Nỗ lực phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn

05:05, 10/05/2022
Giáo dục mầm non (GDMN) vùng khó khăn còn hạn chế là công tác xã hội hóa. Vì vậy, đa dạng hóa loại hình còn chậm, tiềm năng chưa được phát huy đầy đủ nên tỷ lệ huy động trẻ ra nhà trẻ còn thấp... 
 
Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường Mầm non Đạ Chais, huyện Lạc Dương.
Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường Mầm non Đạ Chais, huyện Lạc Dương.
 
Trong giai đoạn 2015-2020, để phát triển GDMN vùng khó khăn, nhiều chính sách đã thực hiện như: trẻ mẫu giáo (MG) 3-5 tuổi đi học tại cơ sở giáo dục mầm non (CSGDMN) được hỗ trợ ăn trưa; miễn, giảm học phí trẻ em học lớp MG 5 tuổi; ưu tiên trong tuyển sinh; chính sách đối với đội ngũ; chính sách đầu tư, phát triển; chính sách xã hội hóa... Trong đó, ở Lâm Đồng, chi tiền hỗ trợ ăn trưa cho học sinh MG theo Nghị định 6 từ năm 2018 đến nay gần 45 tỷ đồng, số lượng học sinh được hưởng bình quân mỗi năm là 18.376 học sinh. 
 
Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn vẫn còn thiếu chính sách cụ thể. Ví dụ, chế độ chính sách khuyến khích giáo viên vùng khó khăn chưa được thực hiện triệt để; thiếu biên chế cho giáo dục ở địa phương; một số chính sách chưa thỏa mãn yêu cầu thực tế, còn nhiều chồng chéo trong quá trình triển khai; ban hành nhiều chính sách nhưng hiệu quả chưa cao, chưa huy động được sự tham gia của toàn xã hội đối với GDMN vùng dân tộc thiểu số (DTTS)... 
 
Tính đến tháng 5/2021, Lâm Đồng có 5 trường MN, với 49 nhóm lớp nằm trong khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ huy động là 1.719/3.283 cháu (52,36%); nhà trẻ 171/2.356 cháu (10,59%); MG 1.588/2.047cháu (77,57%). Hạn chế, khó khăn rõ nhất là cả 5 trường đều có ít nhất 2 điểm trường lẻ, cách xa điểm trường chính từ 7-15 km nên khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; cơ sở vật chất tại điểm lẻ chưa được kiên cố hóa, thiết bị dạy học và đồ chơi ngoài trời chưa đầy đủ. Tỷ lệ huy động và chuyên cần của trẻ nhà trẻ và MG 3,4 tuổi còn thấp và không ổn định. 
 
Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, các trường đã phát triển Chương trình GDMN phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường và văn hóa của DTTS tại địa phương. Đặc biệt, các trường đã triển khai thực hiện tốt hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS, tăng cường các hoạt động làm quen với việc đọc và viết đối với trẻ 5 tuổi, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin khi bước vào trường phổ thông. Kết quả đến nay, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường đạt 19,64%, MG đạt 90,96%; chuyên cần đạt 95,02%; duy trì sĩ số trẻ đến năm học đạt 100%. 100% trẻ được học 2 buổi/ngày, có 100% trẻ được tổ chức bán trú tại trường. 100% trẻ đến trường được theo dõi sức khỏe định kỳ, cân, đo và theo dõi biểu đồ tăng trưởng theo quy định. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân 3,3%; thấp còi 7,5%. 100% trẻ DTTS được tăng cường tiếng Việt và 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN. Khó khăn rõ nhất là đa số giáo viên trẻ, thiếu kinh nghiệm và chưa linh hoạt, sáng tạo; chưa đảm bảo biên chế 2 giáo viên/nhóm lớp. Một số giáo viên người Kinh hạn chế về ngôn ngữ DTTS. Trong lúc, vốn tiếng Việt một số trẻ còn thiếu...
 
Kết quả phổ cập GDMN ở Lâm Đồng, tính đến thời điểm tháng 12/2021, đã có 12/12 huyện, thành phố đạt chuẩn; 147/147 xã đều đạt chuẩn phổ cập GDMN 5 tuổi. Bộ GDĐT đã công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN 5 tuổi năm 2014... Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở GDĐT Huỳnh Quang Long cho biết: “Chất lượng thực hiện chương trình GDMN còn có khoảng cách, chênh lệch giữa các vùng, miền (đô thị, miền xuôi và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn); giữa các loại hình trường (công lập, ngoài công lập). Công tác phổ cập giáo dục cho trẻ MN 5 tuổi tuy được nâng lên nhưng chưa bền vững, chưa đồng đều giữa các vùng, đặc biệt là vùng DTTS”.
 
Để tiếp tục phát triển GDMN vùng khó khăn, cần tạo mọi điều kiện để huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi từ nhà trẻ đến MG 5 tuổi được tiếp cận với dịch vụ mầm non có chất lượng. Tiếp tục mở rộng quy mô trường lớp MN trên địa bàn dân cư, đảm bảo sự cân bằng trong thụ hưởng dịch vụ GDMN cho mọi trẻ em, đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh, khắc phục cơ bản sự chênh lệch về phát triển GDMN giữa các vùng thuận lợi hoặc vùng khó khăn. Tiếp tục có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho phát triển GDMN và đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa nhằm huy động toàn xã hội cùng chăm lo cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ, huy động sự đóng góp nguồn lực của gia đình và toàn xã hội; phát triển đa dạng hóa các loại hình GDMN (công lập, dân lập và tư thục). Nhà nước cần đảm bảo mức lương cho giáo viên MN phải đủ sống và yên tâm với nghề... 
 
Ngày 18/02/2022, UBND tỉnh có công văn về việc triển khai Giai đoạn 2 thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn tiếng Việt cho trẻ MN và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, theo Quyết định 5006, đến ngày 31/01/2022 của Bộ GDĐT. Trước đó, ngày 17/2/2022, thực hiện Quyết định 1437 của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, GDĐT, Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ký quy chế phối hợp liên ngành thực hiện Đề án Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025. Đây là những cơ sở pháp lý để GDMN vùng khó khăn tiếp tục phát triển, thu hẹp dần khoảng cách so với vùng có điều kiện thuận lợi. 
 
MINH ĐẠO