Cảnh giác việc giả mạo, lợi dụng danh nghĩa phóng viên báo chí để trục lợi, sách nhiễu

03:01, 03/01/2022
(LĐ online) - Sở Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản về việc thực hiện quy định phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và phản ánh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu.
 
Nhằm đảm bảo việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đúng theo quy định, kịp thời cung cấp thông tin chính thức để báo chí đảm bảo tính chính xác, công khai, minh bạch, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị: Nhà báo, phóng viên, cộng tác viên báo chí (gọi tắt là phóng viên) khi đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp thông tin cần phải xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu và giấy tờ tùy thân đảm bảo theo quy định để xác thực danh tính khi đề nghị cung cấp thông tin; nêu rõ các nội dung thông tin cần được cung cấp để cơ quan, tổ chức, đơn vị được đề nghị cung cấp thông tin kiểm tra, xem xét trước khi tiến hành cung cấp thông tin.
 
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phóng viên đề nghị cung cấp thông tin được trực tiếp yêu cầu người đến làm việc xuất trình và kiểm tra tính hợp pháp của thẻ nhà báo (thẻ do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp, còn thời hạn sử dụng, không chấp nhận các loại thẻ giấy tờ khác thay cho thẻ nhà báo) hoặc giấy giới thiệu (có đầy đủ tên cơ quan báo chí, tên phóng viên được giới thiệu, tên cơ quan đến liên hệ đề nghị cung cấp thông tin, nội dung thông tin đề nghị cung cấp, thời hạn của giấy giới thiệu, chữ ký của người giới thiệu và con dấu của cơ quan báo chí). Đồng thờ,i có quyền kiểm tra nội dung thông tin đề nghị cung cấp có đúng với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đã được Bộ Thông tin và Truyền thông quy định hay không.
 
Trường hợp người đến làm việc không xuất trình được một trong hai loại giấy tờ trên các cơ quan, đơn vị, địa phương có quyền từ chối làm việc, cung cấp thông tin. 
 
Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, đăng tải trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn... (theo quy định tại Khoản 1, Điều 38 Luật Báo chí 2016; Điều 4 Nghị định 09/2017/NĐ-CP ngày (19/02/2013 của Chính phủ).  
 
Trường hợp phóng viên đến để phỏng vấn, các cơ quan, đơn vị, địa phương giao cho các bộ phận liên quan chuẩn bị nội dung trả lời phỏng vấn, thống nhất thời gian trả lời phỏng vấn của phóng viên và hỗ trợ người có thẩm quyền phát ngôn trả lời phỏng vấn. Các cơ quan, đơn vị cần hạn chế tối đa việc trả lời phỏng vấn qua điện thoại hoặc trả lời qua email khi chưa biết rõ người gọi, người đề nghị cung cấp thông tin là ai nhằm tránh các trường hợp giả danh nhà báo, phóng viên.
 
Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đề cao cảnh giác đối với hành vi giả mạo phóng viên báo chí, lợi dụng danh nghĩa phóng viên báo chí để trục lợi. Trường hợp phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương lưu lại bằng chứng, kịp thời phản ánh và cung cấp thông tin về vụ việc đến Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh hoặc Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh để xử lý nghiêm theo quy định.
 
H.THẮM