Khi chủ thể nhập cuộc

02:10, 21/10/2021

(LĐ online) - Chiếm hơn 50% dân số, những năm qua, Hội LHPN các cấp tỉnh Lâm Đồng đã phát huy vai trò là người đại diện cho tiếng nói, lợi ích hợp pháp chính đáng của các tầng lớp phụ nữ địa phương...

[links()]
 
(LĐ online) - Chiếm hơn 50% dân số, những năm qua, Hội LHPN các cấp tỉnh Lâm Đồng đã phát huy vai trò là người đại diện cho tiếng nói, lợi ích hợp pháp chính đáng của các tầng lớp phụ nữ địa phương, tham gia tích cực vào quá trình triển khai công tác phòng chống bạo lực gia đình, chống xâm hại trẻ em. Nhờ đó, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, trẻ em mà đặc biệt là trẻ em gái ở Lâm Đồng từng bước được cải thiện, nâng cao nhờ sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. 
 
Hướng dẫn ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ tại Bênh viện Phục hồi chức năng Lâm Đồng
Hướng dẫn ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ tại Bênh viện Phục hồi chức năng Lâm Đồng
 
Không quá khó để nhận ra sự đổi thay trong cách làm của tổ chức hội phụ nữ các cấp ở Lâm Đồng hướng đến mục tiêu chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình trên cơ sở giới. Bởi thông qua hàng hoạt các chương trình hành động cụ thể như gặp gỡ, nắm bắt gia cảnh của hội viên, hội thảo, toạ đàm chuyên đề, trợ giúp tư vấn pháp lý…, các gút mắc của chị em phụ nữ về giới, bình đẳng giới, thế nào là bạo lực gia đình, làm gì để bảo vệ bản thân không trở thành nạn nhân của bạo lực… đều được tháo gỡ. Khi được tham gia các lớp tư vấn, nhận thức của phụ nữ về giá trị của bản thân đã được nâng cao, giúp chị em tự tin hơn khi đối diện, giải quyết những tình huống phát sinh trong cuộc sống hàng ngày. 
 
Lớp học vùng sâu thôn R Hang Trụ, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà
Lớp học vùng sâu thôn R Hang Trụ, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà
 
Điểm nổi bật của công tác phòng chống bạo lực gia đình, chống xâm hại trẻ em mà các cấp hội phụ nữ tỉnh Lâm Đồng triển khai hiệu quả trong thời gian qua đó là việc xây dựng và duy trì tốt hoạt động của các mô hình đội nhóm ngay ở tuyến cơ sở. Với chức năng là những cánh tay nối dài của tổ chức hội, đây là địa chỉ liên hệ gần nhất, sát nhất với chị em. Ban chủ nhiệm các cân lạc bộ là những người đầu tiên phát hiện khó khăn mà chị em đang phải đối diện, kịp thời tư vấn và liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời ngay từ khi sự việc vừa nảy sinh. Nhờ đó, đã góp phần hạn chế tối đa những sự vụ, sự việc bao lực gây hậu quả nghiêm trọng, tác động xấu đến tâm sinh lý của phụ nữ và trẻ em. Tính đến thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng và duy trì hoạt động ổn định 15 mô hình phòng chống bạo lực gia đình và 43 địa chỉ tin cậy cộng đồng.
 
Không dừng lại ở việc xây dựng, duy trì các mô hình đội nhóm phù hợp với đặc thù của từng cụm dân cư, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh còn hướng đến nhiệm vụ giúp hội viên củng cố, xây dựng gia đình theo tiêu chí no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh. Với phương châm gia đình là nền tảng hình thành nhân cách của mỗi con người, là cánh cửa vững chắc ngăn ngừa bạo lực có khả năng xảy ra, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã đẩy mạnh việc lồng ghép cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch; trong đó, có tiêu chí không bạo lực gia đình vào tất cả các cuộc vận động do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. 
 
Thu hoạch rau hỗ trợ vùng ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 tại Đam Rông
Thu hoạch rau hỗ trợ vùng ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 tại Đam Rông
 
Các điển hình người tốt việc tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc đã được lan toả nhằm tạo nên nguồn năng lượng tích cực đẩy lùi, tiến tới xoá bỏ nạn bạo lực gia đình, bạo hành phụ nữ và trẻ em - những đối tượng dễ bị tổn thương. Đội ngũ báo cáo viên phòng chống bạo lực gia đình của phụ nữ cũng không ngừng tăng về số lượng với sự góp mặt của 192 chị em hoạt động khắp mọi địa bàn dân cư từ thành thị đến nông thôn. Số chi hội kiểu mẫu thực hiện gia đình 5 không 3 sạch ở Lâm Đồng cũng tăng nhanh 187 mô hình với gần 13.300 thành viên tham gia sinh hoạt.
 
Nhìn chung, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020 đã được các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh triển khai có hiệu quả. Nhiều gia đình đã hạn chế tình trạng bạo lực, tập trung làm ăn và có điều kiện tốt hơn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xây dựng gia đình hạnh phúc. 
 
Phụ nữ làm việc tại xưởng đóng gói Dalat Hasfarm
Phụ nữ làm việc tại xưởng đóng gói Dalat Hasfarm
 
Việc giáo dục truyền thống gia đình và thực hiện nếp sống mới, giữ gìn hạnh phúc, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình được phát huy; có sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, tạo dựng tình yêu thương, trách nhiệm với những người thân; tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam và phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình; vận động chị em thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử; đồng thời, thúc đẩy sự quan tâm của các cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Bởi mỗi gia đình hạnh phúc sẽ là một tổ ấm dưỡng nuôi tâm hồn và trí tuệ của các thành viên, trở thành một tế bào lành mạnh của xã hội hiện đại, văn minh.
 
DIỆP QUỲNH