Kém văn hóa

11:02, 22/02/2022
(LĐ online) - “Răng lại tới một mình rứa? Con mái mô?”; “ Ê, hôm qua con mái của tau hắn nói…”, “Chú mi có con mái khéo hè…?”…là những điều mà chúng ta vẫn gặp đâu đó, trong những không gian nào đó. Cũng không chắc là một ngữ cảnh cụ thể, vì cách dùng từ như vậy vậy trôi trên đường, hoặc trong những cuộc gặp giữa những ai đó. Có khi nó được dùng thay cho lời chào hỏi giữa những người quen biết …
 
Tôi là người dị ứng với cách dùng đại từ nhân xưng để chỉ vợ/người yêu này. Thoạt tiên, cách dùng từ này có thể xảy ra giữa những người có mối quan hệ khá gần gũi. Nghe qua, nó có thể là sự thể hiện một sự quan tâm thân tình nào đó nhưng nghe lại, cái cảm giác rõ nhất là sự thiếu tôn trọng dành cho đại từ nhân xưng ở ngôi thứ ba đang vắng mặt. Không biết đó có phải là cách gọi của gần gũi, yêu thương không nhưng tôi đồ rằng, chẳng người phụ nữ nào lại thấy vui, thấy ưng khi mình là nhân vật được gọi tên theo cách đó. Tại sao lại có thể vui, khi cách gọi vợ/người yêu là “con mái” cho thấy rất rõ sự bất bình đẳng trong mối quan hệ. Bất bình đẳng ngay cả khi người vợ có thể cùng là người đồng hành với người chồng để vun vén, chăm lo gia đình. Thậm chí, không ít người trong số họ còn là người giữ vai trò chủ đạo trong tổ ấm, trong xây dựng các mối quan hệ kinh tế xã hội.
 
Cho dù những từ chừng như đã xưa như mẹ hỉm, mẹ cò (phía bắc), mụ mi (miền Trung) hay má mấy đứa, má sắp nhỏ (miền Nam) có thể không còn thông dụng, nhưng tôi dám đoan chắc là người phụ nữ nào cũng sẽ thấy ấm áp khi họ được gọi/chỉ đến bằng cách dùng các đại từ như vợ tôi/vợ anh, nhà tôi, bà xã…Ngay cả khi người phụ nữ bên người đàn ông được chỉ danh bằng theo cách không hay ho như sư tử Hà Đông thì ít nhất  theo góc nhìn của tôi, vẫn còn có một sự khả dĩ nào đó (đương nhiên là nhiều chị em vẫn phật lòng lắm vì những liên tưởng, ví von không đúng).
 
Có một cách gọi khác, giờ cũng trở nên khá phổ biến trong những người trẻ thời nay. Đó là gọi người yêu/vợ mình là gấu. Thoạt tiên, gấu cũng mang đến một liên tưởng gần như sư tử Hà Đông, nhưng nghe kỹ lại – mà cũng có thể là vì quen trong trạng thái chấp nhận được – người tiếp nhận vẫn nhận ra sự tôn trọng bao hàm trong cách gọi đó. Có thể cách gọi này đến từ việc gấu là biểu tượng của tình yêu, sự ấm áp và cả xù xì thô mộc dễ thương. 
 
Trở lại với cách gọi mà chúng tôi đề cập đầu tiên, người tiếp nhận chắc chắn sẽ có một cách nghĩ khác về ngôi thứ ba số ít này, từ cách gọi tên suồng sã của người đồng hành trong cuộc đời của họ. Tôi cứ nghĩ về điều này, không chỉ vì mình cũng là phụ nữ vì chỉ nghe thôi, nhiều người sẽ cảm thấy người vắng mặt được nhắc đến chắc cũng tầm thường. 
 
Nếu đứng về khía cạnh của một người phụ nữ khi đề cập đến vấn đề này, điều mà tôi cảm thấy là hơn cả sự suồng sã, người sử dụng nó chắc hẳn là có độ khuyết về văn hóa, về tình cảm và sự phai nhạt của thương yêu. Và họ, có thể cũng cũng được gọi bằng một sở hữu cách dưới dạng một tên gọi suồng sã khác khi có chị em, vì không kiềm chế được bực dọc mà gọi lên…?
 
YÊN MINH