Bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bắt đầu từ di sản ''sống''

05:11, 23/11/2021

Với đồng bào các dân tộc bản địa, cồng chiêng không đơn thuần là một nhạc cụ mà được xem là vật thiêng gắn với đời sống tâm linh, tiếng chiêng là sợi dây kết nối giữa con người và đấng siêu nhiên...

Với đồng bào các dân tộc bản địa, cồng chiêng không đơn thuần là một nhạc cụ mà được xem là vật thiêng gắn với đời sống tâm linh, tiếng chiêng là sợi dây kết nối giữa con người và đấng siêu nhiên. Khi đời sống đổi thay, các nghi lễ gắn với mùa màng, với vòng đời con người cũng mất dần, văn hóa cồng chiêng cũng bị mai một. Hơn bao giờ hết, các chủ thể - những nghệ nhân nắm giữ di sản trở thành những di sản văn hóa “sống” có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
 
Nghệ nhân K’Tiếu truyền dạy tận tình các điệu thức cồng chiêng cho thanh niên K’Ho
Nghệ nhân K’Tiếu truyền dạy tận tình các điệu thức cồng chiêng cho thanh niên K’Ho
 
•  NHỮNG DI SẢN “SỐNG” TRUYỀN TÌNH YÊU VĂN HÓA DÂN TỘC
 
Ở thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, từ hơn chục năm qua Di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được khôi phục mạnh mẽ. Già làng K’Tiếu đã thổi cho nó một sức sống mới. Đam mê cồng chiêng từ khi 14 tuổi, vào năm 1966, hơn chục gia đình đâm trâu hiến sinh, lễ hội làng thâu ngày đêm suốt cả tháng ròng. Thấy các cụ vui nên ông đi theo học được 4-5 bài chiêng. Từ 20 năm qua, cồng chiêng ngày càng mai một, nhà ông trở thành trường học, già K’Tiếu trở thành thầy giáo đặc biệt truyền dạy cồng chiêng cho hơn 150 con trai, con gái ở buôn gần làng xa. Riêng thôn Duệ gần 90 người. Mới đầu chỉ dạy cho nam giới, do chế độ mẫu hệ, con trai bị “bắt” làm chồng ngày càng xa mang theo cả tiếng chiêng, nên từ năm 2018 ông dạy cho con gái. K’Thoét là người phụ nữ đánh chiêng không còn hiếm của buôn làng. Mới đầu cô chỉ múa xoang, từ 4 năm nay mới học đánh chiêng. “Dù đánh chiêng rất khó, nhưng mình cũng cố học để giữ lấy văn hóa của dân tộc mình, vì già K’Tiếu đã cao tuổi, nếu mình không học, già mất đi làng mình cũng mất đi tiếng chiêng”.
 
Được già K’Tiếu tận tình truyền dạy chi tiết từ cách cầm chiêng, kỹ năng gõ, bắt nhịp từng bài chiêng, ý nghĩa từng bài chiêng, đánh trong hoàn cảnh nào, những điệu thức cơ bản..., chỉ trong 2 năm, 15 thành viên cả nam và nữ trong Câu lạc bộ cồng chiêng thôn Duệ đều biết đánh thuần thục 5 bài bản truyền thống; thường xuyên tập luyện đi biểu diễn trong và ngoài tỉnh. Sự tận tâm của già K’Tiếu đã thôi thúc các thành viên nỗ lực học. K’Tình, đội trưởng quyết tâm phải cố học và thực hành, rèn các điệu thức diễn tấu để khi về già mình có thể truyền dạy cho thế hệ con cháu của mình.
 
Nói về những đóng góp của mình K’Tiếu chân thành, giản dị: Tôi chỉ sống một lần, biết gì thì dạy con cháu mới sống có ý nghĩa. Cha mẹ, ông bà tổ tiên truyền cho mình, mình phải có trách nhiệm truyền lại cho con cháu. 
 
Ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân (Đơn Dương), sân nhà nghệ nhân ưu tú Ma Bio từ nhiều năm qua trở thành sân khấu xóm cho nhiều thế hệ mà bà truyền dạy văn hóa truyền thống Chu Ru. Touneh Ma Hồng (14 tuổi) được Ma Bio dạy đánh chiêng từ khi em mới 9 tuổi và là học trò hiếm hoi thổi được khèn bầu. Với người Chu Ru, đám giỗ phải có cồng chiêng, bà biết đánh chiêng từ khi 13 tuổi. Khi trưởng thành bà được mời đi biểu diễn trong các hội họp của đoàn thể chính trị, của xã. Tuổi mỗi ngày một cao, bà Ma Bio mở lớp truyền dạy cho thanh thiếu niên tại nhà với mong muốn truyền hết cho thế hệ trẻ trong làng. Hơn 50 năm đánh cồng chiêng, gần 17 năm truyền dạy, nghệ nhân đã dạy được gần 200 em biết đánh chiêng, đánh trống, thổi kèn bầu, múa arya, biết hát bè, hát dân ca dân gian. Hiện tại bà cố truyền kèn bầu, vì hiện nay chỉ có vài em biết thổi, cố gắng mở lớp kèn bầu vì khó nhất, ít người thổi. Là người lâu năm gắn bó với văn hóa dân tộc, nghệ nhân ưu tú Ma Bio luôn mong muốn tự thấy mình phải cố gắng để gìn giữ văn hóa của dân tộc mình, cố gắng dạy cho các em để bản sắc văn hóa dân tộc mình không bị mai một, thất truyền.
 
Đội cồng chiêng thôn Duệ do nghệ nhân K’Tiếu truyền dạy
Đội cồng chiêng thôn Duệ do nghệ nhân K’Tiếu truyền dạy
 
•  BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN BẮT ĐẦU TỪ BẢO TỒN DI SẢN “SỐNG” 
 
Ðặc thù của di sản văn hóa phi vật thể là chỉ có thể tồn tại khi được cộng đồng thực hành. Nếu cộng đồng không thực hành, có nghĩa là di sản có nguy cơ mai một, hoặc biến mất. Thực hiện đề án bảo tồn di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn Lâm Đồng, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã xây dựng “mỗi buôn làng một đội cồng chiêng”. Cùng với việc sưu tầm, bảo quản, phục dựng các lễ hội văn hóa truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc; các loại hình văn hóa dân gian, những phong tục, tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mạ, K’Ho, Chu Ru, toàn tỉnh đã thực hiện trang bị 18 bộ cồng chiêng, 75 bộ trang phục thổ cẩm cho các huyện, thành, tổ chức 62 lớp truyền dạy cồng chiêng cho hơn 1.600 thanh thiếu niên là đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ truyền dạy các kỹ năng nghệ thuật, các nghệ nhân còn truyền cho thế hệ tiếp nối mình tình yêu đặc biệt với di sản văn hóa dân tộc bằng chính sự tận tâm lòng nhiệt huyết của họ. Xây dựng 5 mô hình cồng chiêng phục vụ du lịch tại địa bàn các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Di Linh và Đạ Huoai; 16 đội (nhóm) cồng chiêng thường xuyên biểu diễn phục vụ nhu cầu tìm hiểu, giao lưu văn hóa của người dân và du khách. Tổ chức tôn vinh 59 nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa truyền thống các dân tộc cấp tỉnh; có 9 nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước công nhận, đề xuất Hội đồng cấp Bộ trình Chủ tịch nước công nhận cho 7 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
 
Nói về những đóng góp thầm lặng và vai trò không thể thay thế của các nghệ nhân trong việc bảo tồn, trao truyền di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ, ông Hoàng Mạnh Tiến - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Trước tình hình văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc bản địa ở Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung đang dần bị mai một, thì việc các nghệ nhân tự nguyện truyền dạy vốn di sản mình nắm giữ là rất đáng quý, đáng trân trọng, đáng biểu dương nhân rộng để việc bảo tồn không chỉ dừng lại trách nhiệm của một ngành, hay một địa phương mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Qua các nghệ nhân tiêu biểu, ghi nhận những đóng góp thầm lặng nhưng hết sức ý nghĩa của các nghệ nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Việc tự nguyện truyền dạy cồng chiêng như 2 nghệ nhân K’Tiếu và Ma Bio hiện nay rất ít người có khả năng làm được vì tốn rất nhiều công sức và đòi hỏi sự đam mê, có tình yêu đặc biệt với nền văn hóa thì mới có thể làm được. 
 
Ông Tiến mong muốn, trong thời gian tới, các cơ quan làm công tác văn hóa từ tỉnh đến huyện nên hình thành các mô hình truyền dạy; những cá nhân có tâm huyết với bảo tồn văn hóa dân tộc, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ động viên, khuyến khích và ghi nhận những đóng góp của họ cho công tác bảo tồn, để nghệ nhân gắn bó với di sản. Từ đó đưa công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa rộng khắp. 
 
QUỲNH UYỂN