Học sinh khuyết tật gặp nhiều rào cản khi học trực tuyến

08:11, 13/11/2021

(LĐ online) - Việc học trực tuyến đã không còn xa lạ với nhiều người và được đánh giá là phương án phù hợp nhất hiện nay trong công tác giáo dục nhằm hoàn thành mục tiêu kép vừa dạy học, vừa phòng chống dịch. Tuy nhiên, đối với học sinh khuyết tật trên toàn tỉnh Lâm Đồng, việc học trực tuyến đã gây nên không ít khó khăn.

(LĐ online) - Việc học trực tuyến đã không còn xa lạ với nhiều người và được đánh giá là phương án phù hợp nhất hiện nay trong công tác giáo dục nhằm hoàn thành mục tiêu kép vừa dạy học, vừa phòng chống dịch. Tuy nhiên, đối với học sinh khuyết tật trên toàn tỉnh Lâm Đồng, việc học trực tuyến đã gây nên không ít khó khăn.
 
Cô Nguyễn Thị Lợi – Phó Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng trao đổi trực tuyến với học sinh
Cô Nguyễn Thị Lợi – Phó Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng trao đổi trực tuyến với học sinh
 
KHÓ CÀNG THÊM KHÓ
 
Không may mắn như các bạn đồng trang lứa, với các em học sinh khuyết tật, đến trường đã là một nỗ lực rất lớn. Việc tiếp cận thông tin, trau dồi kiến thức và trao đổi ý kiến của các em từ trước đến nay đều gặp phải nhiều hạn chế, đặc biệt trong quá trình học tập. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều tuần qua, các em học sinh khuyết tật trong toàn tỉnh Lâm Đồng không thể tiếp tục học tập, sinh hoạt tại trường và dần phải thích nghi với việc học trực tuyến. Hình thức học trực tuyến đối với học sinh bình thường đã khó, với học sinh khuyết tật lại càng khó khăn hơn.
 
Tìm đến ngôi trường Khiếm thính Lâm Đồng, chúng tôi gặp và trao đổi cùng cô Nguyễn Thị Lợi – Phó Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng, đồng thời là giáo viên trực tiếp phụ trách công việc giảng dạy các em học sinh. “Đa phần các em học sinh của trường đều ở các huyện, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhiều em ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện học tập hoàn toàn không có” - cô Lợi chia sẻ. 
 
Khi phương án học trực tuyến được áp dụng, nhà trường đã tiến hành khảo sát và tìm hiểu, nắm bắt tình hình các em học sinh. Tuy nhiên, 70% các em đều không có trang thiết bị hoặc đường truyền ổn định để phục vụ việc học trực tuyến. Một số học sinh sử dụng điện thoại của phụ huynh nên việc học chỉ có thể thực hiện vào buổi tối, sau khi cha mẹ các em đi làm về. Ngoài ra, nhiều phụ huynh học sinh không biết chữ hoặc cũng là người khiếm thính nên cũng đành ngậm ngùi, chờ đến ngày các em được quay trở lại trường.
 
Em Vũ Mai Huyền Anh – học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng luôn mong muốn được mau chóng đến trường để học tập, giao lưu cùng bạn bè, thầy cô giáo. Bà Mai Thảo Huyền (Phường 7, TP Đà Lạt) – mẹ của Huyền Anh tâm sự: “Mặc dù hoàn cảnh gia đình không quá khó khăn, mình có thể trang bị đầy đủ điều kiện học tập cho con nhưng cháu ở nhà buồn lắm, cháu muốn được gặp bạn bè, thầy cô, vì mình giao tiếp với cháu rất khó mà. Thời điểm dịch bệnh, thầy vẫn giao bài tập và trao đổi trực tuyến 1 tuần/lần nhưng cháu rất khó tập trung, đặc biệt cháu đang học viết chữ nên học trực tuyến khó khăn hơn rất nhiều”.
 
Các em học sinh khuyết tật hòa nhập cộng đồng đang học tập tại các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít cản trở. Em Nguyễn Văn Hoàng – Học sinh khiếm thị hòa nhập cộng đồng, lớp 10A15 Trường THPT Trần Phú (Đà Lạt) chia sẻ: Việc em không nhìn thấy chính là thiệt thòi và khó khăn lớn nhất trong quá trình học tập. Ngày thường khi đến lớp, lúc lắng nghe và chép bài không kịp hay có những bài tập khó, em có thể hỏi thầy cô để giải đáp ngay lúc đó. Nhưng khi học trực tuyến, việc em thao tác trên điện thoại mất thời gian khá lâu nên vấn đề sẽ khó giải quyết hơn. Đối với em, những trục trặc về mạng hay thiết bị đều nằm ngoài khả năng xử lý, bài vở đôi khi sẽ không hoàn thiện. 
 
Em Nguyễn Văn Hoàng – học sinh hòa nhập cộng đồng, lớp 10A15, Trường THPT Trần Phú học trực tuyến bên bảng chữ nổi
Em Nguyễn Văn Hoàng – học sinh hòa nhập cộng đồng, lớp 10A15, Trường THPT Trần Phú học trực tuyến bên bảng chữ nổi
 
CÙNG NHAU VƯỢT KHÓ
 
Cô Nguyễn Thị Ngọc Minh – Hiệu trưởng Trường Khiếm thính Lâm Đồng cho biết, công tác giảng dạy trực tuyến đối với các em học sinh khiếm thính đầy ắp khó khăn. Tuy nhiên, nhà trường vẫn luôn cố gắng giúp đỡ, đồng hành cùng các em và đưa ra phương pháp phù hợp với từng cấp học. Với bậc học mầm non, nhà trường phân chia giáo viên thường xuyên kết nối, trao đổi với phụ huynh để hỗ trợ các em ôn lại những bài học cũ và giải đáp thắc mắc từ phía học sinh. Các em học sinh bậc tiểu học và THCS sẽ được giáo viên giao bài tập về nhà, sau đó học sinh chụp lại và gửi cho giáo viên qua mạng xã hội Zalo. Ngoài ra, tùy vào từng trường hợp, các thầy cô giáo sắp xếp thời gian linh hoạt để có thể trao đổi trực tuyến với học sinh bất cứ lúc nào. Ban Giám hiệu Trường Khiếm thính Lâm Đồng chủ động giảm học phí còn 1/3 so với học phí thông thường, mong học sinh dù ở trong hoàn cảnh nào vẫn tiếp tục hành trình đến với con chữ. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên luôn sát cánh cùng phụ huynh, động viên con em nỗ lực học tập, không bị bỏ lại phía sau.
 
Đối với những học sinh khuyết tật hòa nhập cộng đồng, việc bắt kịp các bạn học tạo nên áp lực không nhỏ. Nhưng không vì thế mà việc học của các em bị gián đoạn. Bên cạnh sự phấn đấu của chính bản thân học sinh, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên các bộ môn cũng đặc biệt quan tâm, tận tình chỉ bảo các em. Cô Lê Thị Minh Huyền – Giáo viên chủ nhiệm học sinh hòa nhập Nguyễn Văn Hoàng, lớp 10A15, Trường THPT Trần Phú chia sẻ: “Điều cô lo lắng nhất về Hoàng chính là tâm lý và khả năng nắm bắt, hiểu bài của em ấy, đặc biệt những môn cần sử dụng và phân tích nhiều hình ảnh, mô hình như Toán, Hóa…”.
 
Nhằm đảm bảo tiến độ giảng dạy, học sinh khuyết tật sẽ không thể theo kịp một số phần bài giảng. Tuy nhiên, sau mỗi giờ học, thầy cô đều liên lạc và bổ trợ kiến thức cho riêng các em. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn sắp xếp Ban cán sự lớp liên tục hỗ trợ, giúp các bạn học sinh khuyết tật bố trí bài vở, bổ sung kiến thức. Điều này đòi hỏi sự cố gắng và tương tác từ cả giáo viên và học sinh. 
 
Về phía nhà trường, cô Vũ Thị Quế - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho biết, hiện nhà trường đã đề xuất hỗ trợ thiết bị học tập (máy tính, laptop, tai nghe…) cho những học sinh hòa nhập đang theo học tại trường. Dù số học sinh khuyết tật không nhiều nhưng trường quyết tâm tạo điều kiện học tập trực tuyến thuận lợi nhất, mang đến động lực cho các em.
 
TIỂU QUYÊN