kỹ năng cũng như bản thân cũng phải tự tìm hiểu, học hỏi thêm qua các buổi tập huấn trực tuyến của Bộ Y tế nên công việc cũng bắt nhịp ngay sau đó.
 
Với trách nhiệm Trưởng đoàn công tác, tôi nhận thấy việc kết nối nắm bắt tư tưởng của anh em trong đoàn hết sức quan trọng. Về tâm trạng, tinh thần của các thành viên khi vào tâm dịch đa số các bạn lo lắng, rất sợ lây nhiễm và nhiều cái sợ khác, nên các anh chị em thường xuyên trao đổi công việc hàng ngày, có những khó khăn lo lắng đều cập nhật lên group Zalo của nhóm. Trên tinh thần đó, thì tôi cùng 2 Phó đoàn hội ý để có những động viên, chia sẻ kịp thời, cũng như giải quyết mọi công việc thắc mắc. Hơn nữa, tôi cũng chủ động liên hệ với Ban giám đốc Bệnh viện để tạo điều kiện cho đoàn công tác thuận lợi.
 
Hàng ngày, sáng nào Đội trưởng các đoàn cũng giao ban để cập nhật thông tin bệnh nhân, cũng như mọi hoạt động của bệnh viện để triển khai công việc cho đoàn, nhóm mình phụ trách.
 
Các Y Bác sĩ Bệnh viện Dã chiến số 1 TP HCM hướng dẫn bệnh nhân tập thở để cải thiện chức năng hô hấp
Các y bác sĩ Bệnh viện Dã chiến Số 1 Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn bệnh nhân tập thở để cải thiện chức năng hô hấp
 
Ban đầu khi chưa vào tâm dịch, tôi cũng như các đồng nghiệp không nghĩ là cảnh tượng có thể nói là khốc liệt như thế này. Khi xe đưa đoàn chuẩn bị vào địa phận Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn các dãy phố nhộn nhịp trước đây không còn, thay vào đó là hình ảnh những con đường vắng bóng người, các dãy nhà với các cửa đóng kín, giăng dây tứ bề, một khung cảnh thật buồn và ảm đạm. Khi đó trong lòng tôi nhiều cảm xúc mà nỗi sợ, lo lắng nhiều vì vào nơi nguy hiểm có thể nói là đánh đổi bằng sinh mạng... Đến khi đoàn ổn định và bắt tay vào công việc, chúng tôi thấy được tính chất công việc đầy nguy hiểm, cường độ làm việc vất vả vì mục tiêu cứu chữa cho bệnh nhân, giảm tử vong mức thấp nhất. Khi tiếp xúc với bệnh nhân mắc Covid-19, những câu chuyện của bệnh nhân về gia đình của họ mắc bệnh và mất đi nhiều người thân cùng lúc và lắng nghe nhiều câu chuyện đau lòng khác để bệnh nhân nói ra tìm sự an ủi cũng như chia sẻ để vơi đi phần nào nỗi đau buồn với y bác sĩ, lúc ấy, chúng tôi cảm giác như là người thân của họ vậy. Ở phòng hồi sức tích cực, hàng ngày thấy bệnh nhân chuyển nặng, họ mệt, vật vã với những cơn khó thở, ngất lịm đi khi cơ thể thiếu ô xy, thấy họ đau đớn về thể xác lẫn tinh thần như vậy, khi đó không chỉ là bản thân tôi mà các thành viên trong đoàn đều có chung một cảm nghĩ là mình phải làm được điều gì đó để giúp cho bệnh nhân.
 
Hơn nữa, từ lời kêu gọi của Chính phủ thì khắp miền Bắc, Trung, Nam đều có các đoàn tình nguyện vào chia lửa với Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với những kiến thức được trang bị giúp chúng tôi vững tin, vượt qua sự sợ hãi, lo lắng, thay vào đó là sự quyết tâm cố gắng làm sao giúp cứu chữa được cho bệnh nhân càng nhiều càng tốt. Vì vậy, khi thấy bệnh nhân khỏe lên hàng ngày và được xuất viện đó là điều hạnh phúc và là động lực để đoàn chúng tôi, cũng như các đồng nghiệp ở mọi miền đất nước tình nguyện đến đây làm việc cùng nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Tôi nghĩ rằng, với tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, cho dù dấn thân vào nơi nguy hiểm mà với kiến thức được trang bị tốt, tinh thần vững vàng, không ngại khó, ngại khổ, tuyệt đối tuân thủ quy trình phòng chống nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm, thực hiện tốt 5K thì khi làm nhiệm vụ, công việc chuyên môn không có gì phải ngại. Chúng tôi mong sao Thành phố Hồ Chí Minh sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đem lại cuộc sống bình thường mới và lúc ấy các y bác sĩ chúng tôi cũng được về với gia đình và người thân.
 
PV: Cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian quý báu chia sẻ câu chuyện và chúc “những trái tim quả cảm” của chúng ta hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sớm đẩy lùi dịch bệnh tại thành phố mang tên Bác. 
 
DIỆU HIỀN (Thực hiện)